Ngày 29/8, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%.
Theo báo cáo Tổng cục Thống kê vừa công bố, giá xăng dầu, giá gạo trong nước tăng theo giá thế giới, giá nhà ở thuê tăng theo nhu cầu là những nguyên nhân chính làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2023 tăng 0,88% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 8 tăng 2,02% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,96%.
Trong mức tăng của CPI tháng 8/2023, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, một nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm giao thông tăng cao nhất với 3,85; nhóm giáo dục tăng 0,96; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,85%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,28%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,22%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,19%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,10%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,09%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%.
Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,17% do giá điện thoại di động và cố định giảm.
Theo cơ quan thống kê, lạm phát cơ bản tháng 8/2023 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 4,02% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 8 tháng năm 2023, CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,57%. Theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, chỉ số giá tiêu dùng các tháng từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm.
Trong đó, CPI tháng 1 tăng cao nhất với 4,89%, sau đó giảm dần đến tháng 6 mức tăng chỉ còn 2%, tháng 7 tăng ở mức 2,06%, sang tháng 8 mức tăng bật lên 2,96% nhưng vẫn thấp hơn các tháng đầu năm nay.
Cơ quan thống kê cho biết thêm, trong tháng 8/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỉ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 435,23 tỉ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2023 ước đạt 227,71 tỉ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 20,19 tỉ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỉ USD.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 62,3 tỉ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 68,1 tỉ USD.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đăng ký đầu tư FDI vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2023 đạt gần 18,15 tỉ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, vốn FDI giải ngân 8 tháng ước đạt 13,1 tỉ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, trong tháng 8 cả nước có hơn 14.000 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm trước.
Gần 6.300 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, 5.178 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, 5.216 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, 1.375 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Như vậy, trong 8 tháng năm 2023, cả nước có 149.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động và 124.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Về lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 8, ghi nhận đạt 1,2 triệu lượt người, tăng 17,2% so với tháng trước và gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
8 tháng năm nay Việt Nam đón hơn 7,8 triệu lượt khách quốc tế, đạt 98% kế hoạch năm 2023, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 69,2% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước COVID-19.
Từ 15/8/2023, Việt Nam nâng thời hạn tạm trú lên 45 ngày đối với công dân 13 nước được đơn phương miễn thị thực và thực hiện cấp thị thực điện tử đối với tất cả các nước/vùng lãnh thổ, thời hạn tạm trú lên đến 90 ngày, có giá trị xuất, nhập cảnh nhiều lần…