Ngoài vấn đề này, trong bài tổng quan truyền thống “Việt Nam trên báo chí nước ngoài” chúng tôi sẽ đề cập đến các chủ đề về hậu quả của chiến tranh, nền kinh tế và ngành du lịch.
Các thế lực thù địch, phản động đang gia tăng các hoạt động
Nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài đăng tải thông tin về cái gọi là Chỉ thị 24 do Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành tháng 7/2023 mà các phóng viên đã tiếp cận được. Văn kiện này bày tỏ mối quan ngại về các mối đe dọa được nhận thấy đối với an ninh quốc gia do ảnh hưởng của nước ngoài gây ra.
“Các thế lực thù địch, phản động đã lợi dụng quá trình hội nhập quốc tế để tăng cường các hoạt động phá hoại, tự diễn biến và tự chuyển hóa trong nước… để hình thành các liên minh, mạng lưới “xã hội dân sự”, “công đoàn độc lập”… tạo tiền đề cho sự hình thành của các nhóm đối lập chính trị nội bộ”, - Overclockers trích dẫn Chỉ thị 24.
Văn kiện đưa ra một loạt các biện pháp tổng thể nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và hạn chế các mối đe dọa đối với hệ thống chính trị trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Đảng phải “giám sát chặt chẽ” công dân Việt Nam đi nước ngoài. Chỉ thị này đưa ra những hạn chế đối với các loại hình tổ chức lao động được phép trong nước, kêu gọi kiểm soát chặt chẽ hơn viện trợ nước ngoài vào Việt Nam và tăng cường cảnh giác “để ngăn chặn những nỗ lực gây ảnh hưởng thông qua các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội”, - NPR viết về chủ đề này.
Còn Reuters viết rằng, Việt Nam dự kiến sẽ phê chuẩn trong năm nay công ước của Liên Hợp Quốc về tự do thành lập công đoàn, trong một động thái nhằm giảm thiểu rủi ro tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, động thái trên có thể khiến một số công ty nước ngoài cảm thấy bất an. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, vào năm ngoái tổng kim ngạch thương mại chiếm 160% GDP. Một trong những điểm hấp dẫn là mức chi phí lao động thấp. Nhưng, để tránh bị các đối tác trong nhiều hiệp định thương mại cáo buộc về cạnh tranh không lành mạnh, cần áp dụng các tiêu chuẩn của Liên hợp quốc về quyền của người lao động, trong đó có quyền tự do thành lập công đoàn.
Nikkei Asia đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam vào tuần tới để hội đàm về dự án đường sắt và truyền tải thông điệp về "cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc”.
Sụt giảm vào tháng Hai, nhưng tháng Một giúp khắc phục những khó khăn
Reuters đưa tin, vào tháng 2, cả sản lượng công nghiệp và xuất khẩu của Việt Nam đều giảm so với năm ngoái, nguyên nhân là do kỳ nghỉ Tết kéo dài và căng thẳng Biển Đỏ leo thang khiến chi phí giá cước vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam tăng 55-73%. Nhưng nhìn chung, trong hai tháng, xuất khẩu, nhập khẩu và sản lượng công nghiệp đều tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái nhờ mức tăng lớn vào tháng Một. The Register đưa tin rằng, chính phủ Việt Nam yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thành xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo trong tháng 5/2025 nhằm sớm đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám của Lực lượng Đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) - cơ quan liên chính phủ được thành lập vào năm 1989 tại Hội nghị thượng đỉnh G7.
Taiwan in Sight nêu bật mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Đài Loan. Từ 20 năm trước, Việt Nam đã thu hút nhiều doanh nhân Đài Loan trong các ngành truyền thống như dệt may, đóng giày, nội thất và đầu tư. Gần đây, các nhà máy điện tử Đài Loan và các thương hiệu quốc tế nổi tiếng cũng đã xuất hiện trên đất Việt, đầu tư của Đài Loan vào lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam ngày càng tăng. Kinh nghiệm của Đài Loan trong ngành bán dẫn và phát triển năng lượng tái tạo, cùng với vị trí chiến lược và sự hỗ trợ của chính phủ Việt Nam, mang lại cơ hội phát triển hợp tác trong các lĩnh vực này. Reuters đưa tin rằng, công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk và chính quyền Việt Nam tạm ngừng đàm phán về việc cung cấp dịch vụ liên lạc cho Việt Nam bằng vệ tinh Starlink, dẫn đến việc phía Mỹ ngừng hoạt động hỗ trợ máy bay không người lái cho Cảnh sát biển Việt Nam. Còn Nikkei Asia đưa tin, Chính phủ Việt Nam bày tỏ mong muốn được Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc (PowerChina) chuyển giao công nghệ bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư vào các công trình hạ tầng và năng lượng tại Việt Nam.
Hậu quả thảm khốc của chiến tranh
Asia News đăng một bài viết thú vị về những hậu quả của chiến tranh vẫn còn hiển hiện ở Việt Nam. Ước tính, số bom đạn sau chiến tranh để lại ở Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn, phần lớn tập trung tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, hơn 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Bài viết nói về nỗ lực rà phá bom mìn ở Việt Nam và việc chăm sóc nạn nhân bom mìn, bao gồm khám bệnh, phục hồi chức năng, đào tạo nghề và hỗ trợ sinh kế.
Khám phá vẻ đẹp đa dạng của Việt Nam
Khép lại mục điểm báo là thông tin về du lịch. Hindustan Times giới thiệu 25 điều thú vị nhất chỉ có ở Việt Nam, từ chuyến tham quan Địa đạo Củ Chi đến việc thưởng thức sân khấu Múa Rối nước và chuyến thăm Bảo tàng thế giới cà phê ở Buôn Ma Thuột.