Bộ Tài chính cũng sẽ tiến hành xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật.
Từ vụ Ngọc Lan tố MVI Life
Những ngày qua, vụ việc nữ diễn viên Ngọc Lan tố Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MVI (MVI Life) lừa mua bảo hiểm với tổng mức phí 700 triệu đồng/năm gây xôn xao.
Ngọc Lan cho biết, do tin tưởng người tư vấn bảo hiểm nên cô đã ký hợp đồng và nghĩ rằng sau 10 năm sẽ nhận cả gốc và lãi là 10 tỷ đồng (bao gồm 7 tỷ đồng tiền gốc và 3 tỷ đồng tiền lãi cộng thêm). Tuy vậy, mới đây, cô mới phát hiện hợp đồng của mình có thời hạn lên đến 74 năm và của con trai là 42 năm. Đồng thời, hợp đồng còn bao gồm nhiều khoản bảo hiểm khác đi kèm, nên số tiền mà cô có thể nhận về sẽ ít hơn rất nhiều so với dự kiến.
Vụ việc được dư luận đặc biệt quan tâm. Bộ Tài chính đã yêu cầu Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MVI (MVI Life) rà soát hợp đồng, quá trình tư vấn và báo cáo trường hợp giao kết hợp đồng bảo hiểm đối với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan.
Từ phía cơ quan quản lý, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có thông tin tới báo chí. Ông Trung cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khoẻ, bao gồm các sản phẩm chỉ cung cấp quyền lợi bảo vệ thuần tuý (như bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm sức khoẻ...) và các sản phẩm có kết hợp cả bảo vệ và đầu tư (như sản phẩm bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị, hưu trí...).
Trong đó, đối với các sản phẩm bảo vệ thuần tuý, phí bảo hiểm thường thấp và sẽ không được hoàn lại trong trường hợp rủi ro không xảy ra. Thời hạn của sản phẩm có thể là 1 năm hoặc dài hơn tuỳ thuộc vào nhu cầu bảo vệ của khách hàng. Trong khi đó, các sản phẩm bảo hiểm có kết hợp cả bảo vệ và đầu tư hướng đến các đối tượng khách hàng có cả nhu cầu bảo hiểm và nhu cầu đầu tư, phí bảo hiểm sẽ được phân bổ một phần cho bảo vệ và một phần cho đầu tư.
“Phần phí cho bảo vệ sẽ không được hoàn lại, phần phí mang đầu tư sẽ tạo ra giá trị hợp đồng mà khách hàng nhận lại khi đáo hạn hoặc hủy hợp đồng”, ông Trung lý giải.
Ông Ngô Việt Trung nhấn mạnh, các sản phẩm bảo hiểm này thường có kỳ hạn dài, và yêu cầu khách hàng phải tham gia đóng phí trong một thời gian nhất định để phần lợi nhuận sinh ra từ phí bảo hiểm đạt được như kỳ vọng.
Ông cũng lưu ý, dù là sản phẩm nào thì việc tham gia bảo hiểm phải xuất phát nhu cầu bảo vệ là trước tiên. Khách hàng sẽ cân nhắc trong việc tham gia một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ theo nhu cầu bảo vệ trong trường hợp không may rủi ro xảy ra.
“Đối với trường hợp của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (diễn viên Ngọc Lan), sau khi bà Lan có chia sẻ trên mạng xã hội, ngay trong ngày 10/4, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có công văn yêu cầu Công ty TNHH Bảo hiểm nhận thọ MVI (MVI Life) báo cáo về hợp đồng bảo hiểm, rà soát quá trình tư vấn giao kết hợp đồng bảo hiểm với bà Ngọc Lan”, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết.
Sau khi nhận được phản ánh của bà Lan trên mạng xã hội, MVI Life đã chủ động liên hệ với bà Lan.
“Hai bên đã thống nhất sẽ thu xếp buổi làm việc giữa bà Lan, công ty bảo hiểm và đại lý để đối chất, làm rõ quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm giữa đại lý và bà Lan”, ông Ngô Việt Trung nhấn mạnh.
Đáng chú ý, theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 Luật Kinh doanh bảo hiểm, trường hợp đại lý bảo hiểm vi phạm hợp đồng đại lý bảo hiểm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo hiểm, bên mua bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm do đại lý bảo hiểm thu xếp giao kết.
“Đại lý bảo hiểm có trách nhiệm bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm các khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm, bên mua bảo hiểm”, Cục trưởng Ngô Việt Trung nhấn mạnh.
21 ngày suy nghĩ về hợp đồng bảo hiểm
Trước ý kiến cho rằng, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ rất dài, nhiều từ ngữ chuyên ngành và khó hiểu, nhiều người dân thường không nắm rõ các điều khoản hợp đồng khi mua bảo hiểm, ông Ngô Việt Trung cho biết:
“Trên thực tế và trên cả thế giới, các sản phẩm bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nhân thọ liên kết đầu tư cũng là một sản phẩm tài chính mang tính chuyên ngành rất cao và dành cho đối tượng khách hàng riêng biệt”.
Do đó, để giúp khách hàng nhận biết các thông tin cơ bản nhất của hợp đồng bảo hiểm, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đã quy định, khi cấp hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải có văn bản thông báo cho bên mua bảo hiểm những thông tin cơ bản của hợp đồng bao gồm quyền lợi bảo hiểm, các điểm loại trừ trách nhiệm, giá trị hoàn lại, thời điểm có giá trị hoàn lại, trách nhiệm của khách hàng phải cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và các trường hợp cần lưu ý. Ngoài ra, khi ký hợp đồng, khách hàng sẽ có 21 ngày cân nhắc để nghiên cứu các quy định trong hợp đồng.
“Trong vòng 21 ngày này, trường hợp khách hàng nhận thấy hợp đồng không phù hợp, không đúng với kỳ vọng hoặc các nội dung được tư vấn, khách hàng được quyền huỷ hợp đồng và nhận lại toàn bộ phí đã đóng”, ông Ngô Việt Trung thông tin.
Phải tư vấn rõ ràng
Nói về vai trò của các công ty bảo hiểm, ông Ngô Việt Trung phân tích, họ có trách nhiệm phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin cho bên mua bảo hiểm và giải thích rõ ràng, đầy đủ về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm.
Đồng thời, cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm và nhân viên trong tổ chức hoạt động đại lý bảo hiểm.
“Tuy nhiên, có thể thấy, trong thời gian qua, dư luận vẫn phản ánh về chất lượng tư vấn và chăm sóc khách hàng sau khi ký hợp đồng của nhiều đại lý còn chưa tốt”, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho hay.
Vì vậy, ngày 10/4/2023, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có công văn gửi các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn của đại lý bảo hiểm. Yêu cầu đại lý bảo hiểm cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm một cách đầy đủ, chính xác.
“Nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong việc thực hiện hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm”, ông Trung nhấn mạnh.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, chủ động, kịp thời hơn nữa trong việc làm việc, giải quyết các khiếu nại của khách hàng.
“Trong thời gian tới, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm trong trường hợp vi phạm để đảm bảo tính kỷ cương, kỷ luật của thị trường”, ông Ngô Việt Trung khẳng định.
Bên cạnh đó, về mặt cơ chế chính sách, tại các văn bản hướng dẫn luật đang được hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền, cũng đã bổ sung một số quy định nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ đại lý cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc kiểm soát chất lượng của đại lý.
Theo đó, đối với đại lý bán các sản phẩm bảo hiểm phức tạp như liên kết đơn vị, ngoài chứng chỉ đại lý cơ bản, sẽ phải có chứng chỉ bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị. Bộ Tài chính sẽ tổ chức thi, ra đề thi và kiểm soát kết quả thi cấp chứng chỉ này. Đáng chú ý, Bộ sẽ bổ sung quy định về việc đại lý phải thực hiện ghi âm quá trình tư vấn đối với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị.
Với tuyên bố này của đại diện Bộ Tài chính về nỗ lực làm trong sạch, xây dựng thị trường bảo hiểm lành mạnh, bền vững, nhiều công ty bảo hiểm còn tình trạng tư vấn mập mờ, có sai phạm trong tư vấn đầu tư, sẽ bị rà soát và chấn chỉnh nghiêm túc.
Xử nghiêm nếu có vi phạm
Giải pháp quan trọng nhất trong phát triển thị trường bảo hiểm được Cục trưởng Ngô Việt Trung nêu là sự đồng bộ từ phía nhà quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và người tham gia bảo hiểm.
Trong đó, về phía cơ quan quản lý, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn cho mình sản phẩm bảo hiểm phù hợp.
Mặt khác, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu rà soát, tăng cường công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ và tiến hành xử lý nghiêm minh nếu phát hiện các trường hợp đại lý bảo hiểm sai phạm quy định pháp luật.
Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính yêu cầu cần rà soát lại các sản phẩm bảo hiểm, đơn giản hoá quy tắc, điều khoản, tăng cường việc công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, để người dân có đủ thông tin toàn diện, khách quan, hiểu đúng về sản phẩm bảo hiểm và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm.
Rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật. Mặc khác, cần thường xuyên đào tạo, đào tạo lại, nâng cao chất lượng đào tạo các đại lý để tăng chất lượng tư vấn và dịch vụ khách hàng.
Về phía khách hàng tham gia bảo hiểm, Bộ Tài chính khách hàng cần tìm hiểu kỹ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia hợp đồng bảo hiểm để bảo vệ cho chính mình, đồng thời giảm thiểu tranh chấp phát sinh về sau.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với cơ quan quản lý tăng cường hơn nữa tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo hiểm, cũng như xây dựng, thực hiện chương trình tuyên truyền tổng thể của lĩnh vực bảo hiểm.
“Đồng thời, xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiệp bảo hiểm để kịp thời xử lý các đại lý bảo hiểm vi phạm, góp phần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương của thị trường bảo hiểm và bảo vệ các đại lý chuyên nghiệp; xây dựng các quy chế, chuẩn mức đạo đức nghề nghiệp đối với hoạt động đại lý, tư vấn bảo hiểm”, Cục trưởng Ngô Việt Trung nhấn mạnh.