Việt Nam triệu tập họp Quốc hội bất thường về nhân sự, ai có thể được bầu?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam vừa thông báo triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV để xem xét công tác nhân sự.
Sputnik
Trong đó, đáng chú ý, kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra ngày thứ Hai - 26/8 tới đây.

Quốc hội họp bất thường

Theo thông cáo mới nhất vừa được phát đi, Quốc hội Việt Nam sẽ triệu tập một cuộc họp bất thường để xem xét, kiện toàn nhân sự cấp cao.
Cụ thể, theo văn bản thông báo triệu tập kỳ họp bất thường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã thông tin Chương trình dự kiện của kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV.

“Căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 8, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết.

Kỳ họp diễn ra trong một ngày, bắt đầu từ 8h ngày 26/8 tại Nhà Quốc hội (Hà Nội).
Các ông Đặng Quốc Khánh và Chẩu Văn Lâm thôi Đại biểu Quốc hội

Có thể kiện toàn các chức danh quan trọng nào?

Kể từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội Việt Nam đã họp đến 7 kỳ họp bất thường.
Cần lưu ý rằng, số lượng kỳ họp bất thường bằng kỳ họp bình thường là một điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử Quốc hội của đất nước.
Hồi tháng 5, Quốc hội họp bất thường phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ. Trước đó, hồi tháng 3, quy trình tương tự cũng được tiến hành với chức danh Chủ tịch nước của ông Võ Văn Thưởng.
Sau các diễn biến vừa qua, hiện Quốc hội Việt Nam cần thực hiện kiện toàn một số chức danh trong Chính phủ.
Điển hình như vị trí Phó Thủ tướng mà ông Lê Minh Khái để lại sau khi đã được cho thôi Uỷ viên Trung ương Đảng. Như Sputnik đề cập trước đó, ngày 03/08/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định đồng ý cho thôi chức Bí thư Trung ương Đảng, ủy viên BCH Trung ương Đảng khoá XIII đối với ông Lê Minh Khái.
Đến 13/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quốc hội Việt Nam chuẩn bị kỹ cho phiên chất vấn 10 bộ trưởng, trưởng ngành
Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy, ông Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ đã vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ông Lê Minh Khái cũng được xác định đã vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và ngành Thanh tra.
Trong số các Phó Thủ tướng hiện nay, đồng chí Trần Lưu Quang cũng đã được Bộ Chính trị điều động, phân công giữ chức Trưởng Ban Kinh tế Trung ương hôm 16/8 theo Quyết định số 1488-QĐNS/TW của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, còn một số chức danh quan trọng khác của Chính phủ có thể được kiện toàn như việc Phó Thủ tướng Lê Thành Long hiện vẫn đang phải tiếp tục kiêm nhiệm Bộ trưởng bộ Tư pháp, hay như thực tế ghế Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn trống sau khi đồng chí Đặng Quốc Khánh đã được cho thôi Uỷ viên Trung ương Đảng trước đó.

Quốc hội họp bất thường đã là điều bình thường

Việc Quốc hội họp bất thường được xem là việc bình thường ở Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu cấp bách, quan trọng của đất nước.
Việc này cũng được thể hiện trong Hiến pháp. Theo khoản 2 Điều 83 của Hiến pháp. Quốc hội họp mỗi năm 2 kỳ, trường hợp Chủ tịch nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội yêu cầu thì Quốc hội họp bất thường, khi đó Uỷ ban Thường vụ Quốc hội triệu tập họp.
Trước đó, phát biểu về việc tổ chức kỳ họp bất thường, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cũng khẳng định đây là hoạt động bình thường của Quốc hội.
“Kỳ họp bất thường là vì quốc kế dân sinh, vì sự phát triển của đất nước. Việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội mà để 6 tháng sau mới giải quyết thì tốc độ phát triển của đất nước sẽ chậm đi ít nhất 6 tháng, chưa kể có độ trễ và về nguyên tắc sẽ còn chậm hơn nữa”, đồng chí Bùi Văn Cường nêu rõ.
Có thể thấy, việc tổ chức kỳ họp bất thường là cần thiết, kịp thời để giải quyết, đáp ứng, xử lý các vấn đề hệ trọng với đất nước, nhân dân.
Đề xuất miễn trừ trách nhiệm phát ngôn của đại biểu Quốc hội Việt Nam
Thảo luận