Vào đầu tháng 5 năm 1972, tất cả các con tàu này đã bác bỏ tối hậu thư của Mỹ buộc không hoàn tất việc dỡ hàng và rời khỏi cảng, khi người Mỹ dự định rải thủy lôi ở lối ra biển từ cảng Hải Phòng. Nhưng tàu Michurin đến Hải Phòng sớm hơn so với những tàu khác - không phải vào tháng 4 mà là vào tháng 1 năm 1972. Con tàu vận chuyển hàng hóa quân sự: đạn dược và tàu phóng lôi. Việc dỡ hàng đòi hỏi phải đặc biệt cẩn trọng, do đó đã kéo dài thời gian lưu cảng. Các thủy thủ đã chứng kiến những vụ đánh bom thảm khốc dữ dội của Mỹ ném xuống Hải Phòng và khu vực lân cận. Mặc dù tàu hàng Liên Xô và tàu các nước khác đã trở thành một tấm khiên chắn cho cảng, bom đã phát nổ ngay gần họ không phải chỉ một lần. Ví dụ, ngày 26 tháng 6, các công nhân cảng Việt Nam chuyển đồng đội bị thương của mình đến tàu Michurin để được giúp đỡ. Bác sĩ của tàu đã lấy những mảnh bom ra khỏi lưng anh ta. Mặc dù tàu nước ngoài không phải là mục tiêu bị đánh bom, nhưng mối đe dọa đến tính mạng là có thật. Ví dụ, vào ngày 20 tháng 12, một quả bom đã đánh trúng tàu Joseph Conrad của Ba Lan - 4 thủy thủ thiệt mạng và 19 người bị thương. Các thủy thủ của tàu Michurin đã tham gia dập lửa và cứu giúp các nạn nhân.
Chứng cứ của thủy thủ Nga
Máy bay Mỹ mỗi ngày ném bom xuống thành phố và các vị trí của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thủy thủ Yuri Demchenko của tàu Michurin đặc biệt nhớ ngày 19 tháng 11 năm 1972 với 11 phi vụ ném bom.
"Máy bay, - như ông viết trong hồi ký của mình, - bay từng đàn theo kiểu làn sóng nối tiếp làn sóng, gieo rắc cái chết. Căn cứ quân sự, kho tàng và nhà cửa bốc cháy. Tên lửa phòng không, pháo cao xạ bắn lên gần như không ngừng. Hàng loạt cột khói màu đen nâu treo lơ lửng phía trên bãi biển và trên mặt biển. Tổn thất thương vong dân sự là rất cao. Tất cả điều này gây ra lòng căm hận trong chúng tôi đối với bọn xâm lược Mỹ".
Những ngày khó khăn nhất đối với các tàu bị phong tỏa là 11 ngày “ném bom Giáng sinh”, khi Mỹ huy động gần như toàn bộ máy bay chiến lược và chiến thuật trong khu vực Đông Nam Á để ném bom rải thảm hủy diệt xuống các thành phố lớn nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hà Nội và Hải Phòng. Trong suốt một tuần rưỡi, Hải Phòng đã nổi còi báo động 90 lần, thường là vào ban đêm, và máy bay Mỹ ném bom ồ ạt vào cảng và các khu vực xung quanh thành phố 13 lần.
"Hơn một lần, - ông Yuri Demchenko viết, - máy bay Mỹ bị bắn cháy ngay trước mắt tôi. Cùng với các đồng chí của mình tôi đã tham dự buổi họp báo tại Hà Nội, trong dịp đó chúng tôi thấy phi công Mỹ bị bắt và lắng nghe những lời sám hối của họ".
Yuri Demchenko nhớ lại mối quan hệ thân mật và thân thiện giữa thủy thủ với những cư dân người Việt trong thành phố, ở những nơi đôi khi họ có thể rời cảng đến với công nhân cảng và những người lính, đặc biệt với xạ thủ chống máy bay, pháo cao xạ của họ được bố trí hầu như ngay bên cạnh con tàu.
Vào đầu tháng 1 năm 1973, tàu Michurin lại thay đổi nhân sự và các thủy thủ, bao gồm cả Yuri Demchenko đã trở về Matxcơva bằng máy bay. Mỗi thủy thủ trở về nhà mang theo Huân chương "Hữu nghị" Việt Nam trao tặng. Cùng với các thành viên của thủy thủ đoàn mới, thợ lặn Liên Xô đã đến Hải Phòng - họ bắt đầu rà phá bom mìn từ bên trong cảng Hải Phòng. Và đến tháng 2, không đợi người Mỹ hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm rà phá làm sạch bom mìn do Mỹ thả xuống, tàu Dalniy của Liên Xô đã vào khu vực cảng Hải Phòng và tàu Tunguska bắt đầu dỡ hàng - tuyến đi Hải Phòng bắt đầu hoạt động trở lại.
Đội thủy thủ mới của tàu Michurin ở lại cảng Hải Phòng không lâu. Vào đầu tháng Ba, cuối cùng người Mỹ cũng bảo đảm việc đi lại an toàn qua các bãi thủy lôi. Như vậy đối với tàu Michurin, lần lưu cảng Hải Phòng kéo dài không phải 10 tháng như những con tàu bị phong tỏa khác, mà là 14 tháng. Ông Yuri Demchenko viết, sau Chiến thắng, con tàu một lần nữa đến với cảng Hải Phòng, nhân viên làm việc trên cảng và cư dân thành phố hân hoan chào đón họ với niềm vui đặc biệt. Và cũng với tấm lòng như vậy đối với tất cả tàu khác đã ở lại bến cảng trong cuộc bao vây. "Các bạn đã cứu cảng!" - người Việt Nam tỏ lòng biết ơn với thủy thủ.
Ngày 1 tháng 7 năm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu phần tiếp theo của loạt bài “Những trang sử vàng”.