Cục Du lịch bày tỏ quan điểm, kết quả xếp hạng chỉ số do WEF công bố chưa phản ánh thật sự chính xác tác động của du lịch Việt Nam đến phát triển kinh tế - xã hội.
“Báo cáo chưa đánh giá đầy đủ”
Mới đây, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã có báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2024. Theo báo cáo này, nhiều nước khu vực Đông Nam Á bị tụt hạng, trong đó Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2021.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, báo cáo được tái thiết kế gồm 5 nhóm, 17 chỉ số trụ cột và 102 chỉ số thành phần, trong đó có những thay đổi khá quan trọng. Điều này đã dẫn đến những thay đổi về kết quả xếp hạng các chỉ số của mỗi nền kinh tế.
Theo đó, chỉ số tác động kinh tế - xã hội của du lịch Việt Nam chỉ đứng thứ 115/119 nền kinh tế được xếp hạng.
Điều này khá bất ngờ vì thời gian gần đây, ngành du lịch luôn là điểm sáng, có đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế Việt Nam.
Chỉ số tác động kinh tế - xã hội của du lịch đo lường những tác động lan tỏa của du lịch đến kinh tế - xã hội, bao gồm việc làm, thu nhập, bình đẳng giới... Chỉ số mới giúp đánh giá tách bạch hơn những đóng góp trực tiếp của du lịch thông qua nguồn thu từ du khách và sự lan tỏa của du lịch đến kinh tế - xã hội.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhấn mạnh, xếp hạng chỉ số này chưa phản ánh thật sự chính xác sự tác động của ngành du lịch Việt Nam đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong các báo cáo tình hình kinh tế - xã hội hằng tháng, quý, năm của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lĩnh vực du lịch, dịch vụ thường xuyên là điểm sáng của nền kinh tế, đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo động lực thúc đẩy nhiều ngành, lĩnh vực khác.
"Kết quả xếp hạng chỉ số này chưa phản ánh thật sự chính xác tác động của du lịch Việt Nam đến phát triển kinh tế - xã hội, có thể do diễn đàn chưa có đầy đủ dữ liệu thống kê cập nhật về du lịch Việt Nam”, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam khẳng định.
WEF điều chỉnh chỉ số đánh giá
Báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu 2021 lần đầu tiên được WEF công bố là sự thay đổi lớn của tổ chức này sau 15 năm áp dụng Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch.
Sự điều chỉnh này đến từ việc Diễn đàn Kinh tế thế giới thay đổi cách tiếp cận theo hướng phát triển bền vững sau những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Chỉ số này được thiết kế theo 5 nhóm với 17 chỉ số trụ cột và 112 chỉ số thành phần. Tuy nhiên, năm 2024, một lần nữa WEF lại tái thiết kế Chỉ số năng lực phát triển du lịch năm 2024 gồm 5 nhóm, 17 chỉ số trụ cột và 102 chỉ số thành phần, trong đó có những thay đổi khá quan trọng.
Theo đó, chỉ số cũ "Mức độ mở cửa quốc tế" đã được thay thế bằng chỉ số mới "Mức độ mở cửa du lịch", tập trung hơn rất nhiều vào các chính sách tạo thuận lợi cho du lịch quốc tế, gồm: Yêu cầu về thị thực nhập cảnh; Số lượng thỏa thuận về hàng không; Chỉ số về lòng hiếu khách; Chỉ số uy tín về hộ chiếu.
Chỉ số cũ "Sự bền vững về kinh tế-xã hội" được thay thế bằng chỉ số mới "Tác động kinh tế-xã hội của du lịch", với mục đích đo lường những tác động lan tỏa của du lịch đến kinh tế-xã hội như việc làm, thu nhập, bình đẳng giới...
Chỉ số mới này giúp đánh giá tách bạch hơn đóng góp trực tiếp của du lịch thông qua nguồn thu từ khách du lịch và đóng góp lan tỏa của du lịch đến kinh tế và xã hội.
Ngoài ra, một số chỉ số được đổi tên như: nhóm "Cơ sở hạ tầng" được đổi tên thành "Cơ sở hạ tầng và Dịch vụ", chỉ số "Hạ tầng dịch vụ du lịch" được đổi tên thành "Hạ tầng và Dịch vụ du lịch" để phản ánh mối liên hệ giữa hạ tầng du lịch (ví dụ như phòng lưu trú) với yếu tố đầu tư và năng suất, qua đó phản ánh chất lượng dịch vụ du lịch.
Hoặc như chỉ số "Sức ép và tác động của nhu cầu du lịch" cũng được đổi tên thành "Sự bền vững của nhu cầu du lịch" để thể hiện rõ hơn nội hàm của chỉ số này.
Định hướng cải thiện chỉ số năng lực phát triển du lịch Việt Nam
Cục Du lịch quốc gia cũng nêu ra phương hướng nhằm cải thiện chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam.
Theo đó, ngành du lịch cần phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ số liệu cập nhật về du lịch Việt Nam cho WEF để đánh giá đúng hơn về tác động kinh tế - xã hội của du lịch.
Các địa phương, doanh nghiệp cần tiếp tục phát huy thế mạnh nổi trội của Việt Nam về cạnh tranh giá, tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, độ an toàn, an ninh. Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy các giá trị đặc sắc về di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên ở các địa phương.
Với những chỉ số bị tụt hạng nhiều như chỉ số hạ tầng hàng không, Cục Du lịch quốc gia kiến nghị ngành hàng không tiếp tục nâng cao năng lực phục vụ vận tải hành khách, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng số lượng ghế, mở rộng mạng bay trong và ngoài nước, giảm giá vé máy bay để đáp ứng nhu cầu du khách.
Để giải quyết một số hạn chế cố hữu tồn tại qua nhiều kỳ báo cáo như chỉ số y tế và vệ sinh, sự bền vững về môi trường, Cục cho rằng cần có những giải pháp thiết thực, nhanh chóng.
Theo đó, các địa phương cần quyết liệt vào cuộc, triển khai các biện pháp bảo đảm vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh tại điểm đến theo phương châm “sản phẩm đặc sắc - dịch vụ chuyên nghiệp - thủ tục thuận tiện, đơn giản - giá cả cạnh tranh - môi trường vệ sinh sạch, đẹp - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện” như Nghị quyết 82 của Chính phủ đã nêu.
Theo khung đánh giá mới, nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cũng bị tụt hạng, ví dụ như Thái Lan giảm 12 bậc, Singapore giảm 4 bậc, Malaysia giảm 2 bậc, Campuchia giảm 1 bậc. Các nước Indonesia, Lào giữ nguyên hạng. Riêng Philippines tăng 1 bậc trên bảng xếp hạng.