Trái phiếu như ‘bom nổ chậm’, nhà đầu tư bỏ chạy, Bộ Tài chính lập tức cảnh báo

Trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn biến nóng, nhiều người có tâm lý bất an – ôm trái phiếu như “ôm bom nổ chậm”, Bộ Tài chính đã lập tức có động thái mới, cam kết bảo vệ nhà đầu tư.
Sputnik
Đặc biệt, trước làn sóng đổ xô bán tháo trái phiếu doanh nghiệp trước hạn, xu hướng bỏ chạy của nhà đầu tư, Bộ Tài chính đề nghị người dân cần đặc biệt cẩn trọng và không tin theo tin đồn thất thiệt.

Làn sóng mua bán lại trái phiếu

Trên cơ sở nhiều diễn biến nóng những ngày gần đây, hôm nay, 14/11, Bộ Tài chính tiếp tục phát đi những thông tin lưu ý về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Theo Bộ Tài chính, trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường tiềm năng, nhất là khi nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong thời gian tới là rất lớn.
“Tuy nhiên, do các vi phạm trong phát hành trái phiếu của doanh nghiệp thời gian qua, trên thị trường đã xảy ra hiện tượng doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu, các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ”, Bộ Tài chính thừa nhận.
Trước đó, như đã thông tin, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam đang chững lại sau một vài vụ việc sai phạm vừa qua.
Dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC cho thấy, tính đến ngày công bố thông tin 31/10/2022, CT TNHH Khai Thác Chế Biến Khoáng Sản Núi Pháo là DN duy nhất phát hành trái phiếu trong tháng 10 với giá trị 210 tỷ đồng.
Trong khi đó, tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2022, có tổng cộng 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 413 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 240.761 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).
Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 56% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 51% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp ở Việt Nam đã thực hiện mua lại 147.484 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo VBMA, hiện áp lực đáo hạn của các doanh nghiệp đang tăng cao trong bối cảnh khó phát hành mới.
Nhiều chuyên gia nhận định, việc chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp là cần thiết, sai phạm phải bị xử lý, song cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có điều kiện, minh bạch tiếp tục phát hành trái phiếu vì đây là một kênh huy động vốn quan trọng, chia sẻ bớt gánh nặng vốn trung hạn cho hệ thống ngân hàng hiện nay.

Trái phiếu doanh nghiệp: Tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm

Trước tình hình diễn biến phức tạp thời gian qua, nhất là nhằm trấn an tâm lý của nhà đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp phát hành ‘tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm’ về hiệu quả sử dụng vốn.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu, cũng như thực hiện các cam kết với nhà đầu tư.
“Các doanh nghiệp có trách nhiệm tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu”, Bộ Tài chính khẳng định.
Trong thông cáo mới nhất hôm nay, Bộ Tài chính nhấn mạnh, trong trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp.
Cần tính đến các giải pháp như cơ cấu lại nợ, đàm phán hoán đổi trái phiếu, xử lý tài sản đảm bảo, thỏa thuận thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác của doanh nghiệp.
“Trường hợp không thỏa thuận được sẽ xử lý theo quyết định của tòa án”, thông báo của Bộ Tài chính nêu rõ.
Đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ, Bộ Tài chính lưu ý, các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.
Doanh nghiệp Việt cạn tiền, sẽ cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu cứu nguy?

Không nghe tin đồn thất thiệt

Theo thông báo từ Bộ Tài chính, khi doanh nghiệp phát hành có khó khăn về thanh toán, nhà đầu tư có thể chủ động làm việc với doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ.
Đây là bước cần thiết để thỏa thuận thống nhất phương án xử lý phù hợp, đảm bảo quyền lợi của cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành.
“Các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt”, Bộ Tài chính lưu ý.
Khi được giới thiệu mua trái phiếu riêng lẻ hoặc có ý định đầu tư trái phiếu, nhà đầu tư cần yêu cầu tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về doanh nghiệp phát hành, trái phiếu.
“Nhà đầu tư cần nắm rõ các quy định này tại văn kiện trái phiếu và các bản công bố thông tin của doanh nghiệp, lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Về việc các ngân hàng thương mại (NHTM), công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng, điều này không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu.
Các tổ chức này chỉ là tổ chức cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành, rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Theo Bộ Tài chính, trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.
Nhà đầu tư trái phiếu sẽ được hưởng lãi suất và được doanh nghiệp trả lãi, gốc khi trái phiếu đến hạn.
“Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm”, Bộ Tài chính nhắc lại.
Bộ cũng nêu rõ, trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng.
“Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua”, Bộ Tài chính cảnh báo.
Với đặc điểm này, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Bộ Tài chính sẽ chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Cũng trong thông báo mới nhất hôm nay, Bộ Tài chính bày tỏ, thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã từng bước phát triển để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó hỗ trợ giảm áp lực lên kênh tín dụng ngân hàng.
“Trong quá trình phát triển, thị trường đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, các cơ quan quản lý và Bộ Tài chính đã theo sát diễn biến thị trường để hoàn thiện chính sách”, lãnh đạo Bộ khẳng định.
Bộ Tài chính thường xuyên tuyên truyền về trái phiếu doanh nghiệp, làm rõ đặc điểm của sản phẩm này khác với sản phẩm tài chính của các ngân hàng thương mại như tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đã xuất hiện một số tồn tại.
Trong đó, có doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn, lãi suất cao trong khi tình hình tài chính hạn chế; một số tổ chức cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng dịch vụ.
“Một số nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất, không đánh giá đầy đủ đặc điểm, bản chất của trái phiếu doanh nghiệp, một bộ phận nhà đầu tư cố tình vi phạm để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”, Bộ Tài chính cho biết.
Theo Bộ Tài chính, hiện tượng các nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Bộ Tài chính khẳng định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường tiềm năng khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới cho phát triển sản xuất kinh doanh là rất lớn. Do đó, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch. Do đó, các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật.
Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP bổ sung các quy định để sàng lọc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế việc nhà đầu tư nhỏ lẻ không có năng lực tham gia thị trường. Đây cũng chính là các quy định để hạn chế nhà đầu tư cá nhân tiếp cận những rủi ro của trái phiếu doanh nghiệp khi không có khả năng phân tích, đánh giá và cũng là các quy định để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.
Nghị định 65 cũng tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc tuân thủ phương án và hồ sơ chào bán, yêu cầu chế độ công bố thông tin, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, hoàn thiện cơ chế quản lý giám sát và trách nhiệm thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.
Nóng xăng dầu, tiền tệ, trái phiếu, Chính phủ ra chỉ đạo đặc biệt
Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát.
“Trước mắt, việc triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cùng với các giải pháp xử lý nghiêm các vi phạm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua sẽ giúp thị trường điều chỉnh hướng tới thị trường hoạt động hiệu quả hơn”, Bộ Tài chính tin tưởng.
Thảo luận