Trong những năm đó, thời gian phục vụ tại Việt Nam của hầu hết các chuyên gia quân sự Liên Xô kéo dài một năm. Nhưng cũng có những người mà sự tham gia của họ vào chiến tranh Việt Nam kéo dài gần một thập kỷ. Một trong số những người này là thuyền trưởng hạng 1 Dmitry Lukash.
Ở đây nói về chiến thuật "phục kích tên lửa" chống máy bay Mỹ mà các chuyên gia Liên Xô và sau đó các sĩ quan tên lửa Việt Nam do họ đào tạo đã sử dụng. Tất nhiên, khi đó các đơn vị tên lửa không thể luôn luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Các đơn vị tên lửa đã có nhiệm vụ khác: đưa các tổ hợp tên lửa phòng không đến nơi những chiếc máy bay Mỹ có thể xâm nhập không phận miền Bắc Việt Nam để chúng rơi vào hỏa lực tên lửa vào thời điểm xâm nhập vùng trời Việt Nam. Trong những năm đó, người ta không chỉ khâm phục mà còn ngạc nhiên với mức độ chính xác trong việc lựa chọn thời điểm và địa điểm của các cuộc phục kích tên lửa. Hiện nay vẫn có thể khâm phục nhưng không có cơ sở để ngạc nhiên, chúng ta phải vinh danh công việc của các sĩ quan tình báo Liên Xô. Các chiến sĩ bảo vệ vùng trời Việt Nam đã kịp thời nhận thông tin về số lượng máy bay Mỹ cất cánh từ tàu sân bay hoặc từ căn cứ Guam, về địa điểm và thời điểm của vụ không kích sắp tới. Bởi vì các tàu trinh sát của Liên Xô thường xuyên hiện diện ở đó và đã nhìn thấy cả tàu sân bay và căn cứ quân sự của Mỹ.
"Ngư dân" Liên Xô
Kể từ năm 1964, 17 tàu đánh cá cỡ nhỏ và vừa của Liên Xô đã được tân trang lại, được trang bị thiết bị điện tử hiện đại nhất vào thời điểm đó. Đồng thời, vẻ ngoài của các tàu vẫn không thay đổi: đó là các tàu thủy văn ra biển từ cảng Vladivostok, các thủy thủ mặc thường phục đôi khi với chiếc cần câu trong tay. Y như các tàu nghiên cứu khoa học hoặc tàu đánh cá! Song, hành trình của họ đi tới vùng Thái Bình Dương, đến căn cứ không quân Mỹ trên đảo Guam chỉ có giờ bay 6 tiếng đến Việt Nam, cũng như tới Vịnh Bắc Bộ, nơi tàu sân bay Mỹ đang hiện diện. Từ đó các máy bay Mỹ đã xuất phát để thực hiện các phi vụ ném bom.
Các tàu trinh sát của Liên Xô đã tiến hành 94 chuyến hải hành với thời gian mỗi chuyến từ 3 đến 4 tháng. Khoảng 8 nghìn người đã tham gia hoạt động này. Đại úy - thuyền trưởng hạng 1 Dmitry Lukash cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sputnik. Từ năm 1966 đến năm 1974, ông là Chỉ huy trưởng của hải đoàn tàu trinh sát thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô cung cấp dữ liệu cho lực lượng phòng không Việt Nam DCCH. Ông Dmitry Lukash hồi tưởng lại như sau:
Các tàu của chúng tôi thường xuyên hiện diện gần các tàu sân bay, đôi khi ở khoảng cách 100 mét. Trong thời gian tám năm, bản thân tôi đã đến vùng biển này để hỗ trợ chiến đấu. Chúng tôi đã ghi lại hành trình của các máy bay Mỹ về hướng Việt Nam, tính toán hành trình chuyến bay khả dĩ nhất của chúng và kịp thời báo cáo số liệu này cho lãnh đạo nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam. Và họ đã kịp thời thông báo cho Lực lượng Phòng không Việt Nam. Nhờ đó, những người lính tên lửa và phi công có thể chuẩn bị đẩy lùi các cuộc tấn công, biết trước từ chúng tôi những máy bay nào với số lượng bao nhiêu sẽ sớm xuất hiện trong khu vực trách nhiệm của họ. Chúng tôi đã báo cáo thông tin chi tiết nhất về các chuyến bay của địch, bao gồm cả số hiệu của mỗi chiếc máy bay.
Ngay sau khi chiếc máy bay Mỹ bắt đầu lên boong tàu, chúng tôi cung cấp thông tin về việc này nhằm cảnh báo lực lượng phòng không trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Một tàu trinh sát của chúng tôi thường xuyên hiện diện ở vùng biển cách căn cứ Guam của Mỹ khoảng 3 dặm, và cũng theo dõi kỹ lưỡng bao nhiêu máy bay đã cất cánh, chúng bay theo hướng nào, bao nhiên máy bay về căn cứ, có bị trúng đạn hay không. Và chúng tôi lấy làm vui mừng mỗi khi biết rằng, những người bảo vệ bầu trời Việt Nam làm cho số máy bay về căn cứ ít hơn số máy bay cất cánh. Và hầu như ngày nào cũng vậy. Lính tên lửa Liên Xô, Việt Nam và phi công Việt Nam đã giáng trả địch những đòn thích đáng. Thông tin này ngay lập tức được báo cáo cho Matxcơva và Hà Nội. Đôi khi, những máy bay Mỹ bị trúng đạn bị rơi ở vùng biển. Chúng tôi đã hơn một lần vượt trước lực lượng cứu hộ Mỹ và nâng từ đáy biển và đưa đến Matxcơva hàng trăm tài liệu quân sự Mỹ, các sơ đồ kỹ thuật được đóng dấu "mật". Nhưng, trong suốt 8 năm đó, bản thân tôi chưa bao giờ có cơ hội đến thăm đất Việt. Tôi chỉ nhìn thấy Việt Nam qua ống nhòm. Sau đó, khi trở về quê hương, tôi đã theo dõi tin tức trên TV và xem phim để hiểu biết hơn về cuộc sống của đất nước mà tôi đã tham gia bảo vệ.
Thiếu tá Pyotr Saburov đã phục vụ trong tình báo hải quân trong thời gian 4 năm cho đến cuối những năm 1960 và là một trong những người theo dõi các tàu sân bay Mỹ và căn cứ Guam.
Hồi đó chưa có GLONASS hay Internet. Khi phát hiện ra một tàu sân bay, chúng tôi đã tiếp cận nó ở khoảng cách đủ gần để có khả năng ghi lại hành trình của các máy bay Mỹ về hướng Việt Nam. Chiếc tàu của chúng tôi có vẻ ngoài y như tàu thủy văn ra biển. Tất nhiên, người Mỹ hiểu rất rõ chúng tôi là ai; một tàu của Hạm đội 7 Hoa Kỳ ngay lập tức đi theo chiếc tàu của chúng tôi, nhưng họ không dám chạm vào chúng tôi. Chúng tôi đã truyền thông tin nhận được - khi nào, bao nhiêu và loại máy bay nào cất cánh và bay theo hướng nào - đến Vladivostok, từ đó đến Matxcơva, trong vòng một phút, thông tin đã đến Hà Nội. Tôi rất vui mừng vì chúng tôi, những thủy thủ trinh sát, cùng với các chuyên gia quân sự Liên Xô khác, đã góp phần cứu sống hàng nghìn sinh mạng người Việt, bảo vệ mảnh đất Việt cổ, nền văn hóa Việt Nam tuyệt vời.