Merle Ratner nổi tiếng với hành động treo khẩu hiệu phản chiến chống chiến tranh Việt Nam lên tượng Nữ thần Tự do (Statue of Liberty).
Merle Ratner qua đời vì tai nạn giao thông
Ngày 6/2, Merle Evelyn Ratner - nhà hoạt động cánh tả nổi tiếng người Mỹ và là người bạn thân thiết cho công lý và nền hoà bình Việt Nam, đã không may qua đời tại thành phố New York (Mỹ).
Chồng của bà Merle Ratner - Giáo sư Đại học New York Ngô Thanh Nhàn xác nhận, vợ mình qua đời vì tai nạn giao thông. Theo New York Post, Merle Ratner bất ngờ bị một chiếc xe tải rẽ trái tông trúng từ phía sau khi đang đi bộ qua đường quận Brooklyn, thành phố New York, Mỹ vào khoảng 19h ngày 5/2 (theo giờ địa phương).
Merle Evelyn Ratner nổi tiếng ở Mỹ và Việt Nam. Bà sinh năm 1956 ở Bronx, thành phố New York và xuất thân từ một gia đình người Do Thái.
Ratner là người đồng sáng lập và điều phối viên trong tổ chức “Vận động cứu trợ và trách nhiệm đối với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam – VAORRC” của khu vực New York.
Đây là một sáng kiến phi lợi nhuận nhằm nhấn mạnh rằng Chính phủ tôn trọng trách nhiệm đạo đức và pháp lý trong việc bồi thường cho tất cả nạn nhân nhiễm chất độc da cam – trả lại công lý cho nạn nhân nỗi đau da cam tại Việt Nam.
“Chính phủ Mỹ phải có trách nhiệm hỗ trợ cho Hiệp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) cũng như các hoạt động tại hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong giai đoạn tới”, Ratner từng phát biểu.
Từng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối các nhà sản xuất chất độc màu da cam, Ratner cho hay, phong trào này ở Mỹ có nhiệm vụ đặc biệt là buộc chính phủ phải thực hiện trách nhiệm của mình trong hàn gắn vết thương chiến tranh, hỗ trợ toàn diện cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và làm sạch các điểm nóng độc hại.
Do đó, theo bà: “Điều quan trọng nhất mà cộng đồng quốc tế cần làm là đoàn kết chính trị và tạo sức ép chính trị lên chính phủ Hoa Kỳ và các chính phủ phương Tây khác yêu cầu hỗ trợ trực tiếp cho các nạn nhân của chất độc da cam, phải đảm bảo rằng số tiền đó được chuyển trực tiếp đến các nạn nhân”.
Chống chiến tranh và đòi công lý cho Việt Nam
Với tình yêu đặc biệt và tinh thần phản chiến, phản đối chiến tranh Việt Nam, cùng chồng đã tham gia phong trào chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam trong thập niên 1960 và luôn tích cực thúc đẩy giao lưu nhân dân giữa hai nước.
Phản đối chiến tranh, Merle Ratner bày tỏ quan điểm ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, tham gia phong trào chống chủ nghĩa đế quốc thập niên 1970, 1980, và chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ hiện nay.
Đáng chú ý, Ratner từng xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam khi mới 13 tuổi và nổi tiếng với hành động treo khẩu hiệu phản chiến kêu gọi chính quyền dừng cuộc chiến tại Việt Nam lên tượng Nữ thần Tự do (Statue of Liberty).
Merle Ratner còn được biết đến với nhiều nỗ lực vận động quốc gia nhằm thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Mỹ kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, cũng như hỗ trợ cho nhiều hoạt động quốc tế của chính quyền Hà Nội.
Trong đời mình, Ratner từng nhiều lần tới Việt Nam, làm việc với các tổ chức đối ngoại nhân dân, phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Ratner có chồng là ông Ngô Thanh Nhàn, Giáo sư tại ĐH New York nổi tiếng với đóng góp trong việc mã hóa và chuẩn mã chữ quốc ngữ, chữ Nôm và chữ Chăm trên máy tính.
Bà Merle Ratner đã được trao tặng giải thưởng "Vì các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam" vào năm 2013; Kỷ niệm chương "Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam" năm 2010. Người Việt Nam biết và yêu mến bà vì những điều mà Ratner đã làm cho đất nước cách Mỹ nửa vòng trái đất.
Ông Ngô Thanh Nhàn cũng là Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn Di sản chữ Nôm tại Mỹ. Giống như Ratner, ông Nhàn đã tham gia phong trào chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam trong thập niên 1960 và là đồng điều phối viên của tổ chức VAORRC cùng với vợ.
Từng chia sẻ vì sao quyết liệt phản đối Mỹ tham chiến tại Việt Nam cũng như tích cực tham gia phong trào đòi công bằng cho các nạn nhân da cam Việt Nam, Merle Ratner từng bộc bạch:
25 Tháng Mười Hai 2023, 16:51
“Anh em ruột, chồng, con và cháu của nhiều người Mỹ bị bắt đi lính, họ ra đi và trở về trong cỗ quan tài với nhiều câu chuyện khác nhau. Từ đó, chúng tôi bắt đầu nhận thức được về tính phi lý của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và những câu chuyện về việc sử dụng bom hóa học như bom Napalm”.
Tại cuộc gặp gỡ với hai vợ chồng bà Merle Ratner và ông Ngô Thanh Nhàn vào tháng 3/2022, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã trân trọng cảm ơn những đóng góp không mệt mỏi của gia đình bà Merle Ratner đối với Việt Nam.
Đại sứ cũng khẳng định hai ông bà đã góp phần tăng cường mối quan hệ thân thiết giữa nhân dân Việt – Mỹ trong nhiều thập kỷ vừa qua.