Nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm, như: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, chất lượng dự thảo Luật đã từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.
Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất. Vì vậy, công tác hoàn thiện các quy định đòi hỏi hết sức kỹ lưỡng, thận trọng.
Một điểm mới lần này chính là dự thảo quy định về quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo ông Thanh, một số ý kiến đề nghị chỉnh sửa quy định theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai (không chỉ riêng quyền đối với đất ở) như công dân Việt Nam ở trong nước. Giữ chính sách như pháp luật hiện hành đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài (không có quốc tịch Việt Nam).
Trên cơ sở các ý kiến này và ý kiến của Chính phủ, dự thảo luật thiết kế 2 phương án.
Trong đó, phương án 1, tiếp thu các ý kiến, chỉnh sửa quy định nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng đầu tư và thu hút kiều hối từ công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…
Phương án 2 giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền sử dụng đất như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Ông Thanh cho biết đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Cũng theo ông Thanh, do nghị quyết 18 không đề cập nội dung về quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển quyền sử dụng đất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền về nội dung này.
Về thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại, theo ông Thanh có 2 phương án.
Trong đó, phương án 1, giữ quy định về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất như Luật Nhà ở hiện hành.
Cụ thể, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp); chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở.
Phương án 2, đề nghị mở rộng về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, điều kiện được nhận chuyển nhượng không giới hạn về các loại đất.
Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1 và xin ý kiến Quốc hội về nội dung này.
Liên quan đến quy định nhận chuyển nhượng đất trồng lúa đối với cá nhân, theo UBTVQH, nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu thực hiện thí điểm tại một số địa phương về việc UBND cấp tỉnh chấp thuận cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thành lập tổ chức kinh tế nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp để đánh giá tổng kết trước khi áp dụng quy mô rộng rãi trên cả nước.
Cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định chi tiết về hạn mức chuyển nhượng đất nông nghiệp là đất trồng; nghiên cứu phương án quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng mức nhất định thì cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp muốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế, trường hợp nhận chuyển nhượng với diện tích không lớn…
Do đó, dự thảo thiết kế 3 phương án liên quan đến điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Phương án 1, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa khi nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Đây là quy định mới so với Luật Đất đai 2013, do đó UBTVQH cho rằng “cần hết sức thận trọng”; nhất là trong điều kiện pháp luật hiện hành chưa có quy định về mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang như yêu cầu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Phương án 2 là không giới hạn về điều kiện đối với cá nhân nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Khi đó sẽ khuyến khích việc chuyển nhượng đất trồng lúa giữa các cá nhân, việc quy định thành lập tổ chức kinh tế không thay đổi bản chất việc nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Tuy nhiên, phương án này có thể dẫn đến tình trạng trên diện tích đất trồng lúa sẽ có nhiều đối tượng khác nhau có quyền sử dụng đất trồng lúa, tiềm ẩn nguy cơ cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thay vì sản xuất thực sự trên đất trồng lúa lại đầu cơ đất trồng lúa, cản trở việc tích tụ, tập trung đất trồng lúa để đưa vào sản xuất, kinh doanh…
Phương án 3, khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định.
Ngoài các nội dung trên, nhiều nội dung khác còn có hai phương án như cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền.
Phương pháp định giá đất và các trường hợp, điều kiện áp dụng; về hoạt động lấn biển; về phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài…