Thỏa thuận mua máy bay Rafale kèm theo các thiết bị và dịch vụ liên quan được ký kết hôm thứ Năm trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giữa Bộ trưởng Quốc phòng Serbia, ông Bratislav Gasic và Giám đốc công ty sản xuất máy bay Dassault Aviation, ông Eric Trappier. Theo hợp đồng, Belgrade sẽ nhận 12 máy bay chiến đấu mới cùng gói dịch vụ hậu cần và các cụm thiết bị dự phòng trị giá 2,7 tỷ euro.
“Lần đầu tiên trong lịch sử Serbia, chúng tôi sẽ có máy bay do phương Tây sản xuất… Hiện nay có những lời chỉ trích nhằm vào tôi từ Serbia, tại sao chúng ta lại làm điều này với Pháp mà không phải với Nga, Trung Quốc hay ai khác. Tôi hỏi lại: các vị nghĩ người Nga sẽ cung cấp được những gì bây giờ? Chúng ai cần máy bay, những chiếc máy bay đó sẽ đến với chúng ta bằng cách nào?!" - Vucic đặt câu hỏi và cho biết ông buộc phải suy nghĩ về mọi tình huống của giao dịch.
Trước đó ông nói rõ rằng việc đàm phán với công ty sản xuất Rafale gặp khó khăn không phải vì chuyện giá cả mà vì phía Pháp yêu cầu những điều kiện bảo lãnh nhất định.
"Chúng tôi thường bị cáo buộc là gián điệp của Nga. Nhưng việc chúng tôi chuyển giao công nghệ (cho Nga) là điều không thể. Đừng lo, người ở Dassault Aviation đã quan tâm đến vấn đề này hàng nghìn lần. Đó là lý do tại sao các cuộc nói chuyện lại trở nên khó khăn như vậy. Còn công nghệ thì chúng tôi sẽ không cho chuyển giao bất kỳ điều gì trên đời. Chúng tôi đã trả cho nó bằng tiền của người dân Serbia và nó không hề rẻ”, - nhà lãnh đạo Serbia nhấn mạnh.
Trước đó, Tổng thống Serbia lưu ý rằng tên lửa không đối đất MICA của Pháp trên thực tế đã biến Rafale thành máy bay ném bom, còn bản thân loại tiêm kích này, theo lời ông, là “một trong ba loại mạnh nhất thế giới”. Nhà lãnh đạo Serbia hồi mùa xuân cũng cho biết Belgrade đã mua 22 hệ radar GM-400 từ Pháp. Trong những năm trước, Serbia đã mua máy bay trực thăng Mistral MANPADS của Pháp và máy bay trực thăng H-145M của Pháp-Đức.
Tháng 2, vào dịp Lễ Nến (Lễ Dâng mình hay lễ Thanh tẩy) của đạo Thiên Chúa, cũng là dịp Quốc khánh Serbia, tại một cuộc triển lãm quân sự ở thành phố Nis người dân đã được giới thiệu tổ hợp tác chiến điện tử "Repellent" nhận được theo hợp đồng với Liên bang Nga . Ông Vucic tuyên bố rằng việc tái diễn cảnh NATO ném bom Serbia giống như năm 1999 đã trở nên bất khả thi về mặt kỹ thuật do quân đội Serbia được trang bị các hệ thống phòng không từ LB Nga và Trung Quốc, sau khi nghiên cứu xem xét hệ thống phòng không FK-3 do CHND Trung Hoa sản xuất, việc giao hàng cho Serbia đã bắt đầu vào năm 2022.
Tổng thống Serbia sau đó nói rằng nước này cần mua thêm ba tổ hợp tên lửa phòng không nữa để tăng số lượng của chúng lên 6 tổ hợp, tạo điều kiện che phủ toàn bộ lãnh thổ đất nước.
Vào tháng 9/2023 ông Vucic thông báo rằng Belgrade đã trả tiền mua hệ thống tác chiến điện tử Krasukha và hệ thống chế áp vô tuyến di động Repellent từ Nga, nhưng đã nảy sinh vấn đề trong khâu giao hàng khi “chiến tranh bắt đầu”. Đồng thời, ông nói về những ưu điểm của tổ hợp tên lửa chống tăng (ATGM) Kornet của Nga so với các hệ thống của phương Tây và phàn nàn về tình trạng thiếu đạn dược do xung đột ở Ukraina. Nhà lãnh đạo Serbia cho biết vào đầu tháng 9 năm ngoái rằng phương Tây không cho phép Serbia mua vũ khí và thiết bị quân sự cả từ phương Đông lẫn từ chính phương Tây.
Serbia là nước nhập khẩu vũ khí và thiết bị quân sự của Nga lớn nhất ở châu Âu. Trong giai đoạn năm 2022-2023 Belgrade dự kiến mua 4 chiếc Mi-35, 3 chiếc Mi-17 và 11 chiếc Mi-35 đã qua sử dụng từ Síp. Vào tháng 12/2021 tổ hợp ATGM Kornet mua ở Nga đã được chuyển đến nước này. Trong vài năm qua, Nga đã chuyển giao cho Serbia 30 xe tăng T-72MS hiện đại hóa, 30 xe bọc thép BRDM-2, 7 trực thăng Mi-17 và Mi-35 cùng 6 máy bay chiến đấu MiG-29. Belgrade cũng mua một hệ thống pháo tên lửa Pantsir-S1. Tổng thống Vucic tuyên bố nước này muốn mua cả tổ hợp S-400 của Nga nhưng chưa đủ khả năng chi trả.
Vào tháng 11/2023, nguyên thủ quốc gia Serbia đã kiểm tra 11 máy bay trực thăng Mi-35P mua của Síp tại sân bay quân sự Batajnica ở ngoại ô Belgrade.