Bộ Ngoại giao Nga cũng đưa ra một số tuyên bố cứng rắn. Đặc biệt, Nga đang nối lại việc phát triển và sản xuất tên lửa tầm trung và tầm ngắn để đáp trả những hành động tương tự của Mỹ. Về triển vọng và thách thức trong vòng xoáy căng thẳng mới - trong tài liệu của Sputnik.
Hành động chiến thuật
Ngày 6 tháng 5, Tổng thống Vladimir Putin chỉ thị cho Bộ Tổng tham mưu chuẩn bị cho cuộc tập trận sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược. Thông cáo báo chí chính thức của Bộ Quốc phòng cho biết, các đơn vị tên lửa của Quân khu phía Nam cũng như hàng không và hải quân sẽ tham gia cuộc tập trận. Trên lãnh thổ Quân khu phía Nam đang diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt, nên tín hiệu từ lãnh đạo Nga gửi đến NATO là rất rõ ràng: Nga cảnh báo hậu quả nếu bất kỳ bên nào can thiệp vào cuộc chiến ở Ukraina.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích: đây là câu trả lời trước tuyên bố của Ngoại trưởng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Nghị sĩ Mỹ Hakeem Jeffries. Ngoại trưởng Cameron nói rằng, London coi việc chính quyền Kiev sử dụng vũ khí của Anh để tấn công lãnh thổ Nga là hợp pháp. Ông Macron công khai thảo luận về khả năng đưa quân đội Pháp đến khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt. Còn nghị sĩ Mỹ tuyên bố, Washington có thể điều quân đến Ukraina trong trường hợp Kiev thất bại trong cuộc xung đột với Nga.
Cuộc tập trận lực lượng hạt nhân phi chiến lược cho thấy điều gì sẽ xảy ra với quân đội NATO nếu họ đối đầu trực tiếp với Nga trên chiến trường. Kẻ thù tiềm năng đang cảm thấy lo ngại trước những điều chưa biết. Thực tế là, không giống như vũ khí hạt nhân chiến lược, vũ khí hạt nhân chiến thuật không được Hiệp ước START quy định và không cần thiết phải tính đến chúng. Do giữ bí mật nghiêm ngặt nên rất khó xác định chính xác Matxcơva có bao nhiêu đơn vị vũ khí hạt nhân chiến thuật, nơi cất giữ và phương tiện vận chuyển nào có thể được sử dụng.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật (TNW) có thể được bắn từ máy bay và tàu, đây là đầu đạn tên lửa cấp tác chiến và chiến thuật, đạn pháo, mìn và ngư lôi.
Chúng được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu lớn và nơi tập trung lực lượng của đối phương trên tiền tuyến và ở hậu phương gần tiền tuyến. Sự khác biệt chính so với vũ khí hạt nhân chiến lược là sức công phá được đo bằng TNT. Nếu vũ khí hạt nhân chiến lược hạ gục kẻ thù bằng quả bom có sức công phá từ hàng trăm kiloton đến vài megaton, thì vũ khí hạt nhân chiến thuật - từ 1 đến 50 kiloton. Sức công phá này cũng rất lớn - xin nhắc lại rằng, quả bom được thả xuống Hiroshima có sức công phá 15 kiloton.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ nhất là đạn pháo 3BV3 152mm được đưa vào sử dụng năm 1981. Nó được thiết kế trên cơ sở đạn phân mảnh có sức nổ cao tiêu chuẩn dành cho pháo D-20, ML-20, pháo tự hành 2S3 Akatsiya và 2S5 Giatsint-S, lựu pháo kéo Giatsint-B. Sức công phá - 2,5 kiloton. Nó có thể được bắn đi từ các loại pháo cỡ nòng 152mm của Nga. Và đối phương không biết có bao nhiêu quả đạn pháo như vậy trong các kho quân sự đặc biệt.
Dưới thời Liên Xô, các cuộc tập trận của lực lượng hạt nhân phi chiến lược đã diễn ra theo mấy giai đoạn. Đầu tiên, đầu đạn hạt nhân được chuyển trực tiếp từ căn cứ lưu trữ đến quân đội. Sau đó - lắp ghép, kiểm tra và chuẩn bị kỹ thuật cho các đầu đạn trên phương tiện mang. Sau đó, cơ chế được Tổng tư lệnh tối cao chấp thuận, mở khóa, thực hiện nhiệm vụ bay và áp dụng vào thực tế.
Nga có kinh nghiệm
Ngay sau khi công bố cuộc tập trận, Bộ Ngoại giao Nga đưa ra tuyên bố cáo buộc Mỹ đưa tên lửa tầm trung vào làm nhiệm vụ chiến đấu. Nga có quyền thực hiện các biện pháp tương tự bằng cách tiếp tục phát triển và sản xuất các loại vũ khí như vậy. Tài liệu nêu rõ: “Có tính đến các hoạt động R&D đã tiến hành trước đó và những phát triển tích lũy trong tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga, quá trình này sẽ không mất nhiều thời gian”.
Nga đã tích lũy kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực này. Năm 1987, Liên Xô đã có 650 tên lửa RSD-10 Pioneer. Tất cả các tên lửa này đều bị loại bỏ theo Hiệp ước INF. Nhưng, tên lửa Pioneer với tầm bay từ 600 km đến 5.500 km có thể phá hủy bất kỳ căn cứ hoặc thành phố lớn nào của NATO ở châu Âu không quá mười phút sau khi phóng.
Tên lửa Pioneer đã được sản xuất với hai phiên bản - khối đơn (1,5 megaton) và mang nhiều đầu đạn (ba khối, mỗi khối 500 kiloton). Nó được đặt trong thùng vận chuyển trên khung bánh của máy kéo MAZ-547V. Do tính cơ động của nó nên tình báo NATO rất khó xác định được vị trí của tổ hợp này.
Để đề phòng, Bộ Ngoại giao cảnh báo: “Khi phải đưa ra các quyết định tiềm tàng về việc triển khai những loại vũ khí như vậy, chúng tôi sẽ tùy ý quyết định nơi sẽ triển khai chúng”.
Việc nối lại sản xuất tên lửa Pioneer tại một cơ sở thuộc Viện Kỹ thuật Nhiệt Matxcơva và việc đưa chúng vào làm nhiệm vụ chiến đấu là một lập luận mạnh mẽ chống lại sự can dự ngày càng tăng của phương Tây vào cuộc xung đột ở Ukraina. Thời gian bay ngắn của tên lửa đạn đạo góp phần làm cho cuộc đàm phán quốc tế mang lại kết quả tích cực, như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba từng cho thấy.
Lính Pháp xuất hiện ở Ukraina
Sự tham gia của các nước NATO vào cuộc xung đột là sâu rộng hơn so với những gì họ thừa nhận. Mới đây, tờ Asia Times dẫn lời cựu trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Stephen Bryan tiết lộ, Paris đã đưa 100 binh sĩ – chuyên gia pháo binh và tình báo - nhóm quân đầu tiên thuộc "Quân đoàn nước ngoài" của Pháp tới Ukraina. Họ có trụ sở tại Slavyansk. Tổng cộng, Macron có kế hoạch gửi một nghìn rưỡi chiến binh lê dương cho Lực lượng vũ trang Ukraina.
Paris phủ nhận việc đưa binh sĩ thuộc Quân đoàn nước ngoài tới Ukraina. Không thể nào khác được. Quân đoàn nước ngoài của Pháp không phải là tập đoàn quân sự tư nhân, không phải là một đội lính đánh thuê mà là một đơn vị của Lực lượng mặt đất trực thuộc Bộ Quốc phòng. Và nếu sự tham gia của Quân đoàn nước ngoài vào các trận chiến với quân đội Nga được xác nhận thì hậu quả chính trị sẽ rất nghiêm trọng.
Từ quan điểm quân sự, lính lê dương không có gì đặc biệt. Đây là bộ binh hạng nhẹ di chuyển trên các phương tiện có bánh, không có xe tăng, không có pháo hạng nặng và trực thăng, họ chưa có kinh nghiệm tham gia chiến tranh hiện đại với đối phương có sức mạnh ngang bằng hoặc tương tự trên chiến trường châu Âu. Trên thực tế, ngày nay chỉ có Nga và Ukraina có kinh nghiệm như vậy.