Như Sputnik đã đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã có chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ 8-10/9. Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam đến Liên bang Nga trong năm 2024.
Về ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm này, chuyên gia về Nga, nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long đã chia sẻ với Sputnik.
Chuyến đi hướng tới Nhân dân Nga
Sputnik: Thưa ông Nguyễn Hồng Long, một số người cho rằng chuyến thăm và làm việc tại Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn chỉ là một chuyến đi thăm nhằm giới thiệu một nhân vật mới trong bốn nhân vật quan trọng hàng đầu của bộ máy lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Ông có bình luận gì về ý kiến này?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về Nga:
Thực sự không phải như vậy!
Như đã biết, cùng thời gian này, Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng có chuyến công du tới Mỹ. Tuy nhiên, theo như Bộ Quốc phòng Việt Nam thông báo, đây là chuyến đi chỉ nhằm “đáp lễ” chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin năm ngoái mà thôi. Còn chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn là chuyến đi hướng tới Nhân dân Nga mà đại diện là Hội đồng Liên bang Nga và Duma quốc gia Liên bang Nga.
Đó là vì nền lập pháp của cả Việt Nam và Liên bang Nga đều dựa trên một nền móng vững chắc là Nhân dân của mỗi nước. Nhân dân bầu ra các cơ quan lập pháp của mỗi nước và các cơ quan lập pháp ấy phải chịu trách nhiệm trước nhân dân đã bầu ra mình về mọi vấn đề pháp luật, chính sách, chế độ của mỗi nước. Vì vậy, khác với các chuyến thăm Liên bang Nga của các vị lãnh đạo khác như Chủ tịch nước, Thủ tướng, các quan chức chính phủ, chuyến đi thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam hướng tới những người đại biểu của nhân dân Nga, những người sẽ thể hiện ý chí của nhân dân Nga, biến ý chí đó thành sức mạnh luật pháp, thành sức mạnh của hệ thống chính trị.
Từ đó, không khó để dự báo rằng, ngoài những cuộc tiếp xúc cấp cao cũng như việc ký kết một số văn kiện hợp tác giữa các cơ quan lập pháp Liên bang Nga với Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ có những cuộc tiếp xúc rộng rãi với các tầng lớp nhân dân Nga, với các tổ chức chính trị xã hội, các hội đoàn quần chúng nhân dân Nga nhằm mở đường cho các hoạt động ngoại giao nhân dân. Ví dụ, ngày 10/9, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ có cuộc gặp với Hội hữu nghị Nga-Việt.
Đây cũng là câu trả lời đối với Mỹ và phương Tây rằng Việt Nam không chọn phe, không có bất kỳ liên minh với bất kỳ một quốc gia nào để gây phương hại cho quốc gia thứ ba. Ngược lại, Việt Nam làm bạn với tất cả các nước trên thế giới mà không lệ thuộc vào bất cứ quốc gia nào, cũng như không để cho bất kỳ quốc gia nào lôi kéo Việt Nam vào những mục đích cạnh tranh địa chính trị riêng tư của họ.
Chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
© Cơ quan báo chí của Đuma Quốc gia Liên bang Nga
/ Sự nổi bật của ngoại giao nhân dân
Sputnik: Ông có thể cho đánh giá và bình luận về những kết quả của chuyến thăm này?
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về Nga:
Nhìn vào kết quả cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Valentina Ivanovna Matvienko được ghi nhận bằng Bản thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Liên bang (Thượng viện của Quốc hội Liên bang Nga) cũng như thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu của Việt Nam và tỉnh Rostov của Liên bang Nga, chúng ta có thể thấy sự nổi bật của ngoại giao nhân dân trong chuyến đi thăm này.
Trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh mẫn và Chủ tịch Duma quốc gia Nga Vyacheslav Victorovich Volodin, hai bên đã đi sâu vào các vấn đề cơ chế hợp tác của Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia (Hạ viện của Quốc hội Liên bang Nga) là cơ chế hợp tác đầu tiên và cao nhất của Quốc hội Việt Nam với một Cơ quan lập pháp của một quốc gia khác.
Ông Putin chờ đợi Chủ tịch Việt Nam dự hội nghị thượng đỉnh BRICS trong định dạng «nối vòng tay lớn»
10 Tháng Chín 2024, 22:15
Trong đó, trọng tâm được đặt vào nhiệm vụ thúc đẩy việc xây dựng hoạt động hợp tác giữa các Cơ quan của Quốc hội, Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, Nhóm Nghị sĩ trẻ, Nhóm nữ nghị sĩ, các Đại biểu Quốc hội của hai nước; tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, cập nhật thông tin về hoạt động nghị viện của mỗi nước; tăng cường phối hợp giám sát và đôn đốc thực hiện các Thỏa thuận hợp tác mà Chính phủ hai nước đã ký kết; xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi. Và bên cạnh đó còn là việc tăng cường mối quan hệ hợp tác của 20 cặp quan hệ giữa các địa phương của Việt Nam và Liên bang Nga một cách thực chất, thường xuyên và hiệu quả hơn. Gồm có:
Hà Nội với Moskva
TP Hồ Chí Minh với Sankt Peterburg và Yekaterinburg
Đà Nẵng với Sankt Peterburg và Nizhny Novgorod.
Bà Rịa-Vũng Tàu với Rostov
Hải Phòng với Vladivostok
Cần Thơ với Cộng hòa Mordovia
Thái Nguyên với Vologda.
Nghệ An với Ulyanovsk.v.v…
Kết quả hợp tác giữa Quốc hội hai nước đã mở đường để kiến tạo các khuôn khổ pháp lý nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực và đạt kết quả cao, như năng lượng, giao thông, nông nghiệp, ngân hàng, hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo, trao đổi thanh niên, sinh viên, hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực và lao động; xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi cho chính phủ, các bộ, ngành của hai nước cũng như các địa phương, doanh nghiệp và nhân dân hai nước trong quan hệ hợp tác toàn diện, sâu sắc.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông!