Chuyến thăm của Tổng thống Putin sẽ giúp củng cố quan hệ Việt - Nga

Mặc dù mùa nghỉ hè đã bắt đầu nhưng tuần vừa qua vẫn khiến chúng ta hài lòng với những bài viết thú vị trên các phương tiện truyền thông Nga và nước ngoài về chủ đề chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam, về nền kinh tế và du lịch.
Sputnik
Chúng tôi sẽ giới thiệu với các bạn những điều đó trong bài đánh giá diễn ra thường xuyên theo truyền thống mang tên “Việt Nam trên báo chí nước ngoài” của chúng tôi.

Việt Nam mong muốn có quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước

Báo chí và các hãng thông tấn nước ngoài đang bình luận về một bài viết trên tờ báo kinh doanh hàng đầu của Nga là tờ Vedomosti về chuyến thăm Triều Tiên và Việt Nam sắp tới của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6. Tại Hà Nội, Tổng thống Nga dự kiến ​​sẽ thảo luận với giới lãnh đạo Việt Nam về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, quân sự, giáo dục, giải quyết các khoản thanh toán lẫn nhau và thiết lập các dòng khách du lịch. Ông Dmitry Mosykov, nhà nghiên cứu Phương Đông của Nga tin rằng chuyến thăm của Tổng thống Putin có thể “thiết lập lại” mối quan hệ giữa hai nước, nhưng Washington sẽ tìm mọi cách, bao gồm cả việc đe dọa trừng phạt thứ cấp, để ngăn chặn điều này. Để khởi động lại mối quan hệ, cần thực hiện một số dự án song phương lớn như xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên mà chính quyền Việt Nam đã quyết định không khởi công nữa sau vụ tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản. Nhưng, bất chấp những khó khăn kinh tế hiện tại, về mặt địa chính trị, Việt Nam vẫn tiếp tục là một trong những đồng minh đáng tin cậy của Matxcơva, ông Dmitry Mosykov tin tưởng như vậy. Và tân Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm là người có quan hệ tốt với Nga, sẽ có thể tạo thêm động lực cho các mối quan hệ này, tờ Vedomosti viết.
Việt Nam trông đợi chuyến thăm của Tổng thống Putin
Phù hợp với quan niệm đa dạng hóa quan hệ quốc tế, tại cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Hà Nội, Chủ tịch nước Tô Lâm kêu gọi mở rộng hợp tác Việt - Mỹ trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, Reuters đưa tin. Tờ South China Morning Post trích dẫn một tuyên bố khác của tân Chủ tịch nước Việt Nam rằng quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu nhưng hai nước phải tôn trọng chủ quyền và lợi ích hàng hải của nhau. Tờ Maritime Executive viết về việc Việt Nam phản đối mạnh mẽ hoạt động trái phép của tàu Hải Dương 26 Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhiệm vụ chính của con tàu này là khảo sát các đảo và rạn san hô ở Biển Đông và đánh giá hiện trạng, tài nguyên, vấn đề bảo vệ và sử dụng chúng để “tăng cường quản lý và phát triển các vùng biển và các đảo” cũng như hỗ trợ công việc “xây dựng công trình biển”.

Chống tham nhũng, lao động trẻ em và buôn bán người

Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP) đã dành một bài viết lớn về chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam. Việc nâng cấp mối quan hệ Việt-Mỹ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện chủ yếu được quyết định bởi các ưu tiên kinh tế và công nghệ - đó là một bước tiến trong quan hệ song phương, nhưng không phải là sự chuyển hướng sang liên minh với Hoa Kỳ. Tương tự như vậy, chuyến thăm Hà Nội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12 năm 2023 đã củng cố mối quan hệ song phương nhưng không báo hiệu sự rời xa Hoa Kỳ. Do đó, trái ngược với suy đoán của giới truyền thông, quan hệ đối tác mới của Việt Nam “không nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc” mà là đỉnh cao của chính sách đa dạng hóa lâu dài của Việt Nam, ấn phẩm này cho biết. Ngoài ra, nhiều thay đổi trong lãnh đạo cấp cao không ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Việt nam: nếu một nhà lãnh đạo từ chức hoặc được thay thế, chính sách tập thể vẫn không thay đổi.
Cuộc chiến chống tham nhũng, chống suy thoái và diễn biến hòa bình vẫn sẽ tiếp diễn
Và Viện ISEAS đã công bố một nghiên cứu về chính sách của chính phủ ở các tỉnh. Chính phủ đã áp dụng các biện pháp kỷ luật, chính sách luân chuyển cán bộ và cải cách thể chế nhằm hạn chế sự phân tán quyền lực của các tỉnh và chuyển cán cân về phía chính quyền trung ương. Những cải cách này đã giúp chống lại sự lạm dụng quyền lực và tham nhũng tràn lan của giới chóp bu cấp tỉnh, nhưng cũng làm chậm quá trình ra quyết định vốn đã chậm chạp của cấp tỉnh, làm tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh tế xã hội tại địa phương. Trong tương lai, Việt Nam phải cân bằng các nỗ lực chống tham nhũng với nhu cầu tự chủ của các tỉnh để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế địa phương, tác giả cho biết. Tờ The Star nhìn lại những tiến bộ của Việt Nam trong thập kỷ qua trong việc chống lao động trẻ em. Hiện tượng này đặc biệt phổ biến ở các vùng nông thôn và miền núi phía Bắc, vùng cao nguyên Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long, nơi điều kiện kinh tế kém phát triển và khả năng tiếp cận giáo dục còn hạn chế. Tờ Fair Planet viết về cách tổ chức phi chính phủ Blue Dragon (Rồng Xanh) đang giúp đỡ các gia đình nghèo ở tỉnh Điện Biên. Cùng với việc mở trang trại tại nhà hoặc kinh doanh nhỏ để mang lại thu nhập ổn định cho phụ huynh, tổ chức này còn cung cấp sách, đồng phục học sinh, ba lô, xe đạp cho học sinh để việc đi lại đến trường dễ dàng hơn. Tổ chức Blue Dragon đã lắp đặt 108 chiếc đèn sử dụng năng lượng mặt trời để giúp cải thiện an ninh và ngăn chặn nạn bắt cóc người để buôn bán.

Việt Nam sẽ mua cá từ Nga

Phần kinh tế của bài đánh giá lần này chỉ là phần nhỏ thôi. Tờ Fiber2Fashion trích dẫn dự báo của Ngân hàng United Oversea về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 6% trong quý 2 năm 2024 và cho cả năm. Tăng trưởng năm sau sẽ là 6,4%. Lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 3,8%. Reuters viết rằng Việt Nam đang xem xét sử dụng nhiều năng lượng xanh hơn nhưng hiện vẫn đang dựa vào than để tránh mất điện. Việc tiêu thụ điện dự kiến ​​sẽ đạt mức cao kỷ lục trong những tuần tới khi nước này chuẩn bị đón thêm nhiều đợt nắng nóng. Nhu cầu điện ngày càng tăng đang khiến Việt Nam ngày càng gặp khó khăn trong việc đáp ứng các cam kết về biến đổi khí hậu trong khi vẫn phải cung cấp đủ năng lượng đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư lớn. Việc sử dụng than đã tăng trưởng đáng kể trong 5 tháng đầu năm 2024, với các nhà máy nhiệt điện than chiếm trung bình 59% sản lượng điện và có những ngày vượt quá 70%.
Báo cáo mới về kinh tế Việt Nam
Tờ The Star đưa tin thực phẩm ăn liền của Việt Nam sẽ được miễn kiểm soát an toàn thực phẩm của Liên minh Châu Âu bắt đầu từ ngày 2 tháng 7 vì đã tuân thủ các quy định liên quan. Trang Yahoo Finance báo cáo doanh số bán ô tô mới tại Việt Nam đã tăng 13% trong tháng 5 năm 2024 so với tháng 5 năm trước, trong đó Hyundai là thương hiệu ô tô bán chạy nhất. Còn ấn phẩm Fish News của Nga viết về cuộc đàm phán giữa Công ty XNK Thủy sản “Thanh Hóa” của Việt Nam và các đối tác Nga về việc tổ chức xuất khẩu sản phẩm cá của Nga sang Việt Nam. Công ty này có kế hoạch mua các sản phẩm từ cá hồi, cá trích, cá minh thái, cá tuyết và các loại tài nguyên sinh vật thủy sinh khác của vùng Thái Bình Dương của Nga. Ngoài ra, còn có kế hoạch thành lập liên doanh trong lĩnh vực chế biến cá và hải sản tại Nga.

Tốt nhất của tốt nhất

Một trong những ấn phẩm du lịch hàng đầu là Travel and Leisure Asia giới thiệu những khách sạn, bể bơi, spa và các nhà điều hành khách sạn tốt nhất tại Việt Nam do độc giả bình chọn. Ấn phẩm viết: “Đường bờ biển dài vô tận, các thành phố được toàn cầu hóa nhanh chóng, có đủ số lượng các công viên quốc gia và địa điểm UNESCO - Việt Nam thực sự là một trong những điểm đến du lịch được yêu thích nhất trong khu vực”. Điều thú vị là trong số 10 khách sạn tốt nhất được độc giả bình chọn thì có 6 khách sạn nằm ở TP.HCM.
Thảo luận