"Nghiên cứu sinh tiến sĩ Alexei Sheremet tại Trường Hàng không vũ trụ số 6 thuộc MAI đang thiết kế một loại máy bay không người lái để nghiên cứu Sao Kim. UAV có thể di chuyển phía trên bề mặt hành tinh này và hạ cánh trên đó", - thông báo cho biết.
Theo lời giải thích của Sheremet được bộ phận báo chí trích dẫn, tính năng chính của thiết bị sẽ là hệ thống cánh quạt giống như máy bay trực thăng. Nó sẽ cho phép thiết bị tiến hành nghiên cứu khoa học cả ở chế độ bay cũng như khi đáp xuống bề mặt Sao Kim, đồng thời cũng sẽ có khả năng cơ động và khả năng tránh chướng ngại vật.
Được biết thêm rằng thiết bị có thể chụp ảnh chất lượng cao về bề mặt hành tinh và vẽ bản đồ địa hình để phân tích sâu hơn về các đặc điểm địa chất. Ngoài ra, nhà phát triển muốn cung cấp cho thiết bị các cảm biến để đo nhiệt độ, áp suất và các thông số khí quyển khác nhằm nghiên cứu thành phần khí và điều kiện khí hậu của hành tinh.
Theo Sheremet, việc nghiên cứu Sao Kim sẽ giúp hiểu rõ hơn và mô hình hóa các quá trình liên quan đến biến đổi khí hậu Trái đất, hiệu ứng nhà kính và sự phát triển của bầu khí quyển hành tinh. Nhà phát triển thừa nhận rằng mình được truyền cảm hứng để nghiên cứu thiết kế một thiết bị như vậy từ máy bay trực thăng Ingenuity do NASA phát triển và được gửi lên Sao Hỏa cùng với tàu thám hiểm Perseverance.
Cho đến nay chương trình Sao Kim của Nga chỉ giới hạn ở trạm Venera-D theo kế hoạch sẽ được phóng lên hành tinh láng giềng của Trái đất sau năm 2030 và ở trình độ công nghệ mới sẽ tiếp tục những nghiên cứu do các trạm vũ trụ của Liên Xô và Mỹ thực hiện từ thập niên 1960 đến thập niên 1990. Các nhà khoa học Nga cũng nói về mong muốn tiến hành hai chuyến bay nữa sau Venera-D và theo chương trình chuyến bay thứ hai lần đầu tiên trong lịch sử sẽ cố gắng lấy được đất Sao Kim đưa về Trái đất.