Ông lưu ý rằng phạm vi hoạt động của tổ hợp tên lửa Mỹ là khoảng 260 km. Tên lửa ATACMS chỉ có thể tấn công sâu vào lãnh thổ Nga nếu bố trí ở sát gần tuyến mặt trận, cũng chính là điểm yếu khiến chúng trở nên dễ bị tổn thương.
"Càng ở gần tiền tuyến, các tổ hợp này càng bộc lộ yếu điểm dễ bị tổn thương và khi đó sẽ bị máy bay không người lái của Nga tiêu diệt”, - chuyên gia Johnson tuyên bố trên kênh YouTube Dialogue Works.
Theo lời vị chuyên gia Mỹ, phương Tây thật sự trông đợi Ukraina giáng đòn gây thất bại quân sự cho Nga trong khoảng thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, giờ đây cuộc phản công hứng chịu thất bại, Hoa Kỳ cố gắng vô vọng trong việc đưa LLVT Ukraina trở lại vị thế vượt trội trên chiến trường, - Johnson kết luận.
Nga sẽ phản ứng đáp trả thế nào với việc cung cấp ATACMS
Trước đó, Sputnik đã viết về cách quân Nga có thể đáp trả việc Hoa Kỳ cung cấp tên lửa ATACMS cho Kiev.
Quân Nga sẽ hủy diệt cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraina để đáp trả việc cung cấp tên lửa ATACMS cho Kiev, đó là quan điểm của sĩ quan tình báo Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu Scott Ritter.
"ATACMS sẽ không thay đổi tình hình trên chiến trường, nhưng việc gửi các tổ hợp này tới Ukraina sẽ dẫn đến việc quân Nga giáng đòn tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước. Danh sách các mục tiêu quan trọng cần tấn công sẽ mở rộng đáng kể", - sĩ quan Mỹ nghỉ hưu phát biểu trên kênh YouTube Dialogue Works.
Ritter nhiều lần lưu ý rằng các phương tiện tác chiến điện tử của Nga đủ sức áp chế hệ thống dẫn đường của tên lửa ATACMS nếu phương Tây bàn giao tổ hợp này cho quân đội Ukraina.