Vì sao cần xây luôn đường băng thứ 2 sân bay Long Thành, không chờ giai đoạn 2?

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa có tờ trình đề xuất xây dựng đường băng thứ 2 và san nền khu vực nhà ga hành khách T3 sân bay Long Thành, thay vì phải chờ đến giai đoạn 2.
Sputnik
Theo ACV, để tránh trường hợp phải đóng cửa toàn bộ sân bay khi đường băng gặp sự cố, cần thiết xây dựng đường băng thứ 2 để đáp ứng hiệu quả vận hành, đảm bảo an toàn khai thác. Ngoài ra, việc xây dựng đừng băng thứ 2 lúc này cũng có nhiều điều kiện thuận lợi.

Tránh phải đóng cửa toàn bộ sân bay khi đường băng gặp sự cố

Mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có tờ trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng đường băng thứ hai và san nền khu vực nhà ga hành khách T3 sân bay Long Thành.
Trong tờ trình, ACV nêu rõ, dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 hiện đang được triển khai, dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2026 với quy mô 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách và các công trình phụ trợ đáp ứng công suất 25 triệu khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo ACV, cảng hàng không quốc tế Long Thành là sân bay quan trọng của quốc gia, có vai trò vận chuyển hàng không quốc tế chính của khu vực phía Nam, là cơ sở trọng yếu của cả nước trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.
Trên cơ sở phương án phân chia khai thác giữa cảng hàng không quốc tế Long Thành và cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, sản lượng hành khách quốc tế khai thác tại cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ chiếm hơn 80% tổng sản lượng hành khách quốc tế của cả hai cảng.
Đưa dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác cuối 2025 là không khả thi
Công suất sân bay Long Thành giai đoạn 1 tương tự các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, các sân bay này có thêm đường băng thứ hai để tránh tình trạng toàn bộ sân bay bị ảnh hưởng, đóng cửa khi xảy ra sự cố máy bay, bảo trì hoặc sửa chữa đường băng, xử lý sự cố thiên tai.
Do vậy, ACV cho rằng, việc xây dựng đường băng thứ 2 sân bay Long Thành là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu, hiệu quả khai thác các công trình đầu tư giai đoạn 1; đảm bảo an toàn trong khai thác; đồng thời kết hợp hoạt động quân sự khi có nhu cầu.
Trong thời điểm hiện tại, việc xây đường băng thứ 2 có nhiều thuận lợi như tận dụng được các cơ sở hạ tầng đang thi công giai đoạn 1, cũng như không ảnh hưởng đến hoạt động khi khai thác sân bay Long Thành giai đoạn 1.
ACV đề xuất, đường băng thứ 2 sẽ được xây song song với đường băng hiện tại với chiều dài 4.000m. Đồng thời, xây hệ thống đường lăn, đèn tín hiệu với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 3.455 tỉ đồng. Nguồn vốn do ACV huy động.
Khu vực xây đường băng thứ 2 nằm trong phạm vi đất 1.810 ha của dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã được giải phóng mặt bằng, và hiện nay cũng đã hoàn thành công tác san nền.

San nền khu vực nhà ga hành khách T3

Ngoài ra, ACV cho rằng việc nghiên cứu triển khai phương án san nền khu vực nhà ga hành khách T3 cũng rất cần thiết. Lý do, tính chất đất đỏ, bụi sét mịn của khu vực Long Thành khi thi công đường băng thứ 2 và san nền nhà ga hành khách T3 khi sân bay đã hoạt động sẽ phát tán bụi đỏ, làm ảnh hưởng môi trường và hoạt động khai thác sân bay.
Từ đó, ACV đề xuất thực hiện dự án san nền khu vực nhà ga hành khách T3 có diện tích khoảng 181 ha với tổng mức đầu tư khoảng 1.956 tỉ đồng. Nguồn vốn sẽ lấy từ đầu tư công.
Đồng Nai muốn đưa tổ hợp du lịch sân bay Long Thành thành điểm đến hàng đầu
Khu vực san nền nhà ga T3 được triển khai tại khu đất giai đoạn sau của dự án sân bay Long Thành, có diện tích 181 ha được UBND tỉnh Đồng Nai quản lý sau khi giải phóng mặt bằng. Khối lượng đất đào thừa khi san nền vào khoảng 20 triệu m3, sẽ được đưa ra khu đất dự trữ đắp nền của giai đoạn sau.
Theo ACV, nếu được thông qua và tổ chức thi công từ quý II/2025 đến hết quý IV/2026, dự án đường băng thứ hai sân bay Long Thành sẽ có thể bắt đầu khai thác từ đầu năm 2027. Trong đó, đường băng thứ nhất phục vụ chủ yếu máy bay cất cánh, đường băng thứ hai chủ yếu phục vụ máy bay hạ cánh.
Thảo luận