VCCI cũng góp ý Bộ Tài chính nên đánh giá tác động kỹ việc bổ sung đồ uống có đường, nước ngọt các loại vào diện chịu thuế đặc biệt, nhất là việc thuyết minh về việc giảm thừa cân béo phì ở Việt Nam.
Từ góc độ của nhà quản lý, Bộ Tài chính không đồng tình với việc bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu bởi Việt Nam còn mục tiêu rất lớn về phát thải ròng bằng 0 (net zero).
Xăng dầu không phải hàng xa xỉ
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Bộ Tài chính để góp ý xây dựng dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đáng lưu ý, trong văn bản gửi Bộ Tài chính lần này, VCCI đề xuất nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm: xăng, rượu bia, điều hòa nhiệt độ.
Cụ thể, đối với xăng, VCCI chỉ rõ, xăng dầu tại Việt Nam đang phải chịu cùng lúc hai loại thuế có cùng tính chất hạn chế tiêu dùng là “thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường”.
“Xăng không phải mặt hàng xa xỉ nên việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng là nhằm bảo vệ môi trường”, - VCCI nêu ra và đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, trong trường hợp cần thiết thì điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường cho phù hợp với mục tiêu của loại thuế này.
Hồi tháng 9 năm ngoái, khi góp ý cho Bộ Tài chính về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, VCCI cũng từng đề nghị bỏ thuế này trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính không đồng tình. Theo logic của cơ quan quản lý, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là phù hợp, chưa thể bỏ trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu, cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào 2050.
Bộ Tài chính nêu rõ, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế được thu vào các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm, điều tiết thu nhập.
Trong khi đó, xăng là nhiên liệu gốc hóa thạch, không tái tạo, cần sử dụng tiết kiệm, nên hầu hết quốc gia đều thu thuế này. Hiện thuế suất tiêu thụ đặc biệt với xăng hiện là 10%, xăng E5 là 8% và xăng E10 là 7%.
‘Xăng tăng, cái gì cũng tăng’
Theo ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, việc giảm thuế tiêu thụ xăng dầu có ý nghĩa rất lớn để ngăn đà tăng của lạm phát. Bởi Việt Nam đã trải qua nhiều đợt lạm phát mà rất nhiều lần tăng giá trong đó có liên quan đến giá cả xăng dầu.
"Việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu là rất đúng, bởi xăng không còn là mặt hàng đặc biệt nữa, mà là mặt hàng rất cần thiết", - ông Ngân nhấn mạnh.
Ông Lê Song Song Ngọc, CEO Công ty cổ phần truyền thông E-Solution Media, đồng sáng lập Cộng đồng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thông tin với báo Lao động cho hay, xăng dầu chiếm khoảng 40% trong cơ cấu chi phí dịch vụ vận tải đường bộ.
“Khi xăng dầu tăng cao, chi phí vận tải cũng tăng té nước theo mưa, nhiều doanh nghiệp đã phải điều chỉnh giá bán”, - theo ông Ngọc.
Thêm nữa, qua khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về dòng tiền để đảm bảo cấu trúc vận hành và nhân sự nên để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh họ sẽ phải cắt giảm chi phí, tối ưu chi phí vận hành và nhân sự liên quan.
Theo ông Ngọc, Nhà nước - ngoài hỗ trợ việc giảm các loại chi phí cho doanh nghiệp vận tải như phí kiểm định, phí lăn bánh - thì cần điều chỉnh các loại thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt với những mặt hàng sử dụng nguồn lực về vận tải. Do đó, ông cho rằng, việc VCCI đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt ở thời điểm này có ý nghĩa rất, giúp người dân, doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí, có thêm nguồn lực để đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Đánh thuế đồ uống có đường và béo phì ở Việt Nam
Đối với rượu bia, VCCI cho rằng, dự thảo đang đề xuất sẽ đánh thuế hỗn hợp đối với rượu bia và theo hướng tăng thuế đối với mặt hàng này.
Đây là định hướng phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với lĩnh vực thuế. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp trong lĩnh vực rượu bia, đồ uống có cồn phản ánh rằng họ đang chịu thiệt hại rất lớn từ việc thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông, trong đó có quy định về xử phạt lái xe mà trong máu và hơi thở có cồn.
Ngoài ra, thời gian qua chi phí nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, kéo theo giá bán rượu bia trên thị trường tăng và làm giảm tiêu dùng. Do đó, các doanh nghiệp mong chính sách tăng thuế có lộ trình phù hợp để kịp thích ứng.
Cũng tại văn bản góp ý, VCCI cho rằng Bộ Tài chính nên đánh giá tác động kỹ việc bổ sung đồ uống có đường vào diện chịu thuế đặc biệt.
“Đề xuất này cần được thuyết minh kỹ hơn bằng các số liệu cụ thể về dự kiến mục tiêu giảm thừa cân béo phì tương ứng với mỗi mức thuế suất”, - VCCI lưu ý.
Phía các doanh nghiệp cho rằng, việc đánh thuế nhằm hướng đến bảo vệ sức khoẻ người dân (tránh thừa cân, bép phì, đái tháo đường), cần cân nhắc đến đặc thù riêng của Việt Nam. Theo ghi nhận của WHO, tỷ lệ thừa cân của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Ngoài ra, đồ uống có đường chỉ đóng góp một phần rất nhỏ lượng calo trong khẩu phần ăn của người Việt so với các nước khác.
Thêm nữa, hiện chỉ có 54 trên 193 nước áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống bổ sung đường và chưa có bằng chứng tại các nước trên cho thấy thuế này có tác dụng giảm béo phì. Đan Mạch đã bỏ chính sách này vì không có tác động đáng kể đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Ngoài ra, theo VCCI, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với loại đồ uống có đường có thể khiến người tiêu dùng chuyển sang dùng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công, như nước giải khát tự pha đóng chai, đóng vào cốc mang về (như trà sữa, cà phê mang đi...). Điều này có thể khiến mục tiêu chính sách không đạt được.
Vì sao nên bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà nhiệt độ?
Đối với điều hòa nhiệt độ, VCCI cho biết, mặt hàng này chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ năm 1998 với mức thuế suất 20% và đã được giảm xuống 10% vào năm 2008.
Trước đây, điều hòa nhiệt độ có thể được coi là mặt hàng xa xỉ nhưng hiện nay, sản phẩm này trở thành nhu cầu thiết yếu trong công việc và cuộc sống.
Theo VCCI, nhiều nghiên cứu chứng minh, việc duy trì nhiệt độ phòng phù hợp có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao năng suất lao động. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với Việt Nam khi định hướng phát triển kinh tế tri thức như hiện nay. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.
Theo VCCI, hồ sơ đề nghị xây dựng luật đã có báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện luật thuế Tiêu thụ đặc biệt từ năm 2009 đến nay. Tuy vậy, báo cáo này mới chỉ tổng hợp lại các quy định của luật, các lần sửa đổi, bổ sung và lý do ban hành.
Các vấn đề khác cần được tổng kết như tăng, giảm sản lượng sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng chịu thuế, điều tiết thu nhập xã hội đều mới chỉ được đánh giá định tính mà chưa được định lượng. Số liệu định lượng duy nhất được thể hiện trong báo cáo tổng kết là số thu ngân sách.
VCCI lưu ý, báo cáo tổng kết chưa cung cấp được thông tin về việc thực hiện luật Thuế tiêu thụ đặc biệt giúp hạn chế tác động tiêu cực của các mặt hàng chịu thuế như thế nào, cũng như tác động đến doanh nghiệp và người dân.
Báo cáo mới chỉ nói rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt làm giảm tiêu thụ rượu bia, thuốc lá nhưng mức giảm cụ thể là bao nhiêu (so với trường hợp giả định không có thuế), từ đó giúp nâng cao sức khỏe của người dân, giảm tai nạn giao thông như thế nào.
“Nếu không tính toán được số liệu này thì không đủ cơ sở để xác định việc thực hiện luật Thuế tiêu thụ đặc biệt có tác dụng tích cực trên thực tế thời gian qua hay không”, - VCCI nêu quan điểm.