Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh nhập khẩu than từ Nga

Nhờ Chiến lược Năng lượng của Nga giai đoạn đến 2035, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn năng lượng sơ cấp (trong đó có than) từ phía Đông của Nga. Vấn đề là Việt Nam sẽ khắc phục những điểm yếu của mình và vượt qua những thách thức như thế nào. Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích cực hợp tác với Nga.
Sputnik
Theo dữ liệu của công ty phân tích Kpler, trong năm 2023, các công ty Nga đã tăng nguồn cung cấp than cho các nước Đông Nam Á thêm 47% lên tới 13,1 triệu tấn. Việt Nam tăng nhập khẩu than Nga gấp 1,8 lần lên tới 3,9 triệu tấn, Malaysia tăng 18% tới 3,8 triệu tấn và Indonesia tăng 1,7 lần lên tới 3,4 triệu tấn.

Việc xuất khẩu than của Nga sang các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á sẽ tiếp tục tăng

Năm 2022, trong bối cảnh thắt chặt các lệnh trừng phạt chống Nga do Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina, bao gồm cả lệnh cấm cung cấp than của Nga cho Liên minh châu Âu (EU), các công ty khai thác than của Nga bắt đầu chuyển hướng nguồn cung từ châu Âu sang châu Á.

“Việc cung cấp than năng lượng (dùng để sản xuất điện và sưởi ấm) của Nga từ các cảng Tây Bắc sang các nước châu Á, trong đó có các nước Đông Nam Á, bắt đầu tăng từ năm 2022. Trong bối cảnh giá than cao, ngay cả chi phí hậu cần khổng lồ cũng khiến những chuyến hàng như vậy có lãi, đặc biệt khi nó không liên quan đến Trung Quốc mà là Ấn Độ”, - TS kinh tế Lê Hóa nói với Sputnik.

Do lệnh cấm vận của Châu Âu đối với việc nhập khẩu than từ Nga được áp dụng từ ngày 10/8/2022, khối lượng xuất khẩu của Nga đã giảm 7,5% vào năm 2022. Đồng thời, giá cao khiến xuất khẩu than sang Trung Quốc tăng mạnh. Theo số liệu của Bộ Năng lượng LB Nga, khối lượng than Nga xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2023 đạt khoảng 102 triệu tấn, năm 2022, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 67 triệu tấn, như vậy, tăng trưởng nguồn cung năm 2023 là gần 52%.
Việt Nam có thể thanh toán với Nga bằng tiền rúp kỹ thuật số trong tương lai?
Các chuyên gia Sputnik phỏng vấn nhấn mạnh rằng, than Nga có ưu thế lớn là chi phí sản xuất thấp. Do đó, các công ty của Nga có thể hoạt động trong một thời gian ngay cả khi không có lợi nhuận. Các đối thủ cạnh tranh có chi phí khai thác, chế biến than cao hơn và có thể bị loại khỏi thị trường một phần hoặc hoàn toàn tùy thuộc vào việc giá than thấp kéo dài bao lâu, điều này sẽ làm giảm nguồn cung than và khiến giá lại tăng.

“Cuộc khủng hoảng vẫn chưa ảnh hưởng đến việc xuất khẩu than cốc, than cốc vẫn được vận chuyển qua các cảng Viễn Đông nên có sức cạnh tranh hơn rất nhiều trên thị trường. Xuất khẩu theo hướng này tăng mạnh. Khối lượng xuất khẩu và sản xuất than vào năm 2023 xấp xỉ mức của năm 2022”, - TS kinh tế Lê Hóa phát biểu với Sputnik.

Theo Phó Thủ tướng Alexander Novak, những nỗ lực của nhà nước và các công ty than nhằm mục đích định hướng lại hơn nữa việc xuất khẩu than của Nga sang các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Với mục đích này, Nga lên kế hoạch hiện đại hóa tuyến đường sắt phía Đông, mà sẽ tăng khả năng chuyên chở của tuyến đường sắt Baikal-Amur và xuyên Siberia để xuất khẩu lên 180 triệu tấn mỗi năm (năm 2021 là 144 triệu tấn).

Việc tăng cường hợp tác với Nga trong lĩnh vực nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp là rất quan trọng

Theo Bộ Công Thương Việt Nam, xét về thị trường, Úc là nhà cung cấp than lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm với 18,2 triệu tấn, đạt trị giá hơn 3,02 tỷ USD, chiếm 39,2% tỷ trọng. Đứng thứ 2 là Indonesia, cung cấp cho Việt Nam hơn 17,3 triệu tấn than, tương đương 1,89 tỷ USD, chiếm 37,3% tỷ trọng.
Nga là thị trường đứng thứ 3. Trong tháng 11/2023, Việt Nam nhập khẩu than từ Nga hơn 729 nghìn tấn với trị giá 127,6 triệu USD, tăng mạnh 876% về lượng và tăng 676,8% về kim ngạch so với tháng 11/2022.
Việt Nam bất ngờ tăng nhập khẩu một mặt hàng của Nga hơn 500%
Trong 11 tháng đầu năm 2023, Việt Nam chi khoảng 789 triệu USD để nhập khẩu hơn 4,08 triệu tấn than từ Nga, tăng 97,2% về sản lượng và tăng 42% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 8,8% về lượng và 12,04% về kim ngạch. Giá xuất khẩu bình quân 11T/2023 là 193,2 USD/tấn, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2022.
“Nga có nguồn than rất dồi dào đóng góp một phần năng lượng quan trọng cho thế giới. Nga là quốc gia có trữ lượng than đứng thứ 3 và là nhà khai thác, sản xuất than lớn thứ 6 trên thế giới (chiếm đến 4,5% sản lượng khai thác than trên quy mô toàn cầu). Than Nga có giá cạnh tranh, chất lượng tốt (nhiệt trị cao, phù hợp với các nhà máy sản xuất ở Việt Nam, chất lượng than ngày càng cải thiện…), vì thế, việc nhập khẩu than từ Nga, theo tôi, trong năm 2024 và những năm tiếp theo, vẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh", - TS kinh tế Lê Hòa bình luận với Sputnik.
Trong thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu các nguồn năng lượng sơ cấp cho nền kinh tế của Việt Nam sẽ tăng mạnh. Vì thế, việc tăng cường hợp tác với Nga được đánh giá là có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết, Nga vẫn sẽ là nhà cung cấp lớn tầm thế giới; nhờ Chiến lược Năng lượng của Nga giai đoạn đến 2035, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các nguồn năng lượng sơ cấp từ phía Đông của Nga.
Nhưng việc nhập khẩu nguồn năng lượng từ Nga vào Việt Nam, trong đó có than, có một số điểm yếu nhất định: Ở Việt Nam, hạ tầng cơ sở và dịch vụ logistic chưa phát triển, không phù hợp với việc nhập khẩu than và các nguồn năng lượng khác, như khí hóa lỏng…
Tổng kết 2024 và Dự báo 2025
Việt Nam nằm trong Top 5 nước nhập khẩu ngũ cốc chính từ Nga
Ngoài những điểm yếu trên cần khắc phục, theo các chuyên gia về ngành năng lượng, Việt Nam còn đang đứng trước những thách thức rất lớn:

“Hiện nay, Việt Nam chưa có một thị trường năng lượng vận hành theo quy luật thị trường và có hiệu quả. Trong khi đó, thị trường năng lượng của Nga đã và đang chuyển đổi rất nhanh sang thị trường số; kinh nghiệm giao dịch trên thị trường than của các doanh nghiệp Việt Nam còn ít và Việt Nam khó có cơ hội và khả năng tham gia thị trường đầu tư năng lượng thế giới. Để khắc phục những điểm yếu và đối đầu được với những thách thức, Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ hơn, cụ thể hóa những thỏa thuận hợp tác với Nga trong lĩnh vực năng lượng. Được biết, đã mấy năm nay, Nga có ý định xây dựng ở Việt Nam một trung tâm trung chuyển các nguồn năng lượng ở Đông Nam Á, tại sao Việt Nam không tận dụng cơ hội này và làm việc tích cực hơn, chi tiết hơn với phía Nga, ngoài việc chỉ nói chúng tôi đánh giá cao, chúng tôi hoan nghênh…”, - PGS-TS Hoàng Giang phát biểu với Sputnik.

Thảo luận