Không có chuyện nông sản Việt Nam ùn tắc tại cửa khẩu do kiểm dịch

HÀ NỘI (Sputnik) - Cục Bảo vệ thực vật khẳng định tình hình kiểm dịch thực vật đối với nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu đang diễn ra bình thường, không có hiện tượng ùn tắc.
Sputnik
Sáng 12/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan gửi thông tin từ Cục Bảo vệ thực cho biết thực hiện quy định tại các nghị định thư xuất khẩu nông sản của Việt Nam với các nước, cục đã chỉ đạo các địa phương thông báo và áp dụng các biện pháp kiểm dịch thực vật để các doanh nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tạm ngừng và rà soát xác định rõ nguyên nhân các trường hợp không tuân thủ điều kiện về kiểm dịch thực vật nhập khẩu, đề xuất giải pháp khắc phục, báo cáo khắc phục để gửi Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo điều khoản đã ký.
Trong trường hợp các đơn vị không thực hiện tuân thủ quy định rà soát này, cơ quan kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt khi có chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vật.
Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật khẳng định, hoạt động xuất khẩu nông sản ở các cửa khẩu đang diễn ra bình thường, không bị ùn tắc do kiểm dịch thực vật.
"Các biện pháp trên là cần thiết, đúng thông lệ quốc tế và đúng theo các nghị định thư mà Việt Nam đã ký kết, nhằm giảm thiểu nguy cơ nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tạm ngưng không thời hạn hoặc dừng nhập khẩu, ảnh hưởng trực tiếp tới thương mại hai bên và uy tín hàng hóa nông sản của Việt Nam trên thị trường quốc tế", Cục Bảo vệ thực vật cho hay.
Sầu riêng Việt Nam: Doanh nghiệp đang ‘đánh nhau’ và tự thua trên sân nhà
Trao đổi với Thanh Niên, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết sau khi nhận thông báo đối với các lô hàng vi phạm về kiểm dịch thực vật từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã có thông báo chi tiết danh sách các mã số vi phạm đến các địa phương.
Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu, trong thời gian này, các đơn vị phải tạm ngưng sử dụng các mã số có vi phạm để thực hiện việc rà soát, nhưng đối với các lô hàng đã ra đến cửa khẩu thì vẫn thực hiện các thủ tục kiểm dịch thực vật để xuất khẩu bình thường.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, tại diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lê Minh Hoan cho biết ngành sầu riêng, chanh dây… hiện đã bước vào giai đoạn khó khăn.
“Câu chuyện sầu riêng không phải là câu chuyện lạ đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. Trước đó, có rất nhiều ngành hàng tiềm năng như vú sữa Lò Rèn… xuất khẩu sang Mỹ rất háo hức nhưng đã rơi vào bi kịch vì chúng ta nghĩ thời cơ nhiều hơn là nhận diện thách thức”, người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ.
Theo ông, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn thể hiện qua việc "hợp tác - liên kết - thị trường".
Việt Nam xuất khẩu chính ngạch lượng sầu riêng "khủng" qua Trung Quốc
Vì thế, điều quan trọng là phải tổ chức lại cấu trúc ngành hàng bền vững. Trong đó, phải có sự hiện diện của cả sản xuất và tiêu thụ, tức là có nông dân và doanh nghiệp. Nó không đơn thuần chỉ là cải tiến kỹ thuật gieo trồng mà là tạo ra không gian để nông dân, doanh nghiệp ngồi lại với nhau.
Đồng thời, đã đến lúc siết chặt quản lý nhà nước. Theo ông Hoan, siết chặt ở địa phương không có nghĩa là Bộ thoái thác trách nhiệm, vì ngành hàng sầu riêng là hình ảnh của nền nông nghiệp Việt Nam.
“Các doanh nghiệp cũng cần thấm nhuần tư tưởng kinh doanh, buôn bán sầu riêng không chỉ vì lợi nhuận mà còn là trách nhiệm với nền nông nghiệp quốc gia. Từ đó, chuyển từ quan hệ thuận mua vừa bán sang quan hệ hợp tác. Phải tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất với nhau. Phải quyết tâm giải quyết cho được vấn đề "nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, chính quyền tư duy nhiệm kỳ", Bộ trưởng Lê Minh Hoan lưu ý.
Thảo luận