Từ trước đến nay, bảo hiểm được xem là “gà đẻ trứng vàng” của nhiều ngân hàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước vụ việc SCB bị tố cáo có dấu hiệu lừa đảo khách hàng khi “hô biến” tài khoản tiền gửi của người dân thành hợp đồng bảo hiểm với Manulife, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt.
MB là ngân hàng có doanh thu bảo hiểm lớn nhất
Hoạt động môi giới, bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) không mới. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, hình thức liên kết kinh doanh này nở rộ và mang lại nguồn thu khổng lồ cho nhiều ngân hàng, tổ chức thương mại.
Vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã phát triển nhanh, chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ.
Tuy vậy, việc phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong việc quản lý chất lượng dịch vụ bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Hiện tượng một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng hoặc việc yêu cầu mua bảo hiểm gắn với các khoản vay.
Hoạt động này, theo Bộ Tài chính, đã vi phạm nguyên tắc "tự nguyện" được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Mùa báo cáo tài chính quý IV/2022 thể hiện, có nhiều nhà băng của Việt Nam thu cả chục ngàn tỷ đồng từ “bán bảo hiểm”.
Cùng với đó, xếp hạng doanh thu từ mảng bảo hiểm của các ngân hàng đã được công bố sơ bộ. Theo thông tin được báo Tiền phong đăng tải, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) hiện đang giữ vị trí cao nhất và là “quán quân” doanh thu từ hoạt động bán bảo hiểm.
Cần nhấn mạnh rằng, MB là ngân hàng có doanh thu bảo hiểm lớn nhất trong số nhà băng của Việt Nam công khai lợi nhuận từ hoạt động này nhờ sở hữu hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch lớn cùng hai công ty bảo hiểm là MIC và MB Ageas Life.
Cụ thể, năm 2022, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) báo lãi trước thuế 18.155 tỷ đồng, tăng hơn 37% so với năm 2021.
Riêng doanh thu từ kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm đạt 10.185 tỷ đồng, cao hơn gần 1.800 tỷ đồng so với năm 2021. Nguồn thu từ bảo hiểm hiện chiếm tới 71,5% doanh thu từ mảng dịch vụ chung của MB.
Cùng với đó, doanh thu từ bảo hiểm của Ngân hàng Quân đội tăng rất nhanh trong những năm trở lại đây. Năm 2019, doanh thu mảng này là 4.202 tỷ đồng, đến 2020 đã lên 5.849 tỷ đồng. Riêng lãi thuần từ hoạt động bán bảo hiểm MB tăng tới 22% so với cùng kỳ, đóng góp vào mức tăng chung của doanh thu mảng dịch vụ.
Như đã đề cập, MB cũng đang là kênh phân phối bảo hiểm lớn nhất của MIC và MB Ageas Life với khoảng 85-90% doanh thu mỗi năm.
Các ngân hàng kiếm tiền nhiều nhất từ kinh doanh bảo hiểm
Xếp ngay sau ngân hàng Quân đội MB là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Báo cáo tài chính của VPBank cho thấy, bảo hiểm hiện đang là một trong những nguồn thu quan trọng của nhà băng này. VPBank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 16.923 tỷ đồng, và thu từ kinh doanh bảo hiểm là 3.354 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước. Số thu từ bảo hiểm của VPBank chiếm 1/3 (32%) tổng thu nhập dịch vụ.
Theo bảng ước tính phí trả trước dựa trên một số thương vụ gần đây, Chứng khoán Yuanta cho hay, VPBank có thể tái đàm phán phân phối độc quyền bảo hiểm với khoản phí 8.000 tỷ đồng.
Còn theo công bố của VPBank, kể từ khi thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền BH được ký kết lần đầu năm 2017, VPBank luôn nằm trong nhóm các ngân hàng có doanh số bán bảo hiểm nhân thọ cao nhất và hiện đang đứng thứ ba toàn thị trường.
Tính đến nay, hoạt động phân phối BH AIA đã được triển khai ở hơn 250 chi nhánh của ngân hàng. Đến đầu tháng 11/2022, VPBank cũng nhận chuyển nhượng thêm vốn và sở hữu 98% tại Công ty CP Bảo hiểm OPES (chuyên kinh doanh BH phi nhân thọ).
Cũng theo các nguồn tin, việc hợp tác với AIA đã giúp lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng gấp 5 lần so với năm 2021, lên mức 10.583 tỷ đồng tại VPBank.
Kế đó là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đứng vị trí thứ 3. Báo cáo tài chính cho thấy, năm 2022, Techcombank có lợi nhuận sau thuế 20.436 tỷ đồng, tăng gần 11% so với năm 2021.
Thu nhập từ lãi, doanh thu từ dịch vụ hợp tác bảo hiểm của Techcombank đạt hơn 1.750,6 tỷ đồng, tăng 12,3% so với 2021. Được biết, Techcombank có chương trình bảo hiểm kết hợp đầu tư cùng đối tác Manulife Việt Nam.
Tiếp đó là Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB). Nhà băng này được cho là có thu nhập hoa hồng bảo hiểm là 1.302 tỷ đồng, tăng gần 9% so với năm 2021. VIB đang phân phối các sản phẩm bảo hiểm của Prudential. Năm 2022, VIB có lợi nhuận sau thuế hơn 8.468 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021. VIB cũng cho biết, nhờ lãi thuần tăng 27% và lãi từ hoạt động dịch vụ cũng tăng 16%.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng là một trong những nhà băng ghi nhận doanh thu từ dịch vụ kinh doanh và tư vấn bảo hiểm cao.
Theo báo cáo, năm qua, TPBank đạt mức 876 tỷ đồng kinh doanh và lợi nhuận từ bảo hiểm, giảm nhẹ 8% so với năm ngoái. Đây là ngân hàng hiếm hoi sụt giảm nguồn thu từ mảng bảo hiểm. Ngân hàng TPBank hiện phân phối bảo hiểm của Manulife, Sun Life.
Một số ngân hàng khác đạt doanh thu hạn chế hơn trong lĩnh vực này, khoảng từ vài chục tỷ đồng từ bảo hiểm, tuy nhiên, các nhà băng này lại có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.
Điển hình như Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex năm 2022 thu 33 tỷ đồng từ hoạt động bảo hiểm, tăng trưởng hơn 310% so với năm ngoái.
Bên cạnh đó, còn nhiều ngân hàng từng có doanh thu bảo hiểm lớn không thuyết minh, công bố cụ thể mục này trong báo cáo tài chính. Năm 2021, VietinBank, BIDV, Sacombank, HDBank, OCB trong nhóm 10 ngân hàng có doanh thu cao nhất từ bảo hiểm.
Trong đó, VietinBank năm 2021 ghi nhận doanh thu từ bảo hiểm. Cuối tháng 1/2022, VietinBank và Manulife công bố thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm với phí trả trước khoảng 30 triệu USD, dự kiến chi trả trong 6 năm. Ước tính từ Chứng khoán KBSV, chỉ trong quý I/2022, VietinBank có thể ghi nhận khoảng 5 triệu USD phí trả trước bancassurance (phân phối bảo hiểm qua ngân hàng),
Hay như ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB đã bị tố cáo có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, khi “hô biến” tiết kiệm thành bảo hiểm cũng chưa công bố doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm trong năm 2022.
Báo cáo tài chính mới nhất của SCB là quý II/2022, không có chi tiết doanh thu từ kinh doanh bảo hiểm. Nửa đầu năm 2022, SCB chỉ cho biết, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của SCB là 1.839 tỷ đồng, lãi thuần 1.149 tỷ đồng. Năm 2021, doanh số bảo hiểm nhân thọ của SCB đạt 1.028 tỷ đồng đều thuộc nhóm dẫn đầu trên thị trường.
NHNN, Bộ Tài chính có động thái quyết liệt
Vừa qua, như Sputnik đã thông tin, Bộ Tài chính đã có chỉ đạo về việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động trên thị trường bảo hiểm, không để xảy ra tình trạng nhân viên ngân hàng chèo kéo, gợi ý, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm cùng với các sản phẩm tài chính khác khi vay vốn, tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
Ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát đi thông điệp mạnh mẽ với các ngân hàng, khẳng định sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện nhân viên ép khách hàng mua bảo hiểm.
Tại công văn số 506, nhà điều hành yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm. Qua đó rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ, đơn vị kinh doanh "ép" khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức. Đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.
“NHNN sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên, đơn vị kinh doanh "ép" khách hàng mua bảo hiểm và tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này”, công văn nêu.
Cùng với đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng.
Hai đơn vị đã trao đổi, làm việc, thống nhất thiết lập đường dây nóng của cả hai cơ quan để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng (trong giờ hành chính).
Số điện thoại đường dây nóng của NHNN gồm (024) 388266344, (024) 3936.1017 và email duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn.
Đặc biệt, Bộ Tài chính khẳng định, năm 2022 đã thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm và đang hoàn thiện kết luận. Đồng thời, việc ép khách vay mua bảo hiểm sẽ được chuyển cơ quan điều tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm hình sự.