Đây là kết quả trực tiếp của việc sử dụng thành công tên lửa này trong chiến dịch quân sự đặc biệt.
Những chi tiết – trong tài liệu của Sputnik.
Phòng thiết kế chế tạo khí cụ thành phố Tula đã phát triển hệ thống tên lửa phóng từ trên không Vikhr vào đầu những năm 1980. Ban đầu, tổ hợp này được thiết kế để trang bị cho trực thăng tấn công và máy bay cường kích Su-25, nhưng cũng có thể được trang bị cho tàu mặt nước cỡ nhỏ.
Vào thập niên 1990, sản phẩm này đã được giới thiệu tại một số hội chợ triển lãm vũ khí. Mặc dù tên lửa Vikhr không thua kém gì các đối thủ phương Tây về tầm bắn, tốc độ và sức xuyên giáp, nhưng, theo dữ liệu từ các nguồn mở, vẫn chưa có một hợp đồng xuất khẩu nào. Quân đội Nga bắt đầu đặt mua hệ thống này vào thập niên 2010. Vào năm 2014, tên lửa Vikhr bắt đầu được sản xuất hàng loạt. Và Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga bắt đầu trang bị hệ thống này cho trực thăng Ka-52 vào năm 2015.
Theo dữ liệu chính thức từ danh mục sản phẩm của tập đoàn Kalashnikov “...tên lửa dẫn đường phóng từ trên không Vikhr-1 được thiết kế để tấn công các mục tiêu bọc thép cơ động trên mặt đất được trang bị giáp phản ứng nổ và cả các mục tiêu trên không tốc độ trung bình như máy bay trực thăng, máy bay cường kích và máy bay không người lái (UAV). Tổ hợp này tấn công hiệu quả các mục tiêu trên mặt đất và trên không vào ban ngày, ban đêm và trong điều kiện thời tiết bất lợi, nhiệt độ vận hành -50°C đến +50°C”.
Tổ hợp Vikhr-M hiện đại hóa với tên lửa Vikhr-1 có tầm bắn lên tới 10 km, tên lửa có khả năng xuyên thủng các tấm giáp đồng nhất dày tới 1200 mm. Theo dữ liệu của hãng thiết kế, tên lửa có thể tăng tốc lên 610 m/s tương đương gần 2.200 km/h.
Tên lửa Vikhr có đầu đạn tích lũy song song và hệ thống dẫn đường bằng laser. Tên lửa bay được 8 km trong khoảng 25 giây, trong thời gian đó tổ lái trên trực thăng phải liên tục “chiếu sáng” mục tiêu - cho đến thời điểm nó bị tiêu diệt.
Mỹ cũng có loại tên lửa tương tự - AGM-114 Hellfire - hoạt động theo nguyên tắc “bắn và quên”, nhưng chỉ riêng trong các phiên bản sửa đổi tương đối mới AGM-114K và AGM- 114L. Và những mẫu trước đó có hệ thống dẫn đường bằng laser bán chủ động. Nhân tiện, hệ thống này rất nhạy cảm với nhiễu (sương mù, mây, khói). Nhưng, hệ thống của Mỹ phức tạp hơn nhiều và do đó đắt hơn. Ngoài ra, tên lửa Mỹ còn chậm hơn, tốc độ 425 m/s tương đương 1.530 km/h.
Thành công rực rỡ
Mặc dù hệ thống dẫn đường có vẻ không phải là tiên tiến nhất, nhưng tên lửa Vikhr tỏ ra rất hiệu quả trong điều kiện chiến đấu thực tế. Vào mùa hè năm 2023, khi quân đội Ukraina cố gắng chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga bằng các đoàn xe bọc thép, thì theo các chuyên gia, cuộc phản công của họ đã bị ngăn chặn chủ yếu bởi các bãi mìn và trực thăng tấn công Ka-52 Alligator, phương tiện mang tên lửa Vikhr.
Ngay sau khi các nhóm tấn công trên xe bọc thép của phương Tây tiến về phía trước, Ka-52 bắt đầu hành động. Tướng Ivan Popov, tư lệnh Tập đoàn quân số 58 thuộc Quân khu miền Nam, đã báo cáo: “... mỗi chuyến bay của phi đội không quân đều kết thúc bằng việc sử dụng hiệu quả tên lửa dẫn đường chống lại xe bọc thép. Có lúc hai chiếc trực thăng có thể tiêu diệt từ năm đến bảy xe bọc thép của địch”.
Lực lượng Vũ trang Ukraina khó có thể đạt hiệu quả trong việc đối phó với Ka-52 vì họ thiếu hụt nghiêm trọng các hệ thống phòng không tầm ngắn di động. Đặc biệt, số ít hệ thống phòng không di động mà quân đội Ukraina đã sở hữu đến nay bị vô hiệu hóa bởi máy bay không người lái và đạn dược lảng vảng.
“Người Nga hiện giỏi hơn nhiều trong việc ngăn chặn và phá hủy các hệ thống phòng không ở độ sâu chiến thuật, - nhà phân tích quốc phòng Guy Plopsky của Israel lưu ý. – Việc bố trí các hệ thống phòng không dẫn đường bằng radar của Ukraina trên tiền tuyến là rất nguy hiểm, đặc biệt là nếu hiện diện ở đó trong thời gian dài”.
Một quả tên lửa là đủ để hủy diệt một chiếc xe tăng
Chính hệ thống dẫn đường bằng laser của tên lửa Vikhr mang lại hiệu quả như vậy. Như đại diện của tập đoàn Kalashnikov nói với Sputnik, tên lửa này có xác suất bắn trúng mục tiêu là 0,9. Nghĩa là, một quả tên lửa là đủ để tiêu diệt một xe tăng Leopard-2 hoặc xe chiến đấu bộ binh Bradley. Đối với các loại vũ khí chống tăng khác - cả của Nga và phương Tây - xác suất bắn trúng mục tiêu là 0,6-0,8. Tức là phải sử dụng hai quả tên lửa để tiêu diệt một mục tiêu.
“Tầm nhìn ban đêm” tuyệt vời của thiết bị NATO cũng không giúp ích được gì cho người Ukraina. Họ cố gắng tấn công trong bóng tối, nhưng nhanh chóng nhận ra rằng, Ka-52 Alligator cũng nhìn rõ trong bóng tối và ngay lập tức phóng tên lửa dẫn đường Vikhr”.
Thị trường vũ khí quốc tế đánh giá cao tên lửa của Nga.
Tập đoàn Kalashnikov cho biết: “Một hợp đồng xuất khẩu lớn đã được ký kết để cung cấp tên lửa dẫn đường Vikhr-1 cho một quốc gia thân thiện”.
Trong khi đó, các công việc đang được tiến hành ở Nga để trang bị tổ hợp Vikhr cho các phương tiện bay khác. Ví dụ, cho trực thăng Mi-28NE và Mi-35P, cũng như cho máy bay không người lái chiến đấu đa dụng (UACV) Orion-E.