Như bài viết lưu ý, trong 20 tháng qua chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra sức chỉ trích Nga về chiến dịch đặc biệt ở Ukraina, tuy nhiên, khi giờ đây Israel ném bom Dải Gaza, sự "ủng hộ không gì lay chuyển được" của Washington đối với Tel Aviv có nguy cơ tạo ra “trở ngại mới” trong nỗ lực “chinh phục” dư luận thế giới.
"Cuộc chiến ở Trung Đông sẽ tạo ra sự chia rẽ ngày càng lớn giữa phương Tây và các nước như Brazil hay Indonesia là những quốc gia chủ chốt hiện đang dao động ở Nam bán cầu. Việc này sẽ làm phức tạp thêm tình hình hợp tác quốc tế về vấn đề Ukraina cũng như việc tuân thủ các biện pháp trừng phạt chống lại Nga", - ông Clifford Kupchan, Chủ tịch công ty phân tích Eurasia Group nói với nhà báo.
Cụ thể, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã lên án “sự bất công đang tiếp tục diễn ra đối với người dân Palestine”, còn Đại diện thường trực của Brazil tại Liên hợp quốc bày tỏ nỗi thất vọng khi Mỹ phủ quyết nghị quyết do nước này đưa ra Hội đồng Bảo an. Các nhà lãnh đạo khối Ả Rập, bao gồm Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, Vua Abdullah II của Jordan và Ngoại trưởng Ả Rập Saudi, hoàng thân Faisal Bin Farhan Al Saud, trong các bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Cairo cũng đều gay gắt chỉ trích các tiêu chuẩn kép của phương Tây
NYT chỉ ra rằng leo thang của xung đột Palestine - Israel chỉ làm tăng thêm sự bất mãn ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh trước việc phương Tây coi Ukraina là trường hợp đặc biệt vì nó nằm ở châu Âu.
Theo nhà phân tích Hanna Notte của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, ở Nam bán cầu có nhận thức rằng phương Tây quan tâm đến người tị nạn Ukraina hơn là những người dân đau khổ ở Yemen, Gaza, Sudan hay Syria.
"Điều này giúp minh họa lý do tại sao phương Tây thất bại trong việc thuyết phục các nước như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ các biện pháp trừng phạt chống Nga. Với tình hình ở Dải Gaza, những nỗ lực này khó có thể thành công trong thời gian tới", - tờ báo kết luận.