“Đính kèm là đoạn video của Không quân Israel ghi lại khu vực xung quanh bệnh viện trước và sau vụ phóng tên lửa thất bại của tổ chức khủng bố Jihad Hồi giáo”, - thông điệp viết.
Bệnh viện Al-Ahli ở Dải Gaza bị tấn công hôm thứ Ba. Bộ Y tế Gaza cho biết hơn 500 người đã thiệt mạng, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Người Palestine và Israel đổ lỗi cho nhau về vụ tấn công, trong đó Bộ Ngoại giao Palestine nói rằng cuộc tấn công được thực hiện bởi máy bay Israel, còn quân đội Israel tuyên bố rằng bệnh viện bị trúng một tên lửa do nhóm Jihad Hồi giáo Palestine phóng không thành công.
Ở một số quốc gia đã diễn ra các cuộc biểu tình lớn ủng hộ Palestine, ở nhiều thành phố - tại các đại sứ quán và lãnh sự quán của Israel và Hoa Kỳ, và ở một số nơi gần các cơ quan đại diện ngoại giao của Pháp. Cuộc biểu tình không chỉ diễn ra ở Trung Đông mà còn cả ở Châu Phi, Châu Âu và Châu Mỹ Latinh.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án vụ tấn công vào bệnh viện và nói rằng ông “kinh hoàng trước vụ giết hại hàng trăm thường dân Palestine”. Ông lưu ý rằng các bệnh viện và bác sĩ phải được bảo vệ bởi luật nhân đạo quốc tế.
Chính quyền một số nước đổ lỗi cho Israel về vụ tấn công bệnh viện và hàng trăm nạn nhân. Những tuyên bố như vậy được đưa ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Jordan, Syria, Iraq, Venezuela và Cuba, và Tổng thống Iran đã chỉ đích danh Israel và Hoa Kỳ là thủ phạm. Người đứng đầu Ủy ban Liên minh châu Phi cũng cáo buộc Israel.
Châu Âu chủ yếu lên án các cuộc tấn công vào dân thường mà không chỉ ra những kẻ chịu trách nhiệm. Đây là ý kiến của người đứng đầu cơ quan ngoại giao Liên minh châu Âu, Tổng thống Pháp, cũng như Bộ ngoại giao Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh. Mỹ không nêu cụ thể ai là người chịu trách nhiệm về thảm kịch, nhưng ngay sau đó Lầu Năm Góc đã kêu gọi Israel tuân thủ “luật chiến tranh” và Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden có ý định “với tư cách là một người bạn” sẽ đặt ra“một số câu hỏi khó” đối với Israel.
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev gọi vụ tấn công vào bệnh viện ở Dải Gaza là tội ác chiến tranh. Ông quy trách nhiệm cuối cùng về việc này cho Hoa Kỳ, quốc gia “kiếm tiền một cách trơ tráo từ các cuộc chiến tranh ở các quốc gia khác nhau và trên các châu lục khác nhau” và “phân bổ số tiền khổng lồ cho vũ khí một cách thiếu suy nghĩ, bắt tổ hợp công nghiệp-quân sự của mình hoạt động hết công suất”.
Xung đột Palestine – Israel gia tăng căng thẳng nghiêm trọng
Sáng ngày 7 tháng 10 Israel hứng chịu một đợt tấn công tên lửa chưa từng có xuất phát từ Dải Gaza. Ngoài ra, các chiến binh Hamas sau đợt tấn công đã xâm nhập khu vực biên giới ở miền nam Israel.
Cánh quân sự của phong trào Hamas Palestine tuyên bố tiến hành chiến dịch Cơn lũ Al-Aqsa chống lại Israel. Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tuyên bố phát động chiến dịch Thanh kiếm sắt chống lại Hamas ở Dải Gaza. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong bài phát biểu trước quốc dân nói rằng đất nước đang trong tình trạng chiến tranh và cho biết ông đã ra lệnh huy động rộng rãi lực lượng quân dự bị. Hôm thứ Ba báo Haaretz dẫn lời phát ngôn viên IDF Daniel Hagari cho biết quân đội Israel đã nắm quyền kiểm soát tất cả các khu định cư gần biên giới giáp Gaza. Hiện tại họ đang tiếp tục không kích các mục tiêu ở Dải Gaza, bao gồm cả các mục tiêu dân sự.
Trong bối cảnh xung đột leo thang, một số nước bắt đầu đưa công dân sơ tán khỏi Israel.
Tờ Times of Israel đưa tin số người Israel thiệt mạng do leo thang xung đột Israel - Palestine đã vượt trên 1.200 người. Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Palestine, số người chết vì các cuộc tấn công của Israel vào Dải Gaza là hơn 1.100 người.