‘Hiếm hoi trên thế giới’. Vì sao phương Tây tự tin rằng Việt Nam sẽ thoát được suy thoái?

Khác với sự thận trọng trong tâm lý quản trị ở châu Á, các định chế phương Tây dường như rất hào phóng lời khen và đang đặc biệt tự tin vào triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Sputnik
Tại Diễn đàn Kinh tế cao cấp Việt Nam – Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann nhận định, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia hiếm hoi trên thế giới tránh được suy thoái.
Cũng nhờ kinh tế Việt Nam không bị suy thoái do Covid-19 nên OECD tự tin rằng, triển vọng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 và 2023 sẽ vượt 6% bất chấp các biến động tiêu cực trên toàn cầu hiện nay.

Hợp tác Việt Nam – OECD: ‘Chưa từng có tiền lệ’

Phương Tây vừa dự báo Việt Nam nằm trong số ít quốc gia trên thế giới thoát suy thoái và điều này hoàn toàn không gây bất ngờ với những ai theo dõi đà hồi phục của Việt Nam suốt những năm qua.
Sáng nay 18/10, Diễn đàn Kinh tế cao cấp Việt Nam – Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD – Vietnam High Level Economic Forum) diễn ra, thu hút sự quan tâm của các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước.
OECD - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, với tiền thân là Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (OEEC), hiện có 38 thành viên, hầu hết đều là các nền kinh tế phát triển, thu nhập cao của phương Tây.
Phó Thủ tướng đánh giá tích cực về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022
Forum kinh tế quan trọng này quy tụ sự góp mặt của quan chức phụ trách chính sách kinh tế hàng đầu đất nước và đại diện từ nhiều tổ chức quốc tế, định chế, doanh nghiệp nội địa, nước ngoài.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Việt Nam đang có những bước phục hồi mạnh mẽ sau không ít khó khăn do hệ lụy của dịch COVID-19 và các diễn biến kinh tế, địa chính trị phức tạp trên thế giới.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự hỗ trợ của OECD.
“Tôi đánh giá rất cao vai trò và sự giúp đỡ hợp tác của OECD với Việt Nam vừa qua”, - ông Dũng bày tỏ.
Ông Dũng cho hay, thời gian gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với OECD trong các hoạt động liên quan thuộc khung khổ Biên bản ghi nhớ giữa Việt Nam và OECD.
“Quá trình hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan với OECD trong các hoạt động này rất chất lượng, thậm chí có thể đánh giá là “chưa từng có tiền lệ”, - Bộ trưởng nói.
Ông Dũng dẫn chứng, có hoạt động chỉ trong vài tháng, các bộ, ngành Việt Nam đã gửi tới vài chục lượt văn bản góp ý. Các bộ, ngành đều đón tiếp rất thịnh tình và trao đổi cởi mở, thẳng thắn với các chuyên gia của OECD trên tinh thần xây dựng. Có bộ cử gần 30 cán bộ tham gia một phiên họp trực tuyến với OECD.
Diễn đàn kinh tế cao cấp Việt Nam - OECD
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, có thể thấy Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã điều phối, phối hợp rất tích cực, chặt chẽ với các bộ, ngành và OECD trong các hoạt động hợp tác.
“Bản thân các bộ, ngành cũng kỳ vọng nhiều vào quá trình hợp tác với OECD, đặc biệt là mong muốn lắng nghe những đánh giá, kiến nghị khách quan, có giá trị từ phía OECD”, - Bộ trưởng khẳng định.
Về phần mình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát huy vai trò tham mưu rất tích cực trong việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chỉ thị số 15/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới.
Bộ KH&ĐT cũng tập trung nghiên cứu, kiến nghị với cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ các nội dung nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành nhiều chương trình, sáng kiến cải cách, mở rộng không gian kinh tế cho khu vực tư nhân.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế thành công nhất thế giới, đúng hay không?
Theo ông Dũng, hiện Bộ KH&ĐT đang tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, tìm ra nội dung tăng trưởng mới trong giai đoạn tới, để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.
Đánh giá đây là tham vọng và mục tiêu lớn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam cần sự chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế, bạn bè và các đối tác từ các nước để hình thành chính sách và đáp ứng các vấn đề cần tập trung ưu tiên giải quyết trong từng giai đoạn.

“Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ và mong đợi được chia sẻ tại diễn đàn, đặc biệt là vấn đề trong điều hành, cải cách kinh tế, quản trị doanh nghiệp nhà nước và thúc đẩy thu hút dòng vốn FDI”, - người đứng đầu Bộ KH&ĐT nêu rõ.

‘Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới tránh được suy thoái’

Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann khẳng định, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới tránh được suy thoái.
“Phải ghi nhận những tiến bộ xã hội đáng kể đã đạt được ở Việt Nam trong ba thập kỷ qua. Hiện Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới tránh được suy thoái liên quan đến COVID-19”, - Tổng Thư ký OECD nhận xét.
Ông Mathias Cormann đánh giá, triển vọng tăng trưởng của Việt Nam ‘tương đối mạnh’. Theo đó, OECD dự báo tăng trưởng GDP sẽ vượt 6% cả năm nay và năm sau.
Dự báo lạc quan của OECD về Việt Nam được thúc đẩy bởi nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, khi các doanh nghiệp trong OECD tìm đến Việt Nam giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Do đó, trước những thách thức phía trước, Việt Nam cần đẩy mạnh các nỗ lực cải cách để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Thư ký OECD Mathias Cormann
Trong đó, ông Cormann cho rằng, Việt Nam cho phép xem xét những chỉ số quan trọng, bên cạnh việc có thêm những công cụ, ví dụ như ký kết Công ước đa phương về chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển dịch lợi nhuận.
Đánh giá về vị trí kinh tế và tiềm năng chính sách của Việt Nam, ông Mathias Cormann cho rằng cần nhắc đến thành công giảm tỷ lệ nghèo đói tại Việt Nam. Ngoài ra, mặc dù dịch Covid-19 gián đoạn quá trình này, tỷ lệ tiêm chủng cùng biện pháp kinh tế đã giữ Việt Nam tăng trưởng trong cả năm 2020 và 2021.
“Lạm phát toàn cầu đang tăng do giá lương thực, năng lượng tăng, nhưng Việt Nam đang kiểm soát được điều này. Chỉ số lạm phát của Việt Nam thấp hơn các nước OECD”, - ông Mathias Cormann nói.

Dân số già là bài toán khó

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Mathias Cormann cũng lưu ý, Việt Nam cần thích ứng khi dân số già đi nhanh chóng, theo hướng thúc đẩy năng suất.
Chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ việc mở cửa thương mại hơn nữa, điều này có nghĩa Việt Nam có các cơ hội để tự do hóa hơn nữa thị trường dịch vụ của mình, nhờ đó, sẽ được hưởng lợi từ khả năng kết nối và chuyển giao kiến thức nhiều hơn.
Ngoài ra, Việt Nam có thể hưởng lợi từ các công việc đang diễn ra tại OECD về thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng. Việt Nam đã có cam kết đáng hoan nghênh tại COP 26 là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Việt Nam đã là nền kinh tế lớn thứ 40 thế giới
“Chính kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của OECD có thể giúp Việt Nam giải quyết các thách thức và nắm bắt các cơ hội nêu trên”, - ông Cormann nêu rõ và chỉ ra rằng, một trong những ưu tiên hàng đầu của OECD là tăng cường cam kết với các đối tác Đông Nam Á như Việt Nam.
Khuyến nghị thêm về yếu tố phát triển bền vững, lãnh đạo OECD cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, thì quốc gia này không nên đánh đổi năng suất trong ngành công nghiệp mũi nhọn với cái giá phải trả về môi trường.
Lãnh đạo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế tái khẳng định, hợp tác của OECD về hành vi kinh doanh có trách nhiệm và đầu tư chấtt lượng sẽ hỗ trợ khả năng phục hồi chuỗi cung ứng của Việt Nam.
“Đây chỉ là một số cơ hội hợp tác chung. OECD tự hào hỗ trợ chương trình tăng trưởng dài hạn của Việt Nam thông qua nội dung này và nhiều yếu tố khác trong kế hoạch hành động chung”, -Tổng thư ký OECD bày tỏ thiện chí sẵn sàng sát cánh cùng Việt Nam.
Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, dù tăng trưởng cao, duy trì được lạm phát thấp, nhưng nhiều ngành nghề của đất nước vẫn trong giai đoạn khó khăn, chờ phục hồi.
Lưu ý rằng, bên ngoài có nhiều rủi ro, trong nước cũng có những thách thức riêng, lạm phát toàn cầu đang đòi hỏi các nền kinh tế quan tâm hơn đến phục hồi bền vững, do đó, ông Andrew Jeffries khuyến nghị Việt Nam cần xác định rõ đâu là những đối tượng cần được thụ hưởng các chính sách tài khoá, tiền tệ.
“Việt Nam cần tiếp tục các chính sách giảm, miễn thuế cũng như tăng khả năng tiếp cận những khoản vay cho các doanh nghiệp, tăng cường các chính sách an sinh, hỗ trợ cho người lao động phi chính thức”, - lãnh đạo ADB nhấn mạnh và bổ sung thêm rằng, các cơ chế tài khoá ngắn hạn sẽ giúp nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Phương Tây không thổi phồng tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Thông qua hai phiên thảo luận triển vọng kinh tế vĩ mô và chính sách quản trị doanh nghiệp nhà nước Việt Nam, thu hút FDI chất lượng cao phục vụ tăng trưởng xanh và chuyển đổi số, OECD, lãnh đạo nhiều Bộ, Ban ngành của Việt Nam cùng các đại biểu đã đóng góp ý kiến về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam với chính sách quản trị doanh nghiệp Nhà nước.
Trong đó, theo các chuyên gia, Việt Nam cần có quốc sách về phát triển xanh và chuyển đổi số cũng được cập nhật nhằm hướng tới xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh chiến lược, tự cường và vững chắc, hội nhập quốc tế hiệu quả trong một thế giới nhiều biến động như hiện nay.
Như Sputnik đã khẳng định trong các phân tích của mình thời gian qua, việc các tổ chức quốc tế nhận định kết quả tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam hiện nay đạt được hoàn toàn không phải do ngẫu nhiên.
Đó là sự kết hợp tổng hoà giữa nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm của mỗi người dân. Đó là những chiến lược khôn khéo, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô đúng đắn, hợp lý, tuỳ ứng biến nhanh nhạy, linh hoạt, nền tảng vững chắc, tiềm lực kinh tế ngày càng được củng cố. Không thể bỏ qua các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng trải khắp đất nước hay công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư rộng mở và tập trung đẩy mạnh động lực xuất khẩu.
Cùng với nền tảng tăng trưởng GDP cao của năm 2022, kinh tế Việt Nam xứng đáng với những dự báo lạc quan, tích cực bất chấp nhiều thách thức bên ngoài còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, Việt Nam vẫn được đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng cao nhất khu vực trong năm 2022 và sẽ là một trong những điểm sáng hiếm hoi trên bức tranh kinh tế khá ảm đạm toàn cầu hiện nay.
Thảo luận