Sputnik đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Ngọc Thắng và anh Đặng Đức Vinh, sinh sống và làm việc lâu năm tại Đức và Pháp, nơi đã có làn sóng biểu tình diễn ra mạnh mẽ từ năm ngoái kéo sang năm nay. Qua góc nhìn của họ, có thể phần nào hiểu thêm khía cạnh khác của châu Âu, nơi vốn được coi là biểu tượng của những thành phố hoa lệ và kinh đô ánh sáng.
Nước Đức tuyệt vọng
Ông Hồ Ngọc Thắng - nguyên chuyên viên cao cấp tại Cơ quan Di trú Liên bang, trực thuộc Bộ Nội vụ Liêng bang Đức, chia sẻ:
Tôi sống và làm việc đã hơn 40 năm ở Đức nhưng chưa bao giờ chứng kiến tình trạng biểu tình như hiện nay. Để hiểu rõ bản chất vấn đề, cần phân biệt chính xác các cuộc biểu tình đã và đang diễn ra. Trước tiên phải nhắc đến các cuộc biểu tình của nông dân nhằm phản đối chống lại chính sách nông nghiệp của chính phủ liên bang Đức và EU.
Trong quá khứ, nông dân Đức đã biểu tình, nhưng lần này với quy mô lớn hơn nhiều, còn kéo dài và rộng khắp từ các thành phố lớn đến vùng nông thôn. Cho đến nay, những người sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp ở Đức chỉ có thể tồn tại nhờ chính sách hỗ trợ giá. Ví dụ, họ mua dầu diesel với giá ưu tiên,... Nhưng chính phủ Đức muốn từ nay cắt giảm các khoản hỗ trợ và tiến hành các biện pháp pháp lý cứng rắn hơn nhằm bảo vệ môi trường. Trước làn sóng biểu tình mạnh mẽ, chính phủ Đức đã phải nhượng bộ và hứa xem xét lại các dự án đã dự định.
Trước sự tàn phá kinh khủng và tàn sát dã man ở Dải Gaza của quân đội Israel, một làn sóng biểu tình tác động to lớn đến suy nghĩ của người dân là các cuộc biểu tình đoàn kết với Palestine và lên án chính sách hiếu chiến của chính phủ Netanyahu. Với các cuộc biểu tình này, người dân ở Đức đồng thời lên án chính phủ liên bang Đức vì đã hỗ trợ và tiếp tay cho cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza về phương diện chính trị, ngoại giao và quân sư.
Điều đáng lưu ý, theo Hiến pháp Đức, người dân có quyền biểu tình. Nhưng thời gian qua, trong thực tế, quyền đó bị hạn chế rất nhiều khi người tổ chức xin phép tổ chức biểu tình ủng hộ người dân Palestine, cụ thể là chính quyền nhiều TP. và khu vực cấm không cho biểu tình.
Thời gian qua cũng có các cuộc biểu tình của cảnh sát Đức. Về điều này cần lưu ý, theo luật, công chức Đức không được phép tham gia biểu tình và đình công. Trong lực lượng cảnh sát có cả công chức và viên chức, vì vậy biểu tình của cảnh sát là biểu tình của các viên chức và phần lớn họ đòi tăng lương, giảm giờ làm việc và cải thiện điều kiện làm việc, giảm áp lực công việc. Các bác sĩ và nhân viên y tế khác cũng tổ chức với mục đích này.
Những tuần gần đây, ở khắp nước Đức cũng có nhiều cuộc biểu tình với khẩu hiệu “Vì dân chủ, chống phát xít”. Nhưng những cuộc biểu tình này cũng gây ra tranh cãi mạnh mẽ, bởi nhiều người cho rằng khái niệm “phát xít” đã và đang bị lạm dụng. Phần lớn, các cuộc biểu tình này được tổ chức bởi những người ủng hộ chính quyền và họ coi những ai phê phán chính quyền là thành phần “phát xít” hay “cực hữu”.
Dù ít hay nhiều, chắc chắn, ở một chừng mực nào đó, các cuộc biểu tình này đều có mối liên hệ nào đó với Moskva và Kiev. Sau khi Nga tiến hành hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraina. Theo đuôi Mỹ, chính phủ Đức đã thực hiện cuộc chiến kinh tế và tài chính chống Nga. Đức và các quốc gia thuộc khối phương Tay do Mỹ lãnh đạo đã hô hào chiến dịch làm “tàn lụi” nước Nga, như bà Ngoại trưởng Đức công khai công bố.
Thế nhưng, thực tế đang chứng minh điều ngược lại. Nga không chỉ mạnh lên về quân sự mà còn cả về kinh tế, trong khi đó, nền kinh tế Đức lao vào xu hướng suy thoái và tiến trình phi công nghiệp hóa đang được đẩy mạnh.
Vì lạm phát, chất lượng cuộc sống của người dân Đức đã giảm rất mạnh, một bộ phận người dân lao vào cảnh bần cùng. Qua đó, sự bất bình của người dân tăng vọt. Cho đến nay Đức hỗ trợ Ukraina tổng cộng 41 tỷ €, do đó chính phủ Đức phải thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” và cắt giảm các khoản chi tiêu cho an sinh xã hội và ngành nông nghiệp. Những cuộc biểu tình và đình công triền miên thời gian qua làm cho nhiều người dân khốn khổ và từ đó tác động đến ngành du lịch. Khi các TP. và đường cao tốc, sân bay chị chặn, chẳng ai muốn đi du lịch.
Nói chung, người dân ở Đức và các quốc gia khác ở tây Âu đang sống trong tâm trạng lo âu và bực bội vì bất lực. Không ai có thể hiểu và thông cảm cho việc chính quyền tiếp tục đổ tiền vào cuộc chiến không thể thắng của chế độ Zelensky.
Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính đã ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng người Việt Nam tại Đức. Người Việt ở đây sống chủ yếu bằng nghề kinh doanh. Hiện nay người Đức có ít tiền trong túi nên doanh thu của người Việt Nam theo đó cũng giảm mạnh. Ai đến các khu thương mại của người Việt Nam tại các thành phố ở Đức đều nhìn thấy, nhiều cửa hàng đã đóng cửa hàng vì làm ăn thua lỗ. Các chi phí lên cao, trong khi doanh thu giảm, kéo theo ít người trụ lại được.
Paris hoa lệ nay đang “rơi lệ”
Anh Đặng Đức Vinh (37 tuổi), làm việc và sinh sống tại Paris (Pháp) gần 20 năm cho hay:
Tại Pháp, người dân có “văn hóa” biểu tình. Hầu như năm nào tại Pháp cũng biểu tình. Tuy nhiên, những năm gần đây biểu tình liên tục, đặc biệt phải kể đến quy mô biểu tình của nông dân Pháp, từ cuối năm ngoái kéo dài đến tận bây giờ. Đây là làn sóng biểu tình rất lớn và ảnh hưởng nặng nề. Biểu tình liên quan đến ngành nông nghiệp mọi năm không thấy diễn ra tại Pháp.
Nông dân Pháp lái máy kéo, chở theo rơm rạ, cỏ khô,... từ các vùng nông nghiệp như Perpignan, Bordeaux đổ dồn về Paris. Họ chặn nhiều đường cao cốc và quốc lộ và cả vùng thủ đô Ile-de-France.
Nguyên nhân biểu tình được cho rằng, nông dân tại đây đang phải chịu tác động lớn từ việc tăng giá nhiên liệu và phân bón, cũng như các quy định xanh về việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, giảm khí thải nông nghiệp và thúc đẩy đa dạng sinh học...
Nước Pháp có nguy cơ rơi vào bất ổn mới, như đã từng xảy ra với phong trào "áo vàng". Bởi biểu tình của nông dân bắt đầu lan tới tận thủ đô và chưa biết khi nào kết thúc.
Ngoài ra, việc EU miễn hạn ngạch và thuế đối với hàng nhập khẩu của Ukraina, hay việc nhập khẩu nông sản giá rẻ từ Ukraina, bao gồm ngũ cốc, đường và thịt đã khiến giá lương thực trong nước giảm, tạo ra thị trường cạnh tranh không lành mạnh, khiến nông dân trong nước bất bình.
Về cuộc sống sinh hoạt của người Việt tại đây về cơ bản không bị ảnh hưởng nhiều bởi cuộc biểu tình này. Tuy nhiên, cho đến nay Chính phủ Pháp chưa có giải pháp cụ thể để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này. Nếu kéo dài kéo theo suy thoái kinh tế, khi đó, bữa cơm người Việt tại đây chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.