Việt Nam đã tháo thành công ngòi nổ ‘quả bom’ trái phiếu?

Chính phủ Việt Nam mới đây đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Sputnik
Nghị định này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp hồi phục trở lại và phát triển minh bạch, bền vững, như Sputnik thông tin.

Nghị định 08/2023 về trái phiếu có gì mới?

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Nghị định 08 này có một số điểm quan trọng như quy định các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong trường hợp gặp khó khăn khi thanh toán gốc và lãi trái phiếu có thể sử dụng các tài sản hợp pháp của mình để đàm phán với các nhà đầu tư thanh toán bằng tài sản.
Việc này dựa trên nguyên tắc tuân thủ các quy định của pháp luật dân sự và các pháp luật có liên quan, được sự nhất trí của các nhà đầu tư và phải đảm bảo tính pháp lý của tài sản cũng như công bố các thông tin có liên quan.
Bên cạnh đó, Nghị định 08 quy định các doanh nghiệp nếu gặp khó khăn thì có thể đàm phán với các nhà đầu tư để gia hạn thêm thời gian đối với trái phiếu, thời gian gia hạn tối đa là 2 năm, cũng trên nguyên tắc là được sự nhất trí của các nhà đầu tư.
Trong trường hợp nhà đầu tư không nhất trí thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình trên cơ sở các quy định trong phương án đã công bố trước đây.
Đã có cách xử lý ‘quả bom to’: Việt Nam ban hành quy định mới về trái phiếu
Cùng với đó, Nghị định 08 cũng cho phép tạm ngưng một số quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Đó là ngưng quy định xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; ngưng các quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành; ngưng về thời gian để phát hành đối với một đợt trái phiếu.

Củng cố niềm tin nhà đầu tư vào thị trường trái phiếu minh bạch

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, các nội dung của Nghị định 08 được ban hành đã thể hiện “sự phản ứng linh hoạt” chính sách phù hợp với các điều kiện thực tế của thị trường Việt Nam, nhất là sau biến động mạnh mẽ của thị trường tài chính – tiền tệ thế giới và trong nước, những khó khăn của nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 và những biến động về địa chính trị.
“Việc đưa ra những quy định mới này giúp củng cố niềm tin của thị trường, đưa các nhà đầu tư, cũng như đưa các doanh nghiệp phát hành trở lại với thị trường, giúp tiếp tục ổn định và phát triển thị trường một cách minh bạch và bền vững”, - Thứ trưởng nêu rõ.
Nêu kịch bản xấu với “quả bom tiềm ẩn” trên thị trường trái phiếu Việt Nam
Cá nhân Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng Nghị định 08 sẽ đem lại những điều kiện phù hợp với tình hình thị trường hiện tại, giúp minh bạch hóa các quy định của pháp luật có liên quan và đặc biệt là tạo điều kiện cho cả nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành có thể có những quy định rất rõ ràng về mặt pháp lý để xử lý những vấn đề liên quan đến thị trường phát sinh trong thời gian vừa qua.

Quyết sách đúng

Bình luận về khả năng hoãn nâng quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc có tác động đến tình trạng thiếu minh bạch, thiếu thông tin hay không, Thứ trưởng Chi cho hay, Bộ Tài chính đã cùng các cơ quan, ban ngành liên quan báo cáo với Chính phủ rất kỹ lưỡng.
“Tôi cho rằng, bên cạnh việc tạm thời cho ngưng quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân và xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành thì doanh nghiệp khi phát hành ra thị trường vẫn phải tuân thủ các quy định khác có liên quan”, - ông Chi nói.
Như vậy, doanh nghiệp phải công bố thông tin cho các nhà đầu tư một cách rõ ràng, minh bạch; trong đó có xác nhận của bên thứ ba là kiểm toán độc lập. Đặc biệt, doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin về việc sử dụng tiền trái phiếu đã huy động.
Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân cũng vẫn cần phải thực hiện các quy định khác tại Nghị định 65 như nhà đầu tư phải hiểu về doanh nghiệp, phải hiểu các rủi ro có liên quan khi tham gia đầu tư và ký cam kết chấp nhận tất cả rủi ro phát sinh nếu có.
Theo Thứ trưởng Tài chính, hiện nay Việt Nam mới có 2 doanh nghiệp được cấp phép trong nước để thực hiện định giá xếp hạng tín nhiệm, cho nên việc tạm ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm cũng hoàn toàn phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay
Thanh tra phát hành trái phiếu sẽ là nhiệm vụ chủ yếu của năm 2023?
Nói thêm về giải pháp tăng cường vị trí và vai trò của nhà đầu tư tổ chức trên thị trường, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư tổ chức đóng vai trò quan trọng và gần như là quyết định cho sự phát triển bền vững của thị trường trái phiếu của doanh nghiệp Việt Nam.
“Chúng tôi có rất nhiều giải pháp khác nhau để phát triển các công ty quản lý quỹ và các công ty đầu tư tài chính chuyên nghiệp khác, trên cơ sở đó thì thành lập các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp”, - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định.
Qua đó, các nhà đầu tư cá nhân hoàn toàn có thể đầu tư vào các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp này. Các quỹ này được vận hành, quản lý bởi các nhà đầu tư chuyên nghiệp, tổ chức đó là các công ty quản lý quỹ và các tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp.

Chuyên gia: “Quả bom” trái phiếu mới chỉ tạm lắng xuống?

Đánh giá về các điểm mới của Nghị định 08, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia đánh giá Nghị định 08 sẽ có ba tác động chính đến thị trường trái phiếu.
Thứ nhất, tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu đàm phán với các trái chủ để giãn hoãn nợ trái phiếu đáo hạn với thời gian gia hạn tối đa 2 năm, qua đó phần nào giảm áp lực trả nợ trái phiếu đáo hạn với điểm rơi cao điểm năm 2023-2024.
Thứ hai, Nghị định tạo cơ sở pháp lý kèm theo hướng dẫn cơ bản về việc cho phép tổ chức phát hành trả gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác thông qua đàm phán với trái chủ, mà hiểu một cách đơn giản là đổi “trái phiếu lấy hàng” (chủ yếu là tài sản, bất động sản hay tài sản khác), đảm bảo quá trình này diễn ra một cách rõ ràng và nhất quán hơn, giảm thiểu rủi ro tranh chấp sau này.
Thứ ba cho phép giãn tiến độ sang năm sau đối với việc áp dụng một số điều kiện, yêu cầu cao liên quan đến tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như lùi thời hạn xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp.
“Đây là nỗ lực cần thiết trong bối cảnh thị trường khó khăn, niềm tin giảm, thanh khoản giảm và cũng cần thêm thời gian để các bên liên quan như nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và tổ chức xếp hạng tín nhiệm chuẩn bị tinh thần, năng lực, quy trình, nhân lực”, - TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Kinh tế Việt Nam xuất hiện điều chưa từng có trong hơn 20 năm qua
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đánh giá, điểm nổi bật, “đắt nhất và đi đúng trọng tâm” là việc Nghị định cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa không quá 2 năm.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, “lối mở” này tương tự như việc doanh nghiệp được phép phát hành một đợt trái phiếu mới kỳ hạn 2 năm để đảo nợ nhưng chỉ chịu lãi suất thấp tương đương đợt phát hành trước. Điều này không chỉ giúp giảm sức ép thanh khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà còn giúp doanh nghiệp duy trì chi phí tài chính thấp tương tự như thời điểm phát hành trước đó với mức lãi suất không đổi. Dù vậy, Nghị định vẫn còn một số điểm khiến chuyên gia băn khoăn, như quy định cho phép doanh nghiệp có thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc đàm phán để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác nghe có vẻ khả thi nhưng thực tế rất phức tạp, nhất là ở khâu định giá tài sản. Ông dẫn chứng, nếu tài sản là dự án bất động sản hình thành trong tương lai, định giá thế nào, pháp lý ra sao, đây không phải câu chuyện đơn giản có thể dễ dàng đàm phán giữa doanh nghiệp và trái chủ.
“Chưa kể, giải pháp này có thể khả thi khi số lượng người mua trái phiếu của doanh nghiệp ít hoặc đơn lẻ, nhưng ngược lại, với những doanh nghiệp phát hành số lượng lớn trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân, vấn đề đàm phán 1-1 lại càng khó khăn”, - ông Nghĩa lo ngại.
Mặt khác, trong trường hợp doanh nghiệp đem toàn bộ tài sản ra thanh toán trái phiếu có thể dẫn đến tình trạng “tôi miếng đất trong, anh miếng đất ngoài", do đó, ông Nghĩa đề xuất một giải pháp khả dĩ hơn và công bằng hơn với trái chủ, đó là thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng cổ phần dự án với những điều khoản cam kết rõ ràng từ phía doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc đàm phán này vẫn phụ thuộc nhiều vào phía trái chủ để đảm bảo tối đa quyền lợi.
Chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng lưu ý, việc tổ chức phát hành và trái chủ đàm phán với nhau, cho phép nhà phát hành trái phiếu thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác là “không có gì mới mẻ”, bởi từ trước đến nay pháp luật không bắt buộc người trả nợ chỉ trả bằng tiền mặt.
TS. Cấn Văn Lực khuyến nghị doanh nghiệp nên tiếp tục sẵn sàng bán tài sản với mức chiết khấu có thể lên đến 30-40%, đẩy mạnh cơ cấu lại sản phẩm, hoạt động, tiết giảm chi phí.
Việt Nam sẽ là câu chuyện kinh tế thú vị nhất năm 2023
Theo ông, việc giảm áp lực trả nợ lượng trái phiếu đáo hạn với điểm rơi cao điểm là khoảng 120.000 tỷ đồng đối với các doanh nghiệp bất động sản năm 2023 và 110.000 tỷ đồng năm 2024 là cần thiết song sẽ đẩy áp lực lùi về các năm tiếp theo.
Vì vậy, các bên liên quan cần sớm bắt tay chuẩn bị phát hành mới theo Nghị định 08 để có tiền trả nợ, hoàn thiện các dự án dở dang; đa dạng hóa nguồn vốn và quan tâm hơn đến quản lý rủi ro tài chính.
Giải pháp lâu dài cần tính đến là khuyến khích phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng nhiều hơn thay vì tập trung vào phát hành riêng lẻ. Các cơ quan quản lý cũng phải chú trọng phát triển nhà đầu tư tổ chức, thành lập trung tâm giao dịch trái phiếu thứ cấp để tránh tình trạng thị trường đổ vỡ khi niềm tin nhà đầu tư cá nhân bị lung lay trong thời gian vừa qua.

“Các cơ quan quản lý khác như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công An, Bộ Tư pháp…. cũng cần vào cuộc, đồng hành để tháo gỡ khó khăn của thị trường cũng như đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, khơi thông thị trường vốn cho doanh nghiệp”, - chuyên gia kiến nghị.

Thảo luận