Trận chiến xe tăng lớn nhất lịch sử nhân loại. Những đặc điểm nổi bật của Trận vòng cung Kursk

Tuần này đánh dấu kỷ niệm 80 năm trận vòng cung Kursk đã diễn ra trên mặt trận Xô-Đức vào mùa hè năm 1943. Xét về quy mô, kết quả và ảnh hưởng quân sự-chính trị, đây là một trong những trận đánh then chốt của Chiến tranh thế giới thứ hai.
Sputnik
Tuy nhiên, lịch sử luôn có xu hướng lặp lại: "những kẻ mà không nhớ đến lịch sử, thì ắt sẽ lặp lại nó".
Đức Quốc xã và các chư hầu châu Âu của nó - Ý, Hungary và Romania - đã phải chịu thất bại nặng nề trong trận Stalingrad mùa đông 1942-1943. Sau khi vượt qua "cú sốc Stalingrad", Bộ Chỉ huy tối cao quân đội phát xít Đức đã quyết định, nếu không thể xoay chuyển cục diện cuộc chiến ở Mặt trận phía Đông có lợi cho họ, thì ít nhất phải làm suy yếu sức mạnh tấn công của Hồng quân càng nhiều càng tốt. Bằng bất cứ giá nào! Vào đầu mùa xuân năm 1943, quân đội Đức và các đồng minh của họ đã tiến hành một chiến dịch phản công ở miền đông Ukraina, làm chậm cuộc tấn công của Liên Xô. Sau đó có một thời gian tạm lắng ở trung tâm của mặt trận Xô-Đức.
Tại khu vực thành phố Kursk, trên mặt trận đã hình thành một vòng cung theo hướng tây sâu tới 150 km và rộng tới 200 km - được gọi là vòng cung Kursk. Bên trong nó là hai đội hình của Hồng quân: ở phía bắc - phương diện quân Trung tâm của Đại tướng Konstantin Rokossovsky và ở phía nam - phương diện quân Voronezh do đại tướng Nikolai Vatutin làm tư lệnh. Ở phía sau họ có phương diện quân Thảo nguyên do Đại tá-tướng Ivan Konev chỉ huy. Hành động của các phương diện quân được điều phối bởi các đại diện của Bộ chỉ huy Liên Xô: nguyên soái Georgy Zhukov và nguyên soái Alexander Vasilevsky. Tổng cộng số quân Liên Xô trong ba phương diện quân tham chiến có số lượng 1.9 triệu người, 26.500 súng và súng cối, 4.900 xe tăng và pháo tự hành, 2.900 máy bay. Hệ thống tuyến phòng ngự của ba phương diện quân được xây dựng thành nhiều cấp, có độ sâu 250-300 km, trong đó có 30-35 km thuần túy chống tăng.

Chiến dịch Citadel

Vào mùa hè năm 1943, Bộ Chỉ huy tối cao quân đội phát xít Đức đã thông qua quyết định tiến hành một chiến dịch chiến lược tại khu vực Kursk được đặt tên mã là "Citadel". Để thực hiện chiến dịch này, Đức đã huy động 50 sư đoàn với tổng quân số 900.000 lính, 10.000 khẩu pháo, 2.700 xe tăng và pháo tự hành, 2.050 máy bay đến khu vực này.
Người Đức đã đặt nhiều hy vọng vào các sư đoàn thiết giáp SS (các đơn vị được trao danh hiệu "đoàn vệ sĩ Adolf Hitler"). Vào thời điểm đó, các sư đoàn SS đã nhận được những thiết bị quân sự mới nhất: xe tăng Tiger và Panther, pháo tự hành diệt tăng Ferdinand.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Kẻ địch vùi mình xuống đất khi trông thấy xe tăng Nga
Những chiếc xe tăng hạng trung T-34-76 và xe tăng hạng nặng KV của Liên Xô cũng như xe tăng hạng nặng Churchill của Anh đến Liên Xô dưới hình thức Lend-Lease đã phải chiến đấu với xe tăng Đức.
Nhờ công việc tình báo, phía Liên Xô đã biết trước về kế hoạch của kẻ thù và ngày mở đầu cuộc tấn công.
Hãy lưu ý một sự thật lịch sử: kế hoạch "Citadel" nằm trên bàn của Stalin vào ngày 12 tháng 4 năm 1943, ba ngày trước khi Hitler ký duyệt nó!

Phản đòn mạnh mẽ

Vài giờ trước khi quân Đức mở đầu cuộc tấn công, đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5 tháng 7 năm 1943, pháo binh Liên Xô đã giáng một "phản đòn" mạnh mẽ vào các vị trí xuất phát và trung tâm liên lạc của địch. Các máy bay đã ném bom xuống khu vực tập trung quân Hitler. Kẻ thù đã phát động cuộc tấn công, nhưng sức mạnh của quân Đức bị suy yếu, và kẻ thù bất ngờ gặp sự phản kháng dữ dội.
Trong vòng một tuần sau khi bắt đầu cuộc tấn công, quân Đức đã tiến được 35 km về phía nam. Mỗi km đều khiến Đức quốc xã hứng chịu tổn thất nặng nề. Quân đội Liên Xô đã tự vệ không chỉ kiên cường và dũng cảm mà còn rất khéo léo. Những bài học cay đắng về các cuộc bao vây và rút lui năm 1941-1942, cũng như hương vị ngọt ngào của chiến thắng gần Matxcơva và đặc biệt là ở Stalingrad đã đơm hoa kết trái! Và ở phía bắc vòng cung Kursk quân Đức chỉ tiến được 10-12 km, kẻ thù không thể chọc thủng hàng phòng ngự của quân đội Liên Xô.
Multimedia
Kỷ niệm 80 năm trận Kursk: Phát xít sụp đổ như thế nào trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại

Trận giao chiến xe tăng lớn nhất lịch sử

Và trận đấu xe tăng với quy mô lớn nhất trong lịch sử quân sự đã diễn ra vào ngày 12 tháng 7 năm 1943 tại làng Prokhorovka. Chỉ có xe tăng và pháo tự hành (2 bên có tới 1.200 xe mỗi bên), hầu như không có bộ binh. Khoảng cách ngắn giữa hai đối thủ không cho phép sử dụng pháo dã chiến hoặc máy bay tấn công.
Trận đánh diễn ra quyết liệt trong vài ngày liền. Những chiếc xe tăng trúng phải hỏa lực bắn thẳng phát nổ trong lúc đang lao với tốc độ nhanh. Những tháp pháo nổ tung và những xích sắt bay vèo trên không trung. Lính tăng của Liên Xô và Đức nhảy ra khỏi xe tăng bốc cháy và tiếp tục đấu súng dữ dội, ném lựu đạn vào nhau, ngay cả cận chiến trong chiến hào. Trong một ngày 12 tháng 7, khoảng 700 xe tăng của cả hai bên đã bị tiêu diệt. Thượng tướng Thiết giáp Heinz Guderian của Đức đã viết về trận chiến đó:
"Lực lượng thiết giáp đã được bổ sung với nhiều khó khăn, sẽ không thể hoạt động trong một thời gian dài do tổn thất nặng nề về người và trang bị. Tiếc rằng hiện giờ, không còn những ngày yên tĩnh ở Mặt trận phía Đông nữa".
Giao tranh ác liệt ở phía nam vòng cung Kursk đã kéo dài trong vài ngày nữa. Mỗi bên mất một sư đoàn hàng ngày. Nhưng mọi thứ đã trở nên rõ ràng: Chiến dịch Citadel đã thất bại.
Trận chiến tại vòng cung Kursk kết thúc vào ngày 23 tháng 8 năm 1943. Vào ngày này, quân đội Liên Xô đã giải phóng một trung tâm công nghiệp lớn và đầu mối giao thông ở phía đông nam Ukraina - thành phố Kharkov.
Trong trận chiến kéo dài 50 ngày, quân đội Liên Xô cuối cùng đã giành được quyền chủ động chiến lược. Trận chiến Kursk đã đánh dấu bước ngoặt trong Thế chiến II. Sau Kursk, bộ chỉ huy Đức chuyển sang "phòng ngự chiến lược".
Thống chế Erich von Manstein, người phát triển và thực hiện Chiến dịch Citadel, đã thừa nhận trong cuốn hồi ký của mình với tựa đề "Những chiến thắng đã bị mất":

"Đây là nỗ lực cuối cùng để giữ thế chủ động của chúng ta ở phía Đông. Sau sự thất bại của chiến dịch này, đồng nghĩa với sự sụp đổ, thế chủ động cuối cùng đã thuộc về phía Liên Xô. Vì vậy, Chiến dịch Citadel là một bước ngoặt quyết định trong cuộc chiến ở Mặt trận phía Đông".

Vào mùa hè năm 1943, ít ai nghĩ rằng, lịch sử sẽ lặp lại sau đúng 80 năm. Mặc dù ở quy mô nhỏ hơn, ở một cấp độ công nghệ quân sự hoàn toàn khác, nhưng gần như ở cùng một khu vực (chỉ xa hơn một chút về phía tây nam). Trên thực tế, hiện nay cũng có hai phe đối lập: Nga và "phương Tây tập thể". Và kẻ thù của nước Nga cũng như trước đây là chủ nghĩa phát xít. Không quan trọng lần này chủ nghĩa phát xít mới đang núp dưới lá cờ nào. Lại một lần nữa, xe tăng Đức đang cố gắng chọc thủng tuyến phòng ngự của Nga.
Thảo luận