Dự án “Tiếng Nga ở Việt Nam: Đối thoại các nền văn hóa” sắp tới Việt Nam

Từ ngày 30/9 đến ngày 8/10/2024, tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra các sự kiện Dự án “Tiếng Nga ở Việt Nam: Đối thoại các nền văn hóa”.
Sputnik
Trong khuôn khổ dự án “Tiếng Nga ở Việt Nam: Đối thoại các nền văn hóa”, các giảng viên hàng đầu của Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Quốc gia Mátxcơva, với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác Nga (Rossotrudnichestvo) sẽ tổ chức các sự kiện giáo dục, văn hóa và phương pháp luận cho các chuyên gia Nga ngữ học Việt Nam, cũng như học sinh, sinh viên tiếng Nga tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 30/9 đến ngày 8/10/2024.

Chương trình phong phú của dự án “Tiếng Nga ở Việt Nam: Đối thoại các nền văn hóa”

Lễ khai mạc trọng thể dự án “Tiếng Nga ở Việt Nam: Đối thoại các nền văn hóa” sẽ diễn ra tại Văn phòng Đại diện Cơ quan hợp tác Nga (Rossotrudnichestvo) ở Hà Nội. Sau đó, các giờ học sẽ được tổ chức tại nhiều địa điểm khác nhau: Tại Học viện Ngoại thương, tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga của Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, tại Trường THPT Chuyên ngoại ngữ Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Tổng hợp Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Dự án sẽ quy tụ giảng viên dạy tiếng Nga như một ngoại ngữ, giáo viên phổ thông, các giảng viên và các nhà nghiên cứu văn học và văn hóa Nga, giới phiên dịch, học sinh các trường dạy tiếng Nga và sinh viên những năm cuối của các trường đại học ngôn ngữ tại Việt Nam.
Chương trình "Tiếng Việt Vui": Nỗ lực gìn giữ văn hóa Việt tại Nga thông qua giáo dục ngôn ngữ
Theo chương trình sẽ có nhiều bài giảng thuộc nhiều chủ đề khác nhau, các lớp học nâng cao, các giờ phương pháp học và vừa học vừa chơi, cũng như các giờ học sáng tác. Các bạn quan tâm có thể tham gia các cuộc thi đồng đội và cá nhân.
“Chúng tôi đã cố gắng tính đến sự quan tâm của tất cả các đối tượng tham gia sự kiện và chuẩn bị nhiều chương trình văn hóa, giáo dục và phương pháp luận cho sinh viên, học sinh tại các trường đại học và phổ thông, các giáo viên và chuyên gia trong lĩnh vực tiếng Nga như một ngoại ngữ, văn hóa và văn học Nga - từ các bài giảng và các giờ học nâng cao, các giờ giảng mẫu cho tới các cuộc thi và triển lãm sách giáo khoa và sách về nước Nga”, - bà Shokhina Irina Mikhailovna, Trưởng Ban hợp tác quốc tế của Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Quốc gia Moskva (MGLU) nói với Sputnik.

Góp phần phát triển hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và khoa học

Cũng theo bà Shokhina Irina Mikhailovna, hàng năm có nhiều sinh viên từ Việt Nam đến MGLU để theo học nhiều chương trình khác nhau. Cũng từ họ trường biết về sự quan tâm lớn đến ngôn ngữ Nga và văn hóa Nga ở Việt Nam.

“Chúng tôi cũng biết rằng, cùng với sự quan tâm lớn đó số lượng các nhà Nga ngữ học tại Việt Nam đã giảm mạnh trong những năm gần đây, vì thế, chúng tôi hy vọng rằng dự án của chúng tôi sẽ giúp những người học, nghiên cứu tiếng Nga, văn học và văn hóa Nga nâng cao kiến thức. Còn với các giáo viên phổ thông và giảng viên đại học Việt Nam chúng tôi dự kiến sẽ thảo luận những khó khăn, vướng mắc trong việc giảng dạy văn học Nga và tiếng Nga như một ngoại ngữ - chúng tôi cần hiểu rõ hơn về đặc thù học tập của học sinh, sinh viên Việt Nam. Và chúng tôi cũng muốn chia sẻ những phát triển về phương pháp luận của chúng tôi trong các lĩnh vực này”, - bà Shokhina Irina Mikhailovna, Trưởng Ban hợp tác quốc tế của Đại học Tổng hợp Ngôn ngữ Quốc gia Moskva (MGLU) phát biểu với Sputnik

Tổng thống Vladimir Putin gặp gỡ các thế hệ cựu sinh viên Việt Nam học tập tại Nga
Trong trả lời phỏng vấn cho Sputnik, bà Shokhina Irina Mikhailovna cũng lưu ý: Trải qua lịch sử gần 95 năm tồn tại, MGLU đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy ngoại ngữ và từ đầu những năm 60 thế kỷ XX, trường đào tạo chuyên gia cho nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Việc MGLU nhận được quyền thực hiện dự án “Tiếng Nga ở Việt Nam: Đối thoại các nền văn hóa” là một vinh dự lớn lao cho tất cả những người tham gia: Các giảng viên và cán bộ của trường, cũng như cơ hội chia sẻ kinh nghiệm được tích lũy.
“Chúng tôi tin tưởng rằng chuyến công tác của các giảng viên hàng đầu MGLU tới Việt Nam được tổ chức với sự hỗ trợ của Rossotrudnichestvo sẽ góp phần phát triển hợp tác giữa Nga và Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và khoa học”, - bà Shokhina Irina Mikhailovna nhấn mạnh.
Thảo luận