Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Hoa Kỳ tuyên bố rằng sẵn sàng hỗ trợ các nước trong khu vực đối phó với hành vi cưỡng ép, đe doạ của các nước khác đối với tàu cá của họ. Phát ngôn này nhận chỉ trích từ ĐSQ Trung Quốc tại Việt Nam và cho rằng tuyên bố của Hoa Kỳ đang "gieo rắc xích mích, tạo bất hoà và sớm thất bại”. Theo ĐSQ Trung Quốc, hoà bình, ổn định trên Biển Đông đạt được do nỗ lực của Trung Quốc và các bên.
Trả lời báo giới, ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, bình luận:
“Việc duy trì an ninh, an toàn và tự do hàng hải và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông liên quan mật thiết đến hoà bình, hợp tác và phát triển, thịnh vượng của khu vực và trên thế giới. Việt Nam mong muốn các bên liên quan đóng góp một cách có trách nhiệm vào việc này trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế cũng như Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS 1982)".
Về kết quả chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, đại diện Bộ ngoại giao Việt Nam ông Phạm Khắc Việt cho biết:
“Theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14-16/4/2023. Trong trao đổi, hai bên nhất trí với nguyên tắc cơ bản của quan hệ song phương. Trong đó có nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Hai bên cũng trao đổi về kết quả cuộc điện đàm giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, nhất trí thúc đẩy hợp tác song phương nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện”, ông Đoàn Khắc Việt, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhấn mạnh.
Ông Đoàn Khắc Việt cũng cho biết thêm các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước sẽ được Bộ Ngoại giao thông báo trong thời gian tới.
Trung Quốc cấm đánh bắt cá ở Biển Đông
Liên quan đến thông tin Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5 - 6/8/2023, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam ông Đoàn Khắc Việt, nêu rõ:
“Lệnh cấm đánh bắt cá nêu trên đã xâm phạm chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển đặc quyền kinh tế theo Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982). Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đóng góp, duy trì hoà bình, ổn định tại khu vực Biển Đông".