Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu rà soát, hoàn thiện các quy định bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Rà soát quy trình bán bảo hiểm
Sau vụ việc của diễn viên Ngọc Lan tố bảo hiểm MVI Life lừa mua bảo hiểm nhân thọ, tư vấn mập mờ thu hút sự chú ý của dư luận, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan đã lên tiếng, đồng thời có động thái chấn chỉnh các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh bảo hiểm trên cả nước.
Thực tế, thị trường bảo hiểm ở Việt Nam đang bị biến tướng khi các công ty bảo hiểm chỉ chăm chăm vào lợi nhuận, thiếu minh bạch còn nhân viên tư vấn bảo hiểm chỉ quan tâm đến hoa hồng, tiền lợi nhuận sau khi đã ký hợp đồng mua bán bảo hiểm, quên "sạch" trách nhiệm đến cuối hợp đồng với khách hàng.
Những lùm xùm xung quanh bancassurance (bán bảo hiểm thông qua ngân hàng) như vụ việc SCB – Manulife chưa lắng xuống thì có nhiều phản ánh, đơn thư của người dân về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, chỉ hơn một tháng công bố đường dây nóng (tính đến cuối tháng 3/2023), Bộ Tài chính đã tiếp nhận 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân phản ánh về tình trạng khách hàng bị nhân viên ngân hàng "ép" mua bảo hiểm khi đến vay tiền dù Bộ đã có nhiều chỉ đạo "nóng" ngăn chặn hành vi này.
Ngày 15/4, Bộ Tài chính đã có Thông báo ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Cao Anh Tuấn tại cuộc họp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Hiệp hội bảo hiểm và một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính liên quan đến nội dung truyền thông, báo chí đưa tin về vấn đề tư vấn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua.
Theo đó, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn chỉ đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rà soát lại quy trình bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
"Có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng, hạn chế tình trạng nhân viên, đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng tham gia bảo hiểm", -Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nêu rõ.
Cùng với đó, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định và quy trình, thủ tục đảm bảo rõ ràng, minh bạch để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, quản lý chất lượng đại lý trong quá trình tư vấn và ký kết hợp đồng bảo hiểm tại các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Đối với nhóm vấn đề liên quan đến các yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của khách hàng khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cần xây dựng quy trình xử lý đối với các thông tin phản ánh liên quan đến hợp đồng bảo hiểm.
Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm cần đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.
"Cần phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi, cung cấp và xử lý các thông tin tiếp nhận qua các kênh thông tin phản ánh trực tiếp, đơn thư, đường dây nóng, đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chức năng và nhiệm vụ được giao", - Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đẩy mạnh công tác truyền thông đa chiều, khách quan, đưa ra các khuyến cáo, lưu ý đối với những nội dung nêu trong hợp đồng bảo hiểm, phân tích các sản phẩm bảo hiểm, tuyên truyền nâng cao cảnh giác, hiểu biết, nhận thức của người tham gia bảo hiểm.
Cũng tại văn bản này của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Tuấn đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phát huy vai trò hỗ trợ thị trường bảo hiểm phát triển bền vững, tuyên truyền, nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp bảo hiểm và nhận thức hiểu biết của các chủ thể tham gia thị trường bảo hiểm.
"Đề nghị Hiệp hội tổ chức họp với các doanh nghiệp bảo hiểm để đánh giá tình hình, đưa ra các giải pháp chấn chỉnh hoạt động của các đại lý bảo hiểm, nâng cao chất lượng tư vấn của nhân viên bán bảo hiểm", - Thứ trưởng đề xuất.
Xử nghiêm vi phạm
Trước đó, như Sputnik thông tin, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đã có công văn số 453/QLBH-NT gửi các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm.
Tại công văn này, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ "tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn, giới thiệu, chào bán sản phẩm bảo hiểm của đại lý bảo hiểm".
Bộ Tài chính đã yêu cầu đại lý cung cấp các thông tin về sản phẩm bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm "đầy đủ, chính xác" cho bên mua bảo hiểm. Điều này nhằm ngăn chặn hoạt động tư vấn bát nháo, chỉ chăm chăm bán được hàng kiếm được tiền của tư vấn viên.
"Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm quy định của pháp luật trong việc thực hiện hoạt động theo ủy quyền của doanh nghiệp bảo hiểm", - Bộ nêu rõ.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rà soát, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ, chính sách về quản trị rủi ro, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Phải chủ động làm việc, giải quyết các khiếu nại của khách hàng khi phát sinh các khiếu nại của khách hàng.
Trường hợp khách hàng có phản ánh qua các cơ quan thông tấn báo chí về việc ký kết và thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động phản hồi thông tin khách quan, minh bạch đến các cơ quan thông tấn báo chí.
Còn tại công văn gửi Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm yêu cầu Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MVI thực hiện rà soát các thông tin về hợp đồng bảo hiểm giao kết với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (diễn viên Ngọc Lan) và quá trình tư vấn của đại lý bảo hiểm; việc công bố thông tin cho khách hàng khi thay đổi chủ đầu tư và đổi tên doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật; công tác dịch vụ và chăm sóc khách hàng đối với các hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực.