Động lực thắt chặt quan hệ Việt Nam – Campuchia và ASEAN

HÀ NỘI (Sputnik) – Chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Camuchia vừa qua được đánh giá là rất tốt đẹp. Với biệt danh “Ông vua giải các bài toán khó về ngoại giao”, Việt Nam đã thể hiện rõ nét vai trò cầu nối và vị thế của mình khi cùng với các quốc gia ASEAN đưa Hội Nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 40 & 41 đến thành công mỹ mãn.
Sputnik

Quan hệ Việt Nam – Campuchia ngày càng tốt đẹp

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi, có chung đường biên giới, chung dòng nước sông Mekong và quan hệ gắn bó trên tất cả các lĩnh vực. Chuyến thăm chính thức Campuchia vừa qua là chuyến thăm đầu tiên của đồng chí Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt.
Đánh giá về kết quả chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính tại Camuchia từ ngày 8 đến ngày 9/11/2022 vừa qua, Đại tá Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học và tư liệu giáo khoa (Học viện Chính trị Công an Nhân dân) đã tổng kết bằng từ: “RẤT TỐT ĐẸP”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm chính thức Campuchia và dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41

“Đáng chú ý, kết quả quan trọng nhất là hai bên đã ra được bản Tuyên bố chung, văn kiện ngoại giao cao cấp nhất. Đây là bản Tuyên bố chung thứ 10 được hai bên ký kết kể từ năm 1999. Với 16 đề mục, văn kiện này đã đề cập đến toàn bộ những lĩnh vực quan trọng nhất trong quan hệ gữa hai nước, tiếp tục nâng cấp các mối quan hệ tốt đẹp đã có và định hướng tháo gỡ một số vấn đề còn chưa giải quyết xong”, Đại tá nhấn mạnh với Sputnik.

Kết quả quan trọng thứ hai của chuyến đi thăm là 11 văn kiện hợp tác đã được hai bên ký kết. Các văn kiện đó vừa có sự khẳng định và củng cố sự hợp tác chặt chẽ hơn đối với một số lĩnh vực và phát triển sự hợp tác đó sang những lĩnh vực mới với nhiều đổi mới, phù hợp với xu thế tiến bộ của thời đại cũng như sự phát triển của khoa học và công nghệ, đồng thời phát huy thế mạnh của mỗi nước trong hợp tác ở nhiều lĩnh vực quan trọng, cụ thể:
Hợp tác về giao thông vận tải có 1 văn kiện.
Hợp tác phát triển nông nghiệp có 1 văn kiện.
Thương mại, thuế quan và biên mậu có 4 văn kiện liên quan.
Truyền thông, viễn thông và công nghệ thông tin có 3 văn kiện có liên quan.
Hợp tác về lao động có 1 văn kiện.
Hợp tác về dân tộc và tôn giáo có 1 văn kiện.
Tuy nhiên, những điểm mới này lại là hệ quả của một thỏa thuận có tính định hướng đặc biệt quan trọng đã được nêu trong Tuyên bố chung giữa hai nước. Đó là việc hai bên cam kết thúc đẩy để sớm hoàn thành bản Quy hoạch tổng thể kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Campuchia đến năm 2030 (mục 8 – Tuyên bố chung). Thực hiện chủ trương dài hạn này có nghĩa là mọi sự hợp tác kinh tế giữa hai bên sẽ được lên kế hoạch, vạch ra lộ trình và thời hạn của các bước nhằm hiện thực hóa các nội dung hợp tác trong ít nhất là 8 năm trước mắt.

“Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Campuchia và Lào tăng cường hợp tác Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV DTA) và đẩy mạnh triển khai Kế hoạch hành động kết nối ba nền kinh tế CLV đến năm 2030 nhằm cùng nhau xây dựng các nền kinh tế CLV gắn kết, bền vững và thịnh vượng, đóng góp vào Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Điều này chứng tỏ sự tin cậy chính trị rất cao của lãnh đạo và nhân dân hai nước Việt Nam và Campuchia. Đó chính là điểm sáng lớn thứ nhất”, vị chuyên gia bình luận.

Đại tá cũng nói thêm, điểm sáng lớn thứ hai là bên cạnh sự nhất trí tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh dựa trên nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ của mình làm phương hại đến an ninh và lợi ích của nước kia; hai bên đã cam kết thúc đẩy đối thoại, tăng cường lòng tin, kiềm chế, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới việc sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khai mạc Hội nghị cấp cao ASEAN

Thấy gì từ quan hệ ASEAN với Mỹ & Ấn Độ ?

Tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 40 & 41 đang diễn ra tại Campuchia, ngày 12/11 lãnh đạo Mỹ và các nước ASEAN đã tuyên bố thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) với Mỹ và Ấn Độ.
Phân tích thêm với Sputnik về quan hệ ASEAN - Mỹ, Đại tá Nguyễn Minh Tâm cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ với ASEAN là do vị trí địa chiến lược cực kỳ quan trọng của cộng đồng này đối với khu vực Tây Thái Bình Dương và cả thế giới.

“Do đó, theo quan điểm của Mỹ, việc các quốc gia thuộc khu vực này nghiêng hoặc không nghiêng về phía Mỹ sẽ quyết định đến chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc và Ấn Độ. Từ đó, Mỹ muốn đạt được 3 mục tiêu chiến lược trong việc tăng cường quan hệ với ASEAN”, ông Nguyễn Minh Tâm nói tiếp.

Một là, Mỹ muốn gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Mỹ và ASEAN cả về kinh tế lẫn an ninh khu vực, vì những lợi ích chung của Mỹ và các nước ASEAN trong việc bảo đảm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực có vị trí địa - chính trị chiến lược này.
Hai là, Mỹ muốn thể hiện rõ rằng, mặc dù Mỹ không phải là một trong những nước có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông, nhưng các nước ven Biển Đông lại không thể giải quyết vấn đề này cũng như các vấn đề an ninh khác của khu vực mà không tính đến các phản ứng từ phía Mỹ.
Ba là, Mỹ muốn tạo dựng và đưa ASEAN trở thành một trung tâm kinh tế ngày càng gắn kết với Mỹ, qua đó giành lại ưu thế đã mất vào tay Trung Quốc tại khu vực này trong nhiều năm qua.
Thủ tướng lên đường thăm Campuchia, dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41
Còn đối với ASEAN, các nước trong khối này cũng nhận thức được những lợi ích cơ bản nếu tăng cường hợp tác ASEAN - Mỹ và kèm theo đó cũng có không ít quan ngại cả về trước mắt và lâu dài, tạo ra những yếu tố thuận và không thuận trong khi xem xét nâng cấp quan hệ ASEAN – Mỹ.
Những yếu tố thuận đều đã rõ. Riêng yếu tố không thuận, Đại tá chỉ ra với Sputnik:
Một là, trong giai đoạn trước mắt Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào những vấn đề trong nước cũng như tình hình ở khu vực châu Âu, Trung Đông, nơi có những quyền lợi sống còn của Mỹ, hoặc những diễn biến mới sẽ buộc Mỹ phải quan tâm hơn tới Đông Bắc Á. Khi đó, họ sẽ không thực sự mặn mà và quan tâm sâu đến khu vực Đông Nam Á, thậm chí “hy sinh” lợi ích của Mỹ tại khu vực này để bảo toàn những lợi ích chiến lược hơn của Mỹ.
Hai là, chính sách đối ngoại không nhất quán của Mỹ thể hiện qua sự thay đổi quay ngoắt 180 độ vừa quan giữa hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ đã tạo nên sự nghi ngờ. Bên cạnh đó, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc có thể trở nên ngày càng gay gắt hơn khiến cho mối đoàn kết nội bộ ASEAN bị lung lay trong bối cảnh nhiều nước thành viên không muốn bị mắc kẹt vào cuộc xung đột chiến lược toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ba là, sự khác biệt giữa hệ thống chính tri và truyền thống giữa các nước ASEAN với Mỹ và phương Tây cũng tạo nên những lực cản do sự lo ngại “bị bay màu” của các nước ASEAN, phá vỡ sự ổn định chính trị của từng quốc gia cũng như toàn khối ASEAN.
Bốn là, cùng với sự ra đời của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang tạo ra những tiền đề thuận lợi để các nước ASEAN phát triển thì Mỹ lại thúc đẩy Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) nhằm làm đối trọng với Trung Quốc. Điều này có thể làm cho lãnh đạo một số quốc gia Đông Nam Á bị phân tâm, đồng thời làm phân tán tiềm lực của các nước ASEAN, trước sự cạnh tranh của các khối thương mại này.
Cuối cùng, cần lưu ý một điều rất quan trọng là cho tới nay, Mỹ vẫn chưa tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS-1982) mặc dù Công ước đó đã ra đời cách đây 40 năm.
So với Mỹ, việc nâng cấp quan hệ ASEAN - Ấn Độ có nhiều thuận lợi hơn và cũng có ít khó khăn trở ngại hơn.
Xét từ góc độ kinh tế, Ấn Độ là một thị trường rộng lớn với dân số chỉ đứng sau Trung Quốc, có nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ khoa học và công nghệ phát triển cao cũng như quy mô nền kinh tế đứng trong tốp 10 của thế giới. Hợp tác ASEAN-Ấn Độ được triển khai chủ yếu thông qua Kế hoạch hành động 5 năm.
Trong 5 năm gần đây, các doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm tới khu vực ASEAN rất lạc quan về tiềm năng tăng trưởng trong khu vực. Có tới 61% doanh nghiệp Ấn Độ tham gia khảo sát cho biết họ đang tập trung vào việc mở rộng hoạt động tại Indonesia bởi đây là thị trường mang đến các tiềm năng tốt nhất cho phát triển, theo sau là Việt Nam (49%), Malaysia và Singapore (46%)
Về chính trị, ASEAN là trung tâm trong chính sách “Hành động hướng Đông” và tầm nhìn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn hơn của Ấn Độ. Sự gắn kết của Ấn Độ và ASEAN hoàn toàn “tự nhiên”. Ấn Độ đã là nước ủng hộ mạnh mẽ vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết vấn đề khu vực và thế giới, đồng thời đóng vai trò ngày càng tích cực trong cấu trúc an ninh khu vực.
Về truyền thống, Ấn Độ là quốc gia lớn trên thế giới có thế mạnh gắn gết văn hóa với các nước ASEAN. Trong đó, các tôn giáo lớn ở Án Độ như Đạo Phật, Đạo Hindu, Đạo Hồi đều có mặt tại đa số các quốc gia ASEAN. Đó cũng là những điểm chung có thể tạo ra nhiều tiếng nói chung dễ dang hơn nhiều só với quan hệ ASEAN – Mỹ.
Về cạnh tranh địa chiến lược, Ấn Độ chỉ có mâu thuẫn với Trung Quốc xung quanh các vấn đề ở Tây Tạng và mâu thuẫn với Pakistan về vấn đề Kashmir. Ấn Độ không có cạnh tranh địa chiến lược với Trung Quốc ở khu vực Biển Đông.
Cho dù có các mức độ mâu thuẫn khác nhau nhưng vì cả Mỹ và Ấn Độ đều là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc trên một số hoặc nhiều lĩnh vực. Trong đó, mâu thuẫn Trung - Mỹ gay gắt hơn nhiều so với mâu thuẫn Trung - Ấn nên Trung Quốc có thể đồng tình với việc nâng cấp quan hệ ASEAN - Ấn Độ. Nhưng đối với việc nâng cấp quan hệ ASEAN – Mỹ thì sẽ là cả một vấn đề cần phải suy xét kỹ bởi quan hệ ASEAN – Mỹ có ảnh hưởng gần như trực tiếp đối với lợi ích của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ và các nước ASEAN tại New Delhi, Ấn Độ

Việt Nam luôn làm tròn vai trò dẫn dắt trong ASEAN

Sau gần 30 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam ngày càng phát huy vai trò tích cực và nêu cao trách nhiệm của mình khi đóng góp vào các chủ trương lớn của ASEAN cả về tinh thần và vật chất. Trải qua 3 nhiệm kỳ là Chủ tịch luân phiên của ASEAN, Việt Nam ngày càng phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong việc củng cố mối đoàn kết nội khố và xử lý thành công nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ ngoại khối.
Đặc biệt là trong nhiệm kỳ thứ 37 năm 2020 gần đây, Việt Nam được dư luận quốc tế ca ngợi vì đã hóa giải thành công nhiều vấn đề gai góc và phức tạp do sự bùng nổ các hoạt động cạnh tranh địa chiến lược toàn cầu của các nước lớn.

“Giờ đây, khi đứng giữa mối quan hệ tay ba giữa ba cường quốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương gồm Mỹ - Trung Quốc và Ấn Độ, dù không ở cương vị chủ tịch của khối ASEAN nhưng Việt Nam chắc chắn sẽ đóng vai trò dẫn dắt, sẽ đưa ra các sáng kiến, các đề xuất hữu ích để hóa giải những trở ngại, khó khăn hoặc chí ít cũng là hài lòng các bên, nếu không hoàn toàn thì cũng có thể chấp nhận một phần”, Đại tá Tâm đánh giá.

Đối với các vấn đề chiến lược, Việt Nam vẫn trung thành với đường hướng đã được vạch ra tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 37 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Trong điều kiện các cuộc cạnh tranh địa – chiến lược, địa - chính trị toàn cầu diễn ra ngày càng gay gắt, phức tạp, khó lường, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các trung tâm quyền lực trên thế giới thì sự linh hoạt, uyển chuyển trong ứng xử giữa các cường quốc, các trung tâm quyền lực ấy lại càng cần thiết. Bên cạnh đó, Việt Nam luôn tuân thủ phương châm không chọn bên, không chọn phe mà cọn công lý và lẽ phải cũng là một định hướng quan trọng cho toàn khối ASEAN khi xử lý những bài toán khó trong quan hệ với Tam giác cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung - Ấn.

“Đối với hai trường hợp đối tác có dự kiến nâng cấp quan hệ với ASEAN là Mỹ và Ân Độ, đặc biệt là Mỹ, Việt Nam chắc chắn sẽ cùng với các nước ASEAN đòi hỏi Mỹ phải làm rõ hơn nữa, minh bạch hóa những nội hàm còn khó hiểu trong “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (IPEF). Đồng thời Mỹ cần có những cam kết đồng đẳng với toàn khối ASEAN chứ không chỉ với một vài nước trong ASEAN để không thể phá vỡ tính đoàn kết và đồng thuận của khối”, vị chuyên gia khẳng định.

Lục quân ASEAN đi đầu trong ứng phó thách thức an ninh khu vực
Mặt khác, Mỹ cũng cần có những can kết nột cách bình đẳng, cam kết không gây sức ép, không có động thái đơn phương để quan hệ ASEAN – Mỹ phải là quan hệ ASEAN + 1 chứ không phải là quan hệ 1 + ASEAN như đã từng diễn ra đối với khối G7.
Bên cạnh đó, các quốc gia ASEAN cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng những yếu tố thuận và không thuận khi nâng cấp quan hệ ASEAN – Mỹ để có những ứng xử phù hợp, tinh tế.

“Có thể dùng một cơ chế đặc biệt để hóa giải những yếu tố không thuận, phát huy mặt mạnh của những yếu tố thuận mà vẫn giữ được vị thế trung tâm khu vực cũng như tính độc lập và trung lập của khối trong quan hệ với các cường quốc, các trung tâm quyền lực”, Đại tá nêu giải pháp.

Việt Nam với danh hiệu không chính thức là “Ông vua giải các bài toán khó về ngoại giao” đã cùng với các quốc gia ASEAN đưa Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 40 & 41 đến thành công mỹ mãn.
Thảo luận