Chính sách đối ngoại và đối nội, vấn đề bảo vệ môi trường, nền kinh tế và ngành du lịch - chúng tôi sẽ cập đến các nội dung này trong bài tổng quan truyền thống "Việt Nam trên báo chí nước ngoài".
Việt Nam, Hoa Kỳ và Nhật Bản
Tạp chí Modern Diplomacy viết về chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng. Chuyến thăm này chủ yếu là bước đi tiếp nối những tiến triển đã đạt được trong chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam, nhằm tìm hiểu khả năng củng cố sự hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng như công nghệ cao, nguồn năng lượng tái tạo và phát triển cơ sở hạ tầng, cả vật chất và kỹ thuật số. Ông Võ Văn Thưởng kêu gọi Hoa Kỳ giúp Việt Nam xây dựng năng lực, chẳng hạn như đào tạo lực lượng lao động có tay nghề cao để giúp đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số.
Tờ Japan Times đưa tin về chuyến thăm Nhật Bản của ông Võ Văn Thưởng vào tuần tới, đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông trên cương vị chủ tịch nước và trùng với dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản. Nước Nhật là đối tác đầu tư, du lịch lớn thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam và có thể nằm trong số những quốc gia có quan hệ đối tác cao nhất với Việt Nam - quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Cuộc hội đàm về khả năng nâng cấp quan hệ với Nhật Bản tiến hành trong vài tháng.
Tăng cường chiến dịch chống tham nhũng
Tờ The Diplomat tiếp tục đăng các bài viết về chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố sẽ mở rộng và tăng cường chiến dịch chống tham nhũng một tuần sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã công bố những con số siêu khủng về số tiền (khoảng 12,36 tỷ USD) mà bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chiếm đoạt của ngân hàng SCB. Các quan chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia và Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang bị điều tra trong vụ án và bị buộc tội nhận hối lộ để che đậy sai phạm của SCB.
Việt Nam sẽ sử dụng 15,5 tỷ USD hỗ trợ chuyển đổi xanh như thế nào?
Bloomberg viết rằng, Việt Nam một lần nữa trở thành thị trường chứng khoán sinh lợi nhất ở Đông Nam Á. Kinh tế Việt Nam đã có cải thiện trong hai quý vừa qua khuyến khích các nhà đầu tư. Trong tháng này, Quốc hội Việt Nam giao Chính phủ mục tiêu GDP năm 2024 tăng 6-6,5%, vượt dự báo của IMF là 5,8%. Business Standard đưa tin, một kế hoạch về cách sử dụng 15,5 tỷ USD để chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn cho Việt Nam vừa hoàn tất và sẽ được công bố chính thức tại Hội nghị lần thứ 28 Các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) tại Dubai vào tuần tới. Tyrepress cho biết rằng, công ty Sailun của Việt Nam đã tổ chức Lễ hoàn thành lốp xe đầu tiên GOTR - sự kiện dây chuyền sản xuất lốp xe lớn nhất tại Việt Nam. Còn Global Times đưa tin rằng, công ty Luxshare, một trong những nhà sản xuất linh kiện và thành phẩm Apple lớn nhất Trung Quốc, đã nhận được chấp thuận đầu tư thêm 330 triệu USD vào một nhà máy ở tỉnh Bắc Giang, và từ bỏ thỏa thuận ở Ấn Độ vì bị thất bại trong việc mở rộng kinh doanh.
Techinasia viết rằng, sau hơn 4 năm, ứng dụng đặt đồ ăn hàng đầu tại Hàn Quốc “BAEMIN” chính thức rút khỏi thị trường Việt Nam do sự cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực này. Đại diện BAEMIN Việt Nam cho biết ứng dụng này sẽ chính thức rời khỏi thị trường Việt Nam từ 8/12/2023. Nikkei Asia đưa tin rằng, tập đoàn Nhật Sojitz thâu tóm công ty Đại Tân Việt, hay New Viet Dairy là công ty hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối thực phẩm cao cấp. Quá trình hiện đại hóa mạng lưới phân phối thực phẩm của Việt Nam còn tụt hậu so với nền kinh tế đang phát triển nhanh. Các cơ sở có đủ trang thiết bị để kiểm soát được nhiệt độ và điều kiện vệ sinh của thực phẩm chỉ chiếm khoảng 10% thị trường. Intrafish viết về nhà máy của startup Entobel tại Vũng Tàu là cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi từ ruồi lính đen, Entobel cung cấp nguyên liệu từ côn trùng chất lượng cao và bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về protein côn trùng trong ngành nuôi trồng thủy sản và thức ăn cho vật nuôi. Neftegaz đưa tin về việc mở rộng hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong các dự án dầu khí. Nga sẽ nhận được quyền tham gia khai thác các mỏ của Việt Nam để đổi lấy ưu đãi về thuế cho các liên doanh trên lãnh thổ của mình.
Làm thế nào để chấm dứt gây ô nhiễm đại dương?
Fulcrum đăng tải một bài dài về cuộc chiến chống rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam. Việt Nam có lượng rác thải nhựa xả ra biển lớn thứ tư thế giới, điều này không chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề môi trường mà còn làm tổn hại danh tiếng và hình ảnh của đất nước này trong khi Việt Nam đưa ra cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững và chuyển đổi xanh. Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, mà đó là các vấn đề phức tạp xuất phát từ ba nguồn chính: sản xuất công nghiệp, tiêu dùng hộ gia đình và phế liệu nhựa nhập khẩu. Chính phủ đã đưa ra một khung pháp lý mạnh mẽ để chống lại cuộc khủng hoảng rác thải nhựa, nhưng thử thách thực sự nằm ở việc thực hiện và thực thi các chính sách này. Ngoài ra, nhu cầu cấp thiết là tăng cường hợp tác trong ASEAN, trong khi 6 quốc gia Đông Nam Á nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu thế giới về xả rác thải nhựa ra biển. Và Phys viết về mối nguy cơ đang đe dọa vùng "vựa lúa" của Việt Nam - Đồng bằng sông Cửu Long - do khai thác cát quá mức.
Cát là nguồn tài nguyên thiên nhiên được sử dụng nhiều nhất thế giới, sau nước và không khí. Việc sử dụng cát đã tăng gấp ba lần trong hai thập kỷ qua. Đồng bằng sông Cửu Long được dự đoán sẽ cạn kiệt cát chỉ sau hơn một thập kỷ. Tình trạng khai thác cát tràn lan ở đồng bằng sông Cửu Long khiến dòng nước chảy xiết gây xói mòn khu vực ven sông, dẫn đến tình trạng sạt lở nhấn chìm hàng nghìn ngôi nhà dân. Từ năm 2016 đến tháng 8/2023, đã có 750 km bờ sông bị sạt lở và gần 2.000 ngôi nhà dân bị "nuốt chửng" và cuốn trôi. Việt Nam đã cấm xuất khẩu cát vào năm 2017. Nhưng nhu cầu trong nước tăng mạnh đã làm giảm lượng cát, phù sa về hạ nguồn. Các chuyên gia cho rằng, nếu tình trạng này tiếp tục xấu đi, đến cuối thế kỷ này, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất đi khoảng một nửa diện tích đất liền và chúng ta bắt buộc phải viết lại lịch sử địa lý.
Văn hóa ẩm thực Việt Nam
Chuyên trang du lịch Drift Travel nêu bật sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam như một điểm đến chơi golf quanh năm, lý tưởng cho du khách đến từ các quốc gia có khí hậu mùa đông khắc nghiệt.
Còn Yourstory đăng một bài viết “ngon” về ẩm thực Việt Nam, cho thấy các món ăn mượn từ các vùng khác trên thế giới lại mang hương vị Việt Nam. Ấn phẩm viết: Việt Nam có văn hóa ẩm thực khác biệt không chỉ dựa trên lịch sử 1.000 năm mà còn có khả năng thích nghi với những thay đổi về thói quen ăn uống, thể hiện sự kết hợp thú vị giữa các nền văn hóa.