Trong ba tuần cuộc phản công, Ukraina đã không thể đạt được kết quả đáng kể: những phương tiện chiến đấu mặt đất do NATO sản xuất không thể tiến đến lớp phòng thủ thứ nhất của quân đội Nga, bị đốt cháy trong "vùng xám". Kiev giải thích rằng, nguyên nhân chính là do Nga tận dụng ưu thế vượt trội của máy bay chiến đấu tiêu diệt xe tăng và xe chiến đấu bộ binh của phương Tây. Và các máy bay kiểu cũ của Liên Xô của Không quân Ukraina không thể đối phó hiệu quả với các máy bay hiện đại hơn của Lực lượng Không quân Vũ trụ và Lực lượng Phòng không của Nga. Điều này được chính đối thủ thừa nhận:
“MiG-29 được trang bị hệ thống radar chỉ có thể phát hiện mục tiêu từ 60 km, tầm bắn 30 km. Và những chiếc Su-35 có hệ thống radar phát hiện mục tiêu từ hơn 200 km và tầm bắn hơn 100 km”, - người đứng đầu Bộ Quốc phòng của chế độ Kiev Alexei Reznikov cho biết.
Và các hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp không đủ khả năng theo dõi toàn bộ không gian chiến đấu dài một nghìn km. Các hệ thống này chủ yếu bảo vệ những cơ sở ở hậu phương. Tất cả các nỗ lực để đẩy một số hệ thống này đến gần tiền tuyến đều tiềm ẩn rủi ro lớn. Ví dụ, trong những ngày đầu tiên của cuộc phản công, quân đội Nga đã phá hủy trạm radar của hệ thống tên lửa phòng không IRIS do Đức sản xuất.
Kiev đang sốt ruột mong chờ những chiếc máy bay của phương Tây và hy vọng rằng, với sự giúp đỡ của chúng Ukraina sẽ vô hiệu hóa được lực lượng phòng không của Nga, sau đó sẽ giành được ưu thế trên không.
Trong số những loại máy bay mà phương Tây có thể bàn giao cho quân đội Ukraina có F-16 của Mỹ, JAS-39 Gripen của Thụy Điển, Tornado và Typhoon của châu Âu, Mirage-2000 của Pháp.
“Chim Cắt” 50 tuổi
Máy bay chiến đấu đa chức năng thế hệ thứ tư F-16 Fighting Falcon (Chim Cắt) đã cất cánh lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1974. F-16 là chương trình máy bay lớn nhất của phương Tây với hơn 4.500 chiếc đã được chế tạo từ khi bắt đầu sản xuất năm 1976. Gần 3.000 chiếc vẫn đang phục vụ tại 25 quốc gia. Hoa Kỳ tích cực sử dụng F-16 trong các chiến dịch quân sự trên khắp thế giới.
Về tính năng kỹ chiến thuật, F-16 với một động cơ có thể được so sánh với các đối thủ của nó - MiG-29 và Su-27 hai động cơ. Tuy nhiên, F-16 tụt hậu so với các phương tiện bay hiện đại hơn của Nga Su-30SM và Su-35 vì những lý do khách quan. Ngoài ra, thực tiễn cho thấy rằng, F-16 có thể bị bắn hạ ngay cả bởi các hệ thống phòng không S-125 cũ của Liên Xô được phát triển từ năm 1961.
Các phương tiện truyền thông phương Tây tỏ nghi ngờ về khả năng của "Chim cắt" thay đổi bất cứ điều gì trên chiến trường.
“Có khả năng cao là F-16 khó sống sót nếu hoạt động trên chiến trường. Khả năng của nó tấn công các loại máy bay hạng nặng cao cấp nhất như Su-35, MiG-31 và Su-57 là rất hạn chế - tạp chí quân sự Military Watch của Mỹ viết. – Nhiều khả năng, các trận không chiến sẽ có tính chất một chiều. Và việc tiêu diệt những chiếc F-16 sẽ làm tăng đáng kể uy tín của Không quân Nga và công nghiệp quốc phòng của họ”.
Tuy nhiên, NATO đã công bố ý định chuyển giao các máy bay chiến đấu này cho Kiev. Theo dữ liệu của báo chí, các phi công Ukraina có thể được huấn luyện ở Anh, Đan Mạch và Romania.
"Gripen" dễ bảo trì
Tiêm kích JAS 39 Gripen của Thụy Điển đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1988 và được đưa vào sử dụng vào năm 1997.
Tính năng kỹ chiến thuật của Gripen tương tự như F-16, nhưng tiêm kích của Thụy Điển kém hơn về khả năng mang trọng tải và bán kính chiến đấu. Nó đã được phát triển như một máy bay tiêm kích đánh chặn và không thể được sử dụng như một tổ hợp máy bay tấn công.
Trong số những ưu điểm của Gripen là nó dễ bảo trì. Nó có khả năng cất cánh và hạ cánh trên đường băng ngắn và thậm chí xuống đường cao tốc, điều đó rất phù hợp với Ukraina. Như các nhà sản xuất đảm bảo, Gripen có thể được tiếp nhiên liệu và trang bị lại trong mười phút với sự giúp đỡ của một kỹ thuật viên và năm tân binh là đủ. Các nhà chức trách Thụy Điển thông báo rằng, họ đã bắt đầu huấn luyện các phi công Ukraina lái JAS 39 Gripen.
Không phải tất cả các máy bay đều làm vừa lòng Kiev
Mirage-2000 và Tornado của châu Âu không được đánh giá cao ở Kiev.
“Những máy bay này sẽ không giúp ích gì cho chúng tôi. Tôi yêu cầu các chuyên gia không nên viết những bình luận ngu ngốc. Hãy so sánh những chiếc Mirage với MiG-29 và mọi thứ sẽ trở nên rõ ràng”, - Đại tá Yuri Ignat, phát ngôn viên của Không quân Ukraina, cho biết vào tháng 3.
Mặt khác, chính quyền Ukraina đã từ lâu kêu gọi các đồng minh cung cấp cho Kiev Eurofighter Typhoon. Là máy bay chiến đấu hiện đại bậc nhất, Eurofighter Typhoon trẻ hơn so với Mirage và Tornado, có tính năng kỹ chiến thuật tương đương với F-16 và tốt hơn một chút so với JAS 39. Nhưng Typhoon đắt hơn nhiều và khó bảo trì hơn.
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng về gói viện trợ cho Lực lượng vũ trang Ukraina sẽ được đưa ra không phải ở Kiev. Nhiều khả năng, quân đội Ukraina sẽ nhận những loại máy bay khác nhau. Và điều này sẽ tạo thêm khó khăn. Rốt cuộc, cần phải đào tạo không chỉ các phi công người Ukraina, mà cả các kỹ thuật viên đã quen với các mẫu máy bay của Liên Xô. Có nghĩa là NATO cũng phải cung cấp các thiết bị phục vụ mặt đất. Nhưng, đến thời điểm đó, tình hình trên chiến trường có thể thay đổi đáng kể.
Trong mọi trường hợp, và Mỹ cũng thừa nhận điều này, tất cả các máy bay này đều thuộc thế hệ thứ 4. Nhiệm vụ chiến đấu mà các máy bay này có thể thực hiện là cố gắng để sinh tồn và không bị bắn hạ trong trận không chiến đầu tiên. Nhiệm vụ giành ưu thế trên không gần như bất khả thi đối với Ukraina.