Mỹ bài Trung Quốc ở căn cứ Ream: Hun Manet tuyên bố Campuchia không đi gây hấn

Liên quan đến việc xây căn cứ Hải quân Ream bên bờ Vịnh Thái Lan, phía nam Biển Đông, Thủ tướng Hun Manet khẳng định, Campuchia không có ý định gây hấn với bất kỳ ai, bất kỳ quốc gia nào, mà chỉ nhằm tăng cường năng lực quốc phòng.
Sputnik
Trước lo ngại về việc Trung Quốc giúp Campuchia cải tạo căn cứ hải quân quan trọng hàng đầu của đất nước, con trai của nhà lãnh đạo Hun Sen khẳng định, Phnom Penh sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào sử dụng căn cứ Hải quân Ream để đóng quân, gây phương hại láng giềng, nước khác.
Nhà lãnh đạo Campuchia dẫn Hiến pháp nước này khẳng định, Campuchia không cho phép căn cứ quân sự nước ngoài hiện diện trên lãnh thổ, và các nỗ lực củng cố nền quốc phòng chỉ tập trung vào việc bảo vệ đất nước Campuchia và đảm bảo sự ổn định của đất nước.

Campuchia phát triển Căn cứ Hải quân Ream ở Vịnh Thái Lan

Báo Khmer Times ngày 25/1 đưa tin, Thủ tướng Campuchia Hun Manet khẳng định, nước này đang chuẩn bị tăng cường khả năng phòng thủ với việc phát triển Căn cứ Hải quân Ream.
Phát biểu nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Bộ Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia, Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh mục đích của căn cứ hải quân và các năng lực quân sự khác là “tăng cường năng lực quốc phòng” chứ không phải để đe dọa hay gây chiến với bất kỳ quốc gia nào.
“Căn cứ Hải quân Ream hiện đang được phát triển, hoàn toàn phục vụ mục đích quốc phòng và sẽ không tiếp đón bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào”, - Thủ tướng Hun Manet tuyên bố.
Nhà lãnh đạo Campuchia đề cập đến Điều 53 của Hiến pháp nước này, trong đó nghiêm cấm việc thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Campuchia.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia, Trung tướng Mao Sophan tại buổi lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Quân đội Hoàng gia Campuchia
Ngoài ra, ông Hun Manet cũng nhấn mạnh thực tế là quân đội Campuchia chỉ có các căn cứ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
“Tôi xin nhắc lại rằng căn cứ hải quân Ream thường được nhắc đến trên báo chí. Điều 53 trong Hiến pháp của chúng ta nêu rõ rằng Campuchia không cho phép các căn cứ quân sự nước ngoài hiện diện trên lãnh thổ của mình và Quân đội Campuchia cũng không có căn cứ trên bất kỳ vùng lãnh thổ nào ngoại trừ các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc”, - Thủ tướng Hun Manet nhấn mạnh.
Ông Hun Manet cũng tái khẳng định lập trường này tại Liên Hợp Quốc, đồng thời nhắc lại rằng các nỗ lực xây dựng năng lực của Hải quân và Không quân Campuchia chỉ tập trung vào việc bảo vệ đất nước Campuchia và đảm bảo sự ổn định của nước này.
Ông nhắc nhở: “Không có luật quốc tế nào cấm các nước hiện đại hóa năng lực quốc phòng và việc Campuchia tăng cường lực lượng vũ trang là nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định cả trong nước và khu vực”.

Campuchia không có ý định gây hấn

Ngoài Căn cứ Hải quân Ream, Thủ tướng Hun Manet nêu bật tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực của lực lượng Campuchia công tác, phục vụ trong khuôn khổ lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc để hội nhập hiệu quả với các quốc gia khác.
Chính phủ Campuchia đã thực hiện nhiều cải cách khác nhau để tăng cường năng lực của lực lượng vũ trang và nâng cao hiệu quả của họ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình.
Theo Thủ tướng Hun Manet, Campuchia là phải có một lực lượng quân sự hiện đại và được huấn luyện tốt để hoàn thành vai trò của mình trong các nỗ lực gìn giữ hòa bình quốc tế và bảo vệ chủ quyền của mình.
“Với sự phát triển của Căn cứ Hải quân Ream và việc tăng cường các năng lực quân sự khác, Campuchia đang khẳng định mình là nước tham gia tích cực vào các sáng kiến an ninh toàn cầu”, - chính quyền Phnom Penh cho biết.
Như Sputnik đã thông tin, căn cứ Hải quân Ream, nằm ở tỉnh Preah Sihanouk của Campuchia, có ý nghĩa chiến lược do nằm gần Vịnh Thái Lan.
Sự phát triển của căn cứ hải quân sẽ cung cấp cho Hải quân Campuchia cơ sở hạ tầng và nguồn lực được cải thiện để bảo vệ an ninh hàng hải và góp phần ổn định khu vực.
Việc Thủ tướng Hun Manet trấn an rằng Căn cứ Hải quân Ream sẽ không tiếp nhận các căn cứ quân sự nước ngoài phù hợp với cam kết của Campuchia trong việc duy trì chủ quyền và độc lập của mình.
Bằng cách nhấn mạnh bản chất phòng thủ của căn cứ và lực lượng vũ trang Campuchia, Thủ tướng Hun Manet mong muốn giảm bớt mọi lo ngại về ý định gây hấn.
Có phải Campuchia không cho tùy viên quân sự Mỹ vào lãnh thổ cảng Ream?
Việc Campuchia tập trung vào việc tăng cường năng lực phòng thủ phản ánh cam kết của nước này trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình và ổn định.
Với sự phát triển của Căn cứ Hải quân Ream và những nỗ lực cải cách đang diễn ra, lực lượng vũ trang Campuchia sẽ được chuẩn bị tốt hơn để giải quyết những thách thức an ninh ngày càng gia tăng, cũng như đóng góp cho các nỗ lực gìn giữ hòa bình quốc tế.
“Chúng tôi muốn nhắc lại những nỗ lực xây dựng năng lực của Hải quân và Không quân Campuchia, chỉ nhằm mục đích bảo vệ đất nước Campuchia và không gây chiến với bất kỳ bên nào”, - nhà lãnh đạo Campuchia tuyên bố.

Việt Nam phản ứng khôn khéo

Từng xuất hiện lo ngại về “thế gọng kìm” hình thành ở phía nam Biển Đông, nếu Trung Quốc thực sự hiện diện quân sự tại Căn cứ Hải quân Ream, vốn nằm tương đối gần đảo Phú Quốc của Việt Nam, có thể gây ảnh hưởng đến tương quan tam giác quan hệ Trung Quốc – Campuchia – Việt Nam.
Thật kỳ lạ, bên ồn ào nhất lại chính là Mỹ. Asia Times từng chỉ ra rằng, các quan chức Mỹ dường như chính là những người say sưa tranh luận nhất về căn cứ hải quân Campuchia (Ream) được cải tạo với sự hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc.
Lầu Năm Góc cùng giới chức Mỹ lo Ream có thể sớm trở thành một căn cứ lâu dài của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), từ đó, tạo dựng cho Bắc Kinh một mạn sườn quân cảng hoàn hảo phía nam Biển Đông để “tình báo, giám sát và bao vây” theo dõi mọi thứ “ra vào” Phú Quốc (Việt Nam), căn cứ Hải quân Sattahip (Thái Lan) cũng như hoạt động quân sự của tất cả các bên trong khu vực – như quan điểm của một nhà nghiên cứu từ Đại học Chiến tranh Quốc gia Washington (thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ điều hành) từng gây tranh cãi.
Chuyên gia: Trung Quốc cần căn cứ hải quân ở Campuchia để chống lại AUKUS
Thế nhưng, không có gì đáng ngạc nhiên khi Việt Nam, quốc gia kín tiếng được cho là có nguy cơ bị ảnh hưởng nhất bởi sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Campuchia, lại phản ứng rất thận trọng, bình thản, và khôn khéo trước những tin lan truyền thiếu căn cứ về thỏa thuận “căn cứ bí mật giữa Trung Quốc và Campuchia”.
Việt Nam không để bị kích động hay khiêu khích bởi các luận điệu của giới quan chức phương Tây về nguy cơ tiềm tàng đến từ căn cứ Ream, dựa trên mối quan hệ láng giềng tốt đẹp Hà Nội đang duy trì với cả Bắc Kinh và Phnom Penh.
Hồi tháng 6/2022, khi bình luận về sự kiện Trung Quốc và Campuchia đã động thổ dự án cải tạo căn cứ hải quân Ream thuộc tỉnh Sihanoukville, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại rằng:
“Quan điểm nhất quán của Việt Nam là Việt Nam luôn mong muốn duy trì và củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên toàn thế giới, đồng thời việc hợp tác giữa các quốc gia đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như toàn thế giới”.
Trước đó, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia nhấn mạnh, căn cứ hải quân Ream rất nhỏ, việc nâng cấp cải tạo cũng chỉ nhằm để bảo vệ quốc gia, lãnh thổ và chủ quyền.
Chỉ huy Căn cứ Ream Campuchia và Vùng 5 Hải quân VN rút kinh nghiệm tuần tra chung
“Hiện đại hóa căn cứ hải quân Ream là một chiến lược quan trọng đối với sự phát triển của lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia, phù hợp với chiến lược đã được nêu trong Sách Trắng mà Bộ Quốc phòng Campuchia công bố trước đó”, - tướng Tea Banh nói.
Lưu ý về căn cứ Hải quân Ream, Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền - Samdech Techo Hun Sen - từng cam kết rằng, Campuchia không cho phép đặt căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Campuchia, trên cơ sở tuân thủ chặt chẽ Hiến pháp đất nước.
Ông Hun Sen khẳng định, Campuchia cũng sẽ không đi với nước này để chống nước khác.
Tất cả những gì Campuchia đang làm đều chỉ là nỗ lực tự nâng cao năng lực phòng thủ tự vệ, đảm bảo hòa bình, an ninh và thịnh vượng của chính đất nước mình cũng như khu vực.
Thảo luận