Trong vụ án, bị cáo Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty An Bình, bị xét xử tội "đưa hối lộ", với cáo buộc đã đưa hối lộ hơn 34 tỉ đồng để xin cấp phép 66 chuyến bay.
Trả lời đầu tiên, bị cáo Mơ thừa nhận hành vi đưa hối lộ 34,6 tỷ đồng cho các quan chức như cáo trạng quy kết. Đồng thời, bị cáo xin tòa xem xét lý do phải đưa tiền vì muốn được cấp phép các chuyến bay phải chịu sức "ép".
Bà Hoàng Diệu Mơ khẳng định, nếu không đưa hối lộ, sẽ bị làm khó "khả năng được cấp một chuyến song các chuyến sau sẽ không được".
Anh Dũng bảo không được đưa, nhưng vẫn nhận thêm 7 lần
Khai với hội đồng xét xử (HĐXX), bị cáo Mơ cho biết, khoảng tháng 7/2020, bị cáo xin cấp phép chuyến bay để đưa công dân về nước, nhưng không được chấp nhận vì Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an (A08) chưa có văn bản trả lời.
Qua các mối quan hệ, bị cáo Mơ tìm đến gặp ông Tô Anh Dũng để nhờ tạo điều kiện, vì quá trình tổ chức chuyến bay nhiều thủ tục, đầu tư nhiều và sợ lỗ.
Làm việc với đại diện A08, bị cáo Mơ đồng ý mức giá sẽ chi 20 triệu đồng/người về. Bên cạnh đó, Mơ cũng khai được Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký một lãnh đạo Bộ Y tế chủ động liên hệ, nói: "Bộ Y tế cũng như Bộ Công an, phải được 150 triệu/chuyến". Tổng số tiền mà bà Mơ đưa cho Phạm Trung Kiên và Vũ Anh Tuấn là mỗi người hơn 5,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Mơ cũng khai đưa cho ông Tô Anh Dũng 8 lần với tổng 8,5 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), 11 lần với 13,2 tỉ đồng; Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, 7 lần khoảng 2,6 tỉ đồng; Lê Tuấn Anh, cựu Chánh văn phòng Cục Lãnh sự, 2 lần với tổng 350 triệu đồng.
Theo bị cáo Mơ, tất cả những lần đưa tiền cho các bị cáo Tuấn và Kiên đều thông qua nhân viên. Bà Mơ chỉ đạo nhân viên đưa tiền và chỉ nói dùng để xin cấp phép chuyến bay,
Quá trình xét hỏi, bị cáo Hoàng Diệu Mơ khai thêm, đã đến gặp cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng để xin giúp đỡ và được đồng ý. Đổi lại, Mơ đã hối lộ cho cựu Thứ trưởng tổng cộng 8,5 tỷ đồng và cựu Cục trưởng Lãnh sự, Nguyễn Thị Hương Lan 2,6 tỷ đồng…
"Lúc đưa tiền, anh Tô Anh Dũng bảo lần sau không được đưa anh nữa, nhưng sau lần này bị cáo còn đưa thêm 7 lần nữa, anh Dũng không từ chối", bị cáo Mơ khai.
Bị cáo Mơ cho hay, nguồn tiền đưa hối lộ phần lớn của công ty, còn lại lấy từ gia đình. Trong số các bị cáo, bị cáo Kiên đã trả lại cho bà Mơ 2,4 tỉ đồng. Nhận thấy đây là tiền vi phạm, sau khi nhận, bị cáo Mơ đã làm đơn, bảo gia đình nộp lại toàn bộ để khắc phục.
Định ra tự thú nhưng lại "quay xe" đi chạy án
HĐXX tiếp tục thẩm vấn đối với ông Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Bluesky, và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky. Đây là 2 bị cáo bị cáo buộc đưa hối lộ nhiều nhất trong vụ án này, lên tới hơn 100 tỉ đồng.
Công ty của 2 bị cáo này được cấp phép tổng cộng 109 chuyến bay. Đổi lại, ông Sơn và bà Hằng đã đưa hối lộ 63 lần với tổng số tiền hơn 38,5 tỉ đồng cho nhiều quan chức tại các bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, nhóm này đưa 3,2 tỉ đồng cho ông Nguyễn Tiến Thân, cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế (Văn phòng Chính phủ), và cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Nguyễn Thanh Hải; đưa 5 tỉ đồng cho ông Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; đưa 5,9 tỉ đồng cho bà Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); đưa 2,6 tỉ đồng cho ông Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự; đưa 6 tỉ đồng cho ông Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế; đưa 5 tỉ đồng cho ông Trần Văn Tân, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam,…
Đặc biệt, trước khi vụ án bị khởi tố, bà Hằng từng có ý định ra tự thú. Tuy nhiên, do quen biết với cựu thiếu tướng, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn, nên bị cáo này quyết định bàn bạc với ông Sơn về việc nhờ ông Tuấn "chạy án".
Ngay trong cuộc gặp với bà Hằng tại nhà riêng của mình, ông Tuấn bốc điện thoại gọi cho Hoàng Văn Hưng - trưởng phòng điều tra của Cục An ninh điều tra. Sau khi nói chuyện, ông Tuấn biết Hưng đang thụ lý vụ án "chuyến bay giải cứu".
Ông Hưng cũng thông báo cho cựu phó giám đốc Công an Hà Nội biết cả bà Hằng và ông Sơn đều là đối tượng đang bị điều tra trong vụ án chuyến bay giải cứu. Do vậy, ông Tuấn đã nhờ Hưng giúp cho hai lãnh đạo doanh nghiệp này không bị xử lý hinh sự. Ông Hưng đồng ý, cáo trạng nêu.
Tháng 2/2022, ông Tuấn đã thiết kế năm cuộc gặp giữa bà Hằng với ông Hưng tại hai căn nhà riêng của mình ở quận Tây Hồ và Đống Đa.
Tại các cuộc gặp này, Hưng hướng dẫn bà Hằng nếu làm việc với cơ quan điều tra sẽ "nhận mọi tội lỗi để cứu Sơn". Theo phân tích của ông Hưng, bà Hằng là người trực tiếp đưa tiền hối lộ để xin cấp phép nên không thể thoát. Ông Sơn dù là tổng giám đốc nhưng số lần đưa hối lộ ít hơn vì thế có thể khai "dựng" ông này giữ chức vụ đó để làm "bù nhìn".
Ông Hưng còn lên kịch bản khi làm việc với cơ quan an ninh, bà Hằng sẽ thành khẩn khai báo, còn ông Sơn "đổ mọi tội lỗi lên đầu Hằng".
Theo chỉ dẫn của Hưng, bà Hằng gửi đơn tố cáo đến cơ quan an ninh trình bày việc đưa hối lộ cho nhiều quan chức để được cấp phép chuyến bay giải cứu. Cùng lúc, bà Hằng cũng đưa 200.000 USD cho ông Tuấn để đưa trước cho ông Hưng lo "chi phí".
Tại các cuộc gặp này, ông Hưng đã hướng dẫn bà Hằng và ông Sơn khai báo. Sau này, ông Hưng bị điều chuyển công tác, dù không còn quyền hạn gì nhưng vẫn đưa ra thông tin sai sự thật để phía bà Hằng thông qua ông Tuấn nhiều lần chi tiền "chạy án".
Kết quả điều tra xác định, các bị cáo Hằng và Sơn đã đưa cho cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội 2,65 triệu USD (tương đương hơn 61 tỉ đồng) để lo lót không bị xử lý hình sự. Như vậy, tổng số tiền hối lộ mà 2 bị cáo bị truy tố là hơn 100 tỉ đồng.
Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng xác nhận cáo trạng của Viện KSND tối cao và kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã mô tả chính xác hành vi phạm tội của bản thân.
Trả lời về mục đích đưa tiền, bị cáo Hằng cho biết, để được cấp phép chuyến bay. Bởi, trước khi đưa tiền, công ty của bị cáo có xin phép nhưng được phê duyệt không nhiều, thường thì sát giờ bay mới được cấp phép. Nhờ có việc đưa hối lộ, số chuyến bay được cấp phép mới lớn như vậy.
Về việc "chạy án", bị cáo Hằng nói, cựu thiếu tướng, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội là "người anh thân thiết" của mình. Bởi thế, khi cơ quan công an xác minh vụ án, bị cáo đã tới gặp để nhờ ông Tuấn tư vấn.
Lúc đầu, ông Tuấn khuyên bị cáo Hằng nên ra tự thú, về sau kết nối cho bà Hằng gặp ông Hoàng Văn Hưng. Giống với việc đưa hối lộ, bị cáo Hằng bảo không nhớ cụ thể đã gặp ông Hưng bao nhiêu lần, chỉ nhớ là gặp tại nhà ông Tuấn, có đưa ông Tuấn 2,8 triệu USD để nhờ ông Hưng giúp cho bản thân và ông Sơn không bị xử lý hình sự.
Được tạo điều kiện thì phải cảm ơn bằng tiền
Tới lượt mình, bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA) khai nhận sử dụng pháp nhân Công ty ATA để xin Văn phòng Chính phủ cấp phép chuyến bay.
Theo Vy, ở Văn phòng Chính phủ bị cáo đưa tiền hối lộ cho Nguyễn Mai Anh (là chuyên viên văn phòng) 3 tỷ đồng; đưa nhóm cán bộ của tổ công tác 5 Bộ hàng chục tỷ đồng. Mục đích đưa tiền hối lộ là để cảm ơn họ tạo điều kiện cho việc cấp chuyến bay…
Còn bị cáo Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty Masterlife) khai, trong quá trình xin cấp phép chuyến bay đã hối lộ Tô Anh Dũng và Nguyễn Thị Hương Lan mỗi người hàng chục nghìn USD… Tương tự như Vy, bị cáo Xa cho rằng nếu không đưa hối lộ, Công ty sẽ không được cấp phép tổ chức các chuyến bay giải cứu.