Không đủ khả năng chiến đấu với Nga. Vì sao Mỹ mất dần ưu thế trên biển

Lầu Năm Góc trì hoãn thời hạn tiếp nhận một lớp tàu mới: chiếc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Constellation sẽ được chuyển giao cho hạm đội không phải vào năm 2026 mà là vào năm 2029. Nguyên nhân của sự chậm trễ là những sai sót trong thiết kế, các vấn đề với nhà cung cấp linh kiện, khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân có trình độ.
Sputnik
Những chi tiết về các vấn đề của ngành đóng tàu Mỹ - trong tài liệu của Sputnik.

Dự án châu Âu

Các tàu khu trục đã vắng mặt trong biên chế Hải quân Mỹ kể từ năm 2015, sau khi Lầu Năm Góc cho ngừng hoạt động chiếc cuối cùng trong số 51 chiếc tàu thuộc dự án Oliver Hazard Perry. Mỹ đã lên kế hoạch thay thế chúng bằng các tàu chiến đấu ven biển (tiếng Anh: Littoral combat ship, viết tắt là LCS) thuộc 2 lớp: lớp tàu Tự do (USS Freedom) và lớp tàu Độc lập (USS Independence) thậm chí bắt đầu được sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận ra rằng, những con tàu này mắc rất nhiều “căn bệnh thời thơ ấu” - từ thiết kế không hoàn hảo cho đến các vấn đề với động cơ chính. Kết quả là, Mỹ bắt đầu loại biên hàng loạt "lính ven biển" chỉ sau hơn 10 năm vận hành. Trên thực tế, hạm đội không còn tàu hộ tống hạng nhẹ.
Quá trình phát triển từ đầu lớp tàu mới mất quá nhiều thời gian, vì thế, vào năm 2018, Lầu Năm Góc đã chọn giải pháp khác. Mỹ đã công bố một cuộc cạnh tranh gói thầu về xây dựng tàu khu trục cho Hải quân Hoa Kỳ, và hai năm sau, công ty đóng tàu lớn nhất của Ý Fincantieri đã giành chiến thắng với dự án chế tạo tàu khu trục loại FREMM. Vào tháng 4 năm 2020, Hải quân Mỹ thông báo đã giao hợp đồng trị giá 795 triệu USD cùng tùy chọn thêm 9 tàu nữa cho công ty Ý Fincantieri để thiết kế và đóng chiếc tàu hộ vệ mang tên lửa dẫn đường đầu tiên thuộc thế hệ mới.
Kể từ đầu những năm 2010, mười chín tàu thuộc dự án FREMM đã được chế tạo cho hải quân Ý (lớp Carlo Bergamini) và hải quân Pháp (lớp Aquitaine). Hai lớp tàu này được thiết kế để chống tàu ngầm và phòng không, tiêu diệt tàu mặt nước và tấn công các mục tiêu mặt đất. Cấu trúc thượng tầng của cả hai lớp đều được chế tạo bằng công nghệ tàng hình, giúp giảm tín hiệu radar. Thiết kế của cả lớp Aquitaine và lớp Carlo Bergamini đều theo mô-đun - điều này cho phép nhanh chóng sửa đổi chiếc tàu cho một nhiệm vụ cụ thể. Lượng choán nước - 5.800 tấn.
Các tàu khu trục của Pháp và Ý có hình dáng giống nhau, nhưng có các hệ thống radar và phòng không, động cơ và vũ khí khác nhau. Ví dụ, tàu lớp Aquitaine của Pháp mang 16 tên lửa hành trình tấn công mặt đất SCALP , còn người Ý cho rằng, trang bị hai pháo hạm cỡ nòng 127 và 76 mm cho tàu lớp Carlo Bergamini là đủ, nên trên khinh hạm của họ có khoảng ở mũi tàu dành riêng cho phòng không vẫn còn trống.
Chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina
Lần đầu sử dụng tổ hợp phòng không hải quân «Pantsir-M» trong khu vực chiến dịch đặc biệt

Lớp tàu của Ý

Lớp tàu Carlo Bergamini của Ý được chọn làm cơ sở cho tàu khu trục đầy hứa hẹn của Mỹ thuộc dự án Constellation. Vào tháng 8 năm 2022, tại nhà máy đóng tàu Fincantieri Marinette Marine Shipyard ở Marinette (Wisconsin) đã diễn ra lễ cắt thép đóng chiếc tàu đầu tiên thuộc dự án này. Song, các chuyên gia Mỹ cho rằng, chỉ sao chép thiết kế của Ý là chưa đủ nên họ đã đưa ra những thay đổi vào dự án ban đầu.
Khinh hạm của Mỹ có lượng giãn nước toàn tải 7.300 tấn, chiều dài tối đa 151,18 mét và chiều rộng 19,81 mét. Lần đầu tiên trong Hải quân Hoa Kỳ, tàu sẽ sử dụng hệ thống động lực kết hợp diesel – điện và tuabin khí (CODLAG). Trên tàu có phiên bản hạng nhẹ của radar phòng thủ tên lửa và phòng không AN/SPY-6 hiện được lắp đặt trên các tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Arleigh Burke Flight III.
Tàu được trang bị hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng Mk 41 với 32 ống phóng thẳng đứng (với tên lửa tiêu chuẩn SM-2 Block IIIC, tên lửa tiêu chuẩn SM-6 ERAM và ESSM Block 2), 16 bệ phóng tên lửa chống hạm NSM, một hệ thống phòng không Mk 49 RAM Block 2 với 21 tên lửa, pháo 57mm Mk 110, các ống phóng ngư lôi 324mm. Tàu còn mang theo một trực thăng chống ngầm Sikorsky MH-60R Seahawk và một hoặc hai trực thăng không người lái Northrop Grumman MQ-8C Firescout.
Và đây không phải là danh sách đầy đủ những khác biệt giữa Carlo Bergamini và Constellation.

Những vấn đề phức tạp

Tóm lại, các chuyên gia Mỹ đã cố gắng nhồi nhét gần như tất cả những cải tiến hải quân của họ vào không gian vốn đã hạn chế của FREMM. Thay vì 85% các thông số kỹ thuật ban đầu trong nguyên mẫu của Ý, trong phiên bản của Mỹ chỉ còn lại 15% chỉ vì những yêu cầu quá đáng của Lầu Năm Góc đang cố gắng biến một chiếc tàu tương đối nhỏ thành “người lính vạn năng”.
Theo kế hoạch của Lầu Năm Góc, Constellation phải có khả năng tấn công các tàu mặt nước của đối phương ở cự ly vượt quá đường chân trời, phát hiện và tiêu diệt tàu ngầm, bảo vệ các tàu hộ tống, sử dụng các hệ thống đối phó điện tử chủ động và thụ động, đề kháng trước các cuộc tấn công của tàu mặt nước nhỏ, yểm trợ hỏa lực cho các cuộc đổ bộ. Danh sách tất cả các nhiệm vụ này phù hợp với tàu tuần dương hơn là tàu khu trục. Không có gì đáng ngạc nhiên khi công ty đóng tàu phải đối mặt với những vấn đề và hạn chế nghiêm trọng.
Thứ nhất, ngành đóng tàu chiến của Hoa Kỳ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng thiếu lao động càng trở nên trầm trọng hơn do sự cạnh tranh giữa các ngành công nghiệp chính để giành lấy công nhân lành nghề. Các nhà máy đóng tàu chỉ đơn giản thiếu chuyên gia.
Liên minh mới của các nước Thái Bình Dương sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng
Ngoài ra, nhà máy đóng tàu Marinette còn khá trẻ và chỉ có kinh nghiệm đóng tàu chiến ven biển chứ không phải tàu khu trục. Thứ hai, đại dịch coronavirus đã làm gián đoạn nhiều chuỗi sản xuất và đứt gãy chuỗi cung ứng cho chương trình Constellation. Thứ ba, do những thay đổi trong dự án giá trị hai cặp khinh hạm đầu tiên của lớp ước tính vào khoảng 1,3 tỷ USD.
Nhưng vấn đề chính là ở chỗ: trên thực tế, người Mỹ đã quên cách đóng tàu cho cuộc hải chiến với đối phương có sức mạnh ngang bằng hoặc gần như ngang bằng. Nguyên nhân chính là do trong gần 30 năm hoàn toàn vắng bóng các đối thủ trên biển. Cả một thế hệ sĩ quan và nhà thiết kế đã lớn lên, quen với việc Hoa Kỳ không còn phải chiến đấu “như người lớn” và kẻ thù chính của nước này là những chiến binh được trang bị yếu. Ngoài ra, mong muốn nhồi nhét tất cả những gì tốt nhất vào một dự án có triển vọng làm gia tăng thời gian để hoàn thành nhiệm vụ và làm giảm số lượng tàu. Một ví dụ nổi bật là các tàu khu trục Zumwalt cực kỳ hiện đại, mà Lầu Năm Góc đã đầu tư hàng tỷ USD và mất nhiều năm để nghiên cứu và phát triển, nhưng cho đến nay, Hải quân Mỹ có trong biên chế tổng cộng 3 tàu.
Trong cuộc hải chiến quy mô lớn, số lượng tàu trở nên quan trọng hơn nhiều so với tính độc đáo và những trang bị tối tân nhất. Bắc Kinh hiểu rõ điều này, và Washington coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất. Các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc từ lâu đã vượt qua các nhà máy đóng tàu của Mỹ về năng suất, nước này thường xuyên hạ thủy những con tàu tương đối rẻ tiền, đơn giản nhưng hiệu quả.
Thảo luận