Bộ Tài chính sẽ thanh tra một số doanh nghiệp và triển khai nhiều giải pháp quản lý, giám sát nhằm chấn chỉnh hoạt động của thị trường bảo hiểm.
Bộ Tài chính đã nhận 350 đơn tố cáo
Ngày 5/5, Bộ Tài chính cho biết thời gian qua, sau khi nhận được các thông tin và đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân, Bộ đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin phản ánh liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng.
Tính đến ngày 25/4, tổng số kiến nghị, phản ánh nhận được qua điện thoại là 192 kiến nghị, phản ánh và 299 kiến nghị, phản ánh qua email. Bộ Tài chính đã phân loại xử lý 350 đơn đề tố cáo liên quan đến Bancassurance.
Cùng với đó, đối với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc “bị ép mua bảo hiểm” khi giải ngân khoản vay, Bộ Tài chính đã chuyển thông tin cho Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước để phối hợp quản lý, giám sát.
Đặc biệt, các đơn thư có nội dung phản ánh các hành vi có dấu hiệu hình sự cũng được Bộ Tài chính chuyển sang cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Thanh tra 5 doanh nghiệp bảo hiểm
Bản thân Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, giám sát nhằm chấn chỉnh hoạt động của thị trường bảo hiểm.
Trong đó, Bộ Tài chính cũng chấn chỉnh hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng của các doanh nghiệp và yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng.
Bộ yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Bộ Tài chính cũng đã làm việc trực tiếp với một số doanh nghiệp bảo hiểm có phản ánh của khách hàng và yêu cầu doanh nghiệp xem xét, xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng, bảo đảm quyền lợi khách hàng trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu, phân tích, đánh giá 5 doanh nghiệp bảo hiểm thuộc kế hoạch thanh tra năm 2023.
“Căn cứ vào tình hình thực tế, xây dựng phương án phối hợp với Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng và các tổ chức tín dụng”, Bộ Tài chính cho biết.
Để giải quyết vấn đề liên quan đến các lùm xùm bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và dự thảo Thông tư hướng dẫn nhằm nâng cao chất lượng của đại lý bảo hiểm, có các quy định riêng về việc triển khai bán bảo hiểm qua ngân hàng; tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc giám sát hoạt động tư vấn của đại lý; minh bạch hóa các thông tin về hợp đồng bảo hiểm...
Cùng với đó, Bộ cũng sẽ tiến hành rà soát, trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với các quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 và thực trạng triển khai bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua.
Để ổn định thị trường bảo hiểm, lấy lại niềm tin của khách hàng, Bộ Tài chính đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam rà soát và hoàn thiện ngay bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp đại lý bảo hiểm, các quy tắc chuẩn mực để áp dụng chung cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Bộ Tài chính nhắc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cần có chế tài xử phạt nghiêm trong trường hợp vi phạm.
94% người dân nghĩ tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ
Theo nghiên cứu mới của công ty phân tích dữ liệu mạng xã hội, người tiêu dùng Việt Nam đang có cái nhìn tiêu cực về bảo hiểm nhân thọ (BHNT) sau một số lùm xùm về hợp đồng bảo hiểm gần đây.
Có tổng cộng hơn 846.000 thảo luận trên các nền tảng mạng xã hội (MXH) về livestream của một nữ diễn viên (Ngọc Lan – PV) và các sự kiện liên quan về bảo hiểm nhân thọ gần đây. Cuộc khủng hoảng kéo dài liên tục 19 ngày. Trong khi đó, nếu tính tổng 16 cuộc khủng hoảng trước đó của ngành bảo hiểm từ 2020- 2022 thì cũng chỉ thu hút hơn 410.000 thảo luận, trong vòng 13 ngày.
Trong số 846.000 thảo luận có 79,37% công khai bày tỏ thái độ chỉ trích công ty bảo hiểm và ngành bảo hiểm nhân thọ nói chung. Bên cạnh đó, 4,5% các cuộc thảo luận đến từ các khách hàng đã mua bảo hiểm nhân thọ bày tỏ sự lo lắng, mong muốn xem lại hợp đồng đã ký.
“Ở chiều ngược lại, chỉ 16,14% thảo luận là cho thấy một thái độ ủng hộ đối với bảo hiểm nhân thọ”, nghiên cứu chỉ ra.
YouNet Media đánh giá, cuộc khủng hoảng lần này của ngành bảo hiểm nhân thọ có nhiều khả năng sẽ không dừng lại ở một sự vụ riêng lẻ mà sẽ để lại hệ lụy kéo dài cho uy tín của ngành.
Mất niềm tin vào bảo hiểm
Theo YouNet Media, từ 7/4 (thời điểm nữ diễn viên Ngọc Lan livestreams - PV) đến ngày 25/4 đã xuất hiện rất nhiều cuộc thảo luận.
Có 3 chủ đề nhận nhiều phản hồi tiêu cực là uy tín ngành bảo hiểm nhân thọ, kênh Bancassurance (bảo hiểm phân phối qua ngân hàng) và các đại lý bảo hiểm.
Trong đó có 3.839 thảo luận mang sắc thái tiêu cực, chiếm 97% tổng số thảo luận về kênh bancassurance trên MXH.
“Phần lớn dân mạng phàn nàn về việc bị nhân viên ép mua bảo hiểm khi vay ngân hàng, không được tư vấn đúng về bản chất của bảo hiểm hoặc bị tư vấn nhập nhằng giữa gửi tiết kiệm và mua bảo hiểm”, nghiên cứu chỉ rõ.
Tương tự, 9.929 thảo luận tiêu cực, chiếm 90% tổng số thảo luận đối với các đại lý bảo hiểm, chủ yếu về tinh thần trách nhiệm và kỹ năng tư vấn kém. Đặc biệt, trên MXH có đến 72.318 các thảo luận đánh giá tiêu cực về uy tín của ngành BHNT, chiếm 94% tổng số.
Theo YouNet, đây là một chỉ dấu cho sự sụt giảm nhanh và nghiêm trọng về niềm tin của người tiêu dùng đối với ngành. Với những con số trên, ngành bảo hiểm nhân thọ thời gian tới cần rất nhiều nỗ lực thay đổi trong dài hạn thì mới mong lấy lại được niềm tin của người dân.
YouNet Media cho rằng, việc cung cấp thông tin đầy đủ để người dân hiểu đúng bản chất của bảo hiểm, cũng như nâng cao chất lượng tư vấn của đại lý bảo hiểm, và kênh Bancassurance... là những điều doanh nghiệp bảo hiểm cần lưu ý để người dân tin mua sản phẩm.