Tổng kết 2024 và Dự báo 2025

Trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách "Ngoại giao cây tre"

Trong năm 2022, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách “Ngoại giao cây tre Việt Nam”. Đó là đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; kiến tạo môi trường hòa bình và ổn định để phát triển trên cơ sở hài hòa về lợi ích và chia sẻ rủi ro...
Sputnik
Kèm theo đó là các biện pháp ứng phó linh hoạt, xử lý uyển chuyển, mềm dẻo về cách thức nhưng kiên định về nguyên tắc.
Covid-19 chưa chấm dứt và sự kiện Nga mở Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina đã gây ra một số vấn đề nhất định trong chương trình ngoại giao của Việt Nam trong năm 2022, buộc lãnh đạo Việt Nam phải điều chỉnh lại một số nội dung cho phù hợp. Rồi đến khi Mỹ và phương Tây đồng loạt thi hành và ngày càng mở rộng các biện pháp cấm vận và trừng phạt Liên bang Nga cộng với tình hình chiến sự kéo dài thì Việt Nam lại phải tiếp tục điều chỉnh các kế hoạch ngoại giao của mình.

Những thành công của ngoại giao Việt Nam trong năm 2022

Ngay từ đầu năm 2022, Việt Nam đã có một chiến lược ngoại giao tổng hợp, trải rộng trên nhiều lĩnh vực gồm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh với nhiều mục tiêu trung hạn, dài hạn và ngắn hạn.
Về chính trị, các chuyến thăm và làm việc cấp nhà nước của các vị đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam tiếp tục diễn ra. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham dự nhiều Hội nghị quốc tế đa phương liên vùng, liên chính phủ và để lại nhiều dấu ấn rất tích cực, đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị, được các nước đánh giá cao.

“Việt Nam vẫn giữ được quan hệ cân bằng với các cường quốc trên thế giới, kể cả cũ và mới như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.v.v… trong điều kiện các cuộc cạnh tranh địa chiến lược, địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế… đang diễn ra hết sức phức tạp, gay gắt và có nơi rất khốc liệt, ngay cả khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn rình rập quay trở lại”, - Nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự quốc tế Nguyễn Minh Tâm bình luận với Sputnik.

Tổng kết 2024 và Dự báo 2025
Chuyên gia kỳ vọng Việt Nam sẽ có một năm 2023 bùng nổ
Những dấu ấn đáng nhớ của ngoại giao chính trị Việt Namđối với cộng đồng quốc tế là đã đảm nhiệm thành công vai trò dẫn dắt khối ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN, tại các Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và ASEAN+ cũng như những đóng góp tích cực tại các diễn đàn ASEM, APEC và đặc biệt là ở diễn đàn Liên Hợp Quốc.
Về kinh tế, Việt Nam đã sử dụng các biện pháp ngoại giao kinh tế như một trong các đòn bẩy quan trọng nhằm nhanh chóng phục hồi và phát triển bền vững.

“Đây là một hoạt động đối ngoại phức tạp nhất nhưng cũng được đặt ở vị trí quan trọng nhất nhằm nối lại các chuỗi cung ứng và logistic bị đứt gãy, khôi phục mối liên kết với các thị trường truyền thống và thị trường mới, thu hút thêm vốn đầu tư để bù đắp lại những thiệt hại do lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bị suy giảm trong 2 năm đại dịch”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.

Việt Nam là "trọng tâm của trọng tâm" trong quan hệ Hàn Quốc với ASEAN

“Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu ở mức 700 tỷ USD và xuất siêu trong năm 2022 tạo đà ấn tượng để lĩnh vực thương mại đối ngoại của Việt Nam tiếp tục có nền tảng vững chắc để tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tiếp theo để triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế đến năm 2030”, - Chuyên gia quan hệ quốc tế Nguyễn Hoàng bình luận với Sputnik.

Chuyên gia Nguyễn Hoàng cũng nhấn mạnh, công tác ngoại giao về kinh tế năm 2022 đã cụ thể hóa phương châm “đa phương hóa, đa dạng hóa”, cụ thể là đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, phát huy các thị trường đối tác FTA và mở rộng thị trường sang các đối tác tiềm năng. Việt Nam cũng đã xây dựng chính sách phù hợp nhằm đón nhận các dịch chuyển và tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng chất lượng cao, tiến tới xác lập vị trí cao hơn của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Về văn hóa, ngoại giao văn hóa luôn được xác định là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam thời kỳ hội nhập toàn cầu.Trong lĩnh vực này, giao lưu nhân dân đặc biệt có thế mạnh. Tiếp tục những thành công của các năm hữu nghị Việt Nam-Nga và Nga-Việt Nam 2019 và 2020, Việt Nam tiếp tục tổ chức thành công những “Tuần Việt Nam”, những “Ngày Việt Nam” ở Ấn Độ, Hàn Quốc, Áo và nhiều quốc gia khác, tiếp tục mang theo các giá trị bản sắc văn hóa độc đáo và hấp dẫn của Việt Nam đến với toàn thể nhân loại tiến bộ.
Năm 2022 cũng là năm triển khai Chiến lược Ngoại giao văn hóa của Việt Nam đến năm 2030 với dấu mốc đáng nhớ là có thêm 2 danh nhân văn hóa (Hồ Xuân Hương và Nguyễn Đình Chiểu) cùng một di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận; đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu các nước Đông Nam Á về số di sản/danh hiệu được UNESCO ghi danh. Năm 2022 cũng là năm Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất vào Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO về di sản văn hóa phi vật thể. Lần đầu tiên Việt Nam cùng một lúc đảm nhiệm vai trò thành viên của 3 cơ chế quan trọng của UNESCO.
Tổng kết 2024 và Dự báo 2025
10 sự kiện văn hoá, thể thao, du lịch tiêu biểu năm 2022 của Việt Nam
Đối ngoại quốc phòng cũng là một nhiệm vụ trọng tâm, một bộ phận đặc biệt quan trọng trong các trụ cột cơ bản của ngoại giao Việt Nam.
Trong năm 2022, lãnh đạo quân đội nhiều nước đã có chuyến thăm chính thức đến Việt Nam. Tại các cuộc hội đàm, thảo luận trong các chuyến thăm, nhiều nội dung quan trọng đã được thống nhất, qua đó góp phần tăng cường quan hệ quốc phòng song phương giữa Việt Namvà các nước đối tác. Đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tham dự Đối thoại Shangri La lần thứ 19, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+)... cùng nhiều hoạt động về quân sự quốc phòng của quốc tế, được bạn bè thế giới, khu vực ghi nhận, đánh giá cao.
Quân đội Nhân dân Việt Namtiếp tục duy trì sự có mặt của mình trong Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại 3 phái bộ ở Abyei, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Trụ sở Liên hợp quốc.
Kíp tăng Việt Nam thử khai hỏa trong khuôn khổ Army Games-2022
Trong năm 2022, công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng được triển khai tích cực, chủ động, linh hoạt ở nhiều cấp, trong đó có thể kể đến các hoạt động như: tổ chức thành công các cuộc “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc” lần thứ 7, “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Campuchia” lần thứ nhất, “Giao lưu Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”.v.v… Tại Cuộc thi “ARMY GAMES 2022” tổ chức tại Liên Bang Nga và một số nước khác, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công môn thi “Vùng tai nạn” và giành giải nhất toàn đoàn (Huy chương vàng).
Đối ngoại quốc phòng Việt Nam năm 2022 kết thúc bằng cuộc “Triển lãm quốc phòng Việt Nam 2022” (VIETNAM DEFENCE 2022) lần đầu tiên được tổ chức với quy mô rất lớn, quy tụ trên 170 công ty, doanh nghiệp từ 30 quốc gia trên thế giới và các bộ, ngành Việt Nam cùng hơn 250 đoàn khách quốc tế và trong nước tham dự, trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp quốc phòng. Sự kiện đánh dấu một bước tiến đáng kể về hội nhập trong lĩnh vực đối ngoại quốc phòng của Việt Nam.

Trong năm 2022 đã có khá nhiều chuyến công du thành công của lãnh đạo Đảng và Nhà nước

Nổi bật nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 30/10 - 1/11/2022. Kết quả chuyến thăm là hai bên đã ra bản Tuyên bố chung về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung quốc gồm 13 điểm. Hai bên đã ký kết 13 văn kiện và thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Chuyến thăm nổi bật thứ hai là Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, làm việc tại Mỹ và Liên Hợp Quốc, từ ngày 11 đến ngày 17/5/2022. Trong khuôn khổ chuyến công du này, Thủ tướng Việt Nam đã làm rõ những quan điểm mềm dẻo nhưng rất có nguyên tắc của Việt Nam đối với định hướng phát triển quan hệ ASEAN-Mỹ cùng với tình hình quốc tế và khu vực.
“Tại các phiên họp của Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Mỹ, lãnh đạo Việt Nam đã có những đánh giá khách quan và chính xác về mối quan hệ ASEAN-Mỹ, bày tỏ quan điểm dứt khoát về nguyên tắc độc lập, tự chủ, gắn kết và chủ động thích ứng của ASEAN. Nhiều đề xuất có giá trị của Việt Nam đã được thể hiện trong tuyên bố chung ASEAN – Mỹ”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik
Từ ngày 9 đến 15/12/2022 đã diễn ra chuyến công du chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Đại Công Quốc Luxemburg, Hà Lan, Bỉ và tham dự Hội nghị kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác ASEAN-EU. Thủ tướng Việt Namđã tham gia tới 60 hoạt động song phương và đa phương, đã gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các vùng và hơn 100 doanh nghiệp lớn nhỏ, chủ trì 3 diễn đàn doanh nghiệp. Kết quả là có tới 30 thỏa thuận hợp tác đã được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp của Việt Nam ký kết với các đối tác EU.
Từ ngày 16 đến ngày 19/11/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm chính thức tới Thái Lan, dự Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương. Kết quả chuyến thăm là hai bên đã ra tuyên bố chung với thông điệp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan.
Tại Hội nghị APEC 2022, Chủ tịch nước đã có bài diễn văn được các đại biểu đánh giá cao, nhất là về những ý tưởng mới, những quan điểm mới về xu thế phát triển của khu vực và định hướng của APEC trong giai đoạn đầy khó khăn hiện nay.
“Chúng ta là hàng xóm”, Mỹ vẫn rót mật ngọt vào tai Việt Nam

“Trong số các kết quả lớn của chuyến thăm và làm việc của ông Nguyễn Xuân Phúc tới Indonesia đáng kể nhất là việc hai bên đã hoàn tất đàm phán về phân định Vùng đặc quyền kinh tế phù hợp với luật pháp quốc tế, với UNCLOS 1982. Tiếp theo là hai bên khẳng định sẽ phát huy hơn nữa sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam khẳng định ủng hộ Indonesia đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023 và Indonesia nhất trí ủng hộ Việt Nam hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc 2023 – 2025”, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm phát biểu với Sputnik.

Kết thúc một năm ngoại giao đầy bận rộn của Việt Nam là chuyến đi thăm chính thức Cộng hòa Indonesia của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 22 đến ngày 23/12/2022. Chỉ với 2 ngày làm việc, Chủ tịch nước đã hội đàm với Tổng thống Joko Widodo; hội kiến với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch lưỡng viện Indonesia và có nhiều hoạt động khác.

Quan hệ chính trị - ngoại giao của Việt Nam và Nga trong năm 2022 có điểm gì đặc biệt?

Khó khăn lớn nhất của hợp tác chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong năm 2022 chính là các lệnh trừng phạt và cấm vận kéo dài và ngày càng mở rộng của Mỹ và phương Tây đối với Liên bang Nga. Theo đó, một số chuyến thăm và làm việc của lãnh đạo Nhà nước hai bên bị dừng lại. Nhiều chuyến thăm và làm việc cấp bộ trưởng cũng bị hủy bỏ. Các cuộc làm việc song phương giữa các doanh nghiệp lớn hai bên cũng gặp những khó khăn do giao thông cách trở. Nhưng đến quý 3 và quý 4 thì tình hình khả quan hơn.
“Các mối liên kết và tiếp xúc đã trở nên tích cực hơn trong quý 3 và 4. Ví dụ như các cuộc họp của các Ủy ban liên chính phủ về hợp tác trong lĩnh vực kinh tế- thương mại và khoa học – kỹ thuật, văn hóa và giáo dục trong tháng 10 và 11/2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam đã thăm làm việc tại Moskva vào tháng 10/2022…Các doanh nghiệp lớn của hai nước vẫn có những buổi làm việc trực tiếp như trong khuôn khổ chuyến thăm của Tập đoàn dầu khí Việt Nam tới Moskva để làm việc với Zarubezhneft vào tháng 9/2022, Diễn đàn kinh tế Việt-Nga diễn ra trong tháng 12 tại Hà Nội…”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang chia sẻ thông tin với Sputnik.
Qua các kênh không chính thức, các nhà ngoại giao và lãnh đạo một số bộ ngành của hai bên cũng đã có những cuộc tiếp xúc trực tiếp.
“Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Petersburg (SPIEF-2022) diễn ra từ ngày 15 - 18/6 2022 đã có mặt các đại diện ngoại giao Việt Nam và một số doanh nhân Việt Nam nổi tiếng như ông Phạm Nhật Vượng (VINGROUP), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (VIETJET), ông Nguyễn Thanh Hùng (SOVICO và một số doanh nhân khác. Điều này thể hiện sự quan tâm làm ăn với Nga của giới doanh nhân Việt Nam. Vì một số nguyên nhân, báo chí hai bên đã không đưa tin”, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.
Tại Diễn đàn kinh tế phương Đông lần thứ tư (EEF 2022) tổ chức ở Vladivostok từ ngày 5 đến 7/92022, Việt Nam cũng để lại những dấu ấn quan trọng. Trong bài phát biểu được ghi hình, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất trong điều kiện kinh tế và thương mại thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mang tính toàn cầu.
Về quan hệ kinh tế song phương Việt Nam - Nga, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga, đánh giá cao các kết quả hợp tác kinh tế giữa hai nước những năm vừa qua, nhất là trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp... Ông Phạm Minh Chính đề nghị hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên các ngành, lĩnh vực có thế mạnh, tận dụng hiệu quả và sớm nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU).
Thủ tướng Chính phủ cũng tái xác định rằng Việt Nam luôn ủng hộ việc gắn kết kinh tế Nga, nhất là vùng Viễn Đông, với các nước châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nga. Việt Nam sẵn sàng tiếp tục làm cầu nối đẩy mạnh hợp tác ASEAN - Nga, trong đó có xây dựng Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – EAEU nhằm kết nối, mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại giữa vùng Viễn Đông của Liên bang Nga với các nước châu Á - Thái Bình Dương.
ARMY GAMES-2022
Việt Nam đập tan lời gièm pha của phương Tây, tiếp tục tham gia Army Games cùng với Nga
Bên cạnh đó, tại các cuộc giao lưu văn hóa, thể thao và thể thao quân sự như ARMY GAMES 2022, lãnh đạo quốc phòng hai bên cũng đã có nhưng cuộc trao đổi bên lề để thông báo cho nhau những thông tin hữu ích và trao đổi những vấn đề cùng quan tâm mà không nhất thiết phải mở những cuộc hội đàm chính thức. Mặt khác, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân giữa hai bên thông qua các tổ chức hữu nghị tiếp tục được duy trì.
Không thể không nhắc tới chuyến thăm Việt Namcủa Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov diễn ra từ ngày 5 đến ngày 6/7/2022 theo lời mời của Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam. Đây là sự kiện đánh dấu mốc 10 năm Việt Nam và Liên bang Nga thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của một lãnh đạo Liên bang Nga tới Việt Nam trong năm 2022.
Tại buổi tiếp ngoại trưởng Nga, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nga, mong muốn làm sâu sắc và hiệu quả hơn nữa hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực với tinh thần thực chất, chân thành, tin cậy. Về phía mình, ngoại trưởng Nga khẳng định Nga luôn coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực và mong muốn củng cố hơn nữa hợp tác với Việt Nam.

“Hai bên cũng đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, vận tải… Việc tuyến vận tải đường biển từ Việt Nam đến cảng Vladivostok đã được kết nối với tuyến vận tải đường sắt Vladivostok-Moskva, giúp giảm thời gian, thủ tục cho hàng từ Việt Nam tới miền Tây nước Nga là một minh chứng, rồi sản phẩm nông nghiệp, trái cây của Việt Nam xuất hiện nhiều hơn tại thị trường Nga trong năm 2022 nữa’, - TS quan hệ quốc tế Hoàng Giang nói với Sputnik.

Xung lực mới trong hợp tác thương mại Nga – Việt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị

“Bất chấp những khó khăn chồng chất đối với cả Nga và Việt Nam do các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Liên bang Nga cũng như sự lôi kéo Việt Nam của Mỹ và phương Tây, Việt Nam vẫn khẳng định sự kiên trì với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ’, - Nhà phân tích Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh với Sputnik.

Theo đánh giá chung, các khó khăn đã có ảnh hưởng tới quan hệ Nga-Việt, nhưng chỉ đem lại những hậu quả ảnh hưởng về hình thức, còn về bản chất thì mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Namvà Liên bang Nga vẫn không hề thay đổi.
Thảo luận