Những trang sử vàng

Ký ức sống mãi về những năm phục vụ ở Việt Nam

Trong loạt bài mạn đàm “Những trang sử vàng”, Sputnik tiếp tục câu chuyện về sự tham gia của các chuyên gia quân sự Liên Xô đã đến hỗ trợ Hà Nội trong cuộc không chiến của Mỹ chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sputnik
Những năm tháng ấy, ở Việt Nam, cụm từ “tình anh em” được dùng để mô tả mối quan hệ giữa các chuyên gia quân sự Liên Xô và các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Mặc dù cũng có một số điều kỳ quặc sẽ được thảo luận sau, nhưng đó thực sự là một tình anh em. Tuy nhiên, những điều kỳ quặc này thỉnh thoảng chỉ xảy ra ở cấp cơ quan chỉ huy cao nhất của Việt Nam, còn ở những nơi chuyên gia Liên Xô và các sư đoàn tên lửa Liên Xô đóng quân, những người lính Liên Xô và Việt Nam cùng thực hiện một nhiệm vụ chung và có tình cảm anh em chân thành gắn bó không chỉ trong các hoạt động quân sự.
Trong thời gian 1965-1974, các chuyên gia quân sự Liên Xô, trước hết chuyên gia tên lửa, đã từng đóng quân ở tất cả các tỉnh miền Bắc Việt Nam. Hồi tưởng lại những cuộc tiếp xúc với người dân địa phương, các chuyên gia Liên Xô đều nhấn mạnh rằng, ngay lập tức họ cảm thấy thái độ chào đón nhiệt tình của người dân nơi đây. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Sputnik, đại tá Piotr Sharshatkin từng tham chiến đấu tại Việt Nam trong những năm 1968-1969, cho biết:

"Tôi nhớ mãi những cuộc tiếp xúc với người dân Việt Nam. Những chiếc xe ô tô chở các chuyên gia Liên Xô đến bất cứ ngôi làng, thì ngay lập tức có những đứa trẻ hân hoan chào đón các vị khách và kêu to "Liên Xô!" và "Khorosho!" bằng tiếng Nga. Và sau đó thường có những người lớn tuổi đến với chúng tôi, đôi khi trong số đó có một người nói tiếng Nga, và bắt đầu cuộc trò chuyện thân thiện. Chúng tôi rất vui lòng kể lại về Matxcơva, đôi khi tìm những người quen đang học tập ở Nga. Khi chia tay thì thường bắt tay và ôm nhau. Nếu trên đường đi gặp hố bom mới hoặc cây cầu vừa bị phá thì người dân địa phương (mà không cần bất kỳ lời mời) cùng với chúng tôi tham gia sửa chữa đường bộ. Và nữa, mặc dù cuộc sống của họ khá nghèo, mỗi khi chia tay họ cố gắng biếu tặng những bánh gạo và trái cây".

Những trang sử vàng
Chiến sĩ Liên Xô và Việt Nam cứu sống lẫn nhau
Có nhiều lần khi tiểu đoàn tên lửa bắt đầu bố trí trên vị trí mới, những người nông dân ngay lập tức đến để giúp đỡ: trong đó có phụ nữ, trẻ em và người già, kể cả những thương binh — bởi vì tất cả những người đàn ông khỏe mạnh đều vào phục vụ trong quân đội. Những người tay cầm đòn triêng, cuốc, xẻng ngay lập tức tham gia các công việc chung. Và thường xuyên có những người mới đến với chúng tôi và công việc tiến triển nhanh hơn. Ví dụ, có một lần trong thời gian một đêm, với sự giúp đỡ của ba trăm người dân địa phương, các quân nhân đã chuẩn bị vị trí cho cuộc phục kích tên lửa gần làng Gia Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ngày hôm sau, ngày 11 tháng 8 năm 1965, các binh sĩ Xô Viết đã phóng ba tên lửa bắn hạ bốn máy bay Mỹ. Khi chia tay với những chiến sĩ tên lửa đang lên đường sang một vị trí mới, những người dân địa phương thường nói: “Cảm ơn các đồng chí đã bắn hạ các máy bay địch”.
Vào những ngày tương đối bình yên, khi không có các vụ không kích của Mỹ và các chiến sĩ tên lửa làm xong các công việc trên vị trí tên lửa, người dân địa phương đã đến thăm họ để cùng nhau chơi bóng đá và bóng chuyền, kể cho nhau những câu chuyện cười hay. Khi rạp chiếu bóng di động đến vị trí tên lửa thì tất cả mọi người xem những bộ phim của Liên Xô và Việt Nam. Ngoài những bộ phim về chiến tranh với nước Đức quốc xã, những người nông dân Việt Nam đặc biệt thích bộ phim hài "Chó Barbos và chuyến du ngoạn bất thường". Cũng như các bộ phim về chiến tranh, nội dung phim này là hoàn toàn dễ hiểu mà không cần dịch.
Để lái được máy bay chiến đấu Liên Xô, phi công Việt Nam cần có thể lực rất lớn. Tất nhiên, các học viện không quân Liên Xô rất chú trọng đến việc rèn luyện thể chất cho phi công Việt Nam; họ được phục vụ khẩu phần ăn giàu calo. Nhưng ở Việt Nam, trong những năm chiến tranh, không phải lúc nào cũng có thể cung cấp được những thực phẩm như vậy. Các chuyên gia hàng không Liên Xô, những người bảo dưỡng máy bay trên mặt đất và huấn luyện phi công Việt Nam, luôn chia sẻ với các phi công Việt Nam những thực phẩm họ nhận được từ Nga.
Các chuyên gia Liên Xô được chào đón nồng nhiệt tại những buổi hòa nhạc ở nhà hát Hà Nội thường có tiếng còi báo động không kích đệm, được tổ chức nhân dịp những ngày đáng ghi nhớ trong lịch sử Việt Nam. Những chuyến tham quan các di tích lịch sử và những địa điểm vinh quang của quân đội Việt Nam đã được tổ chức dành cho họ. Những trận thi đấu thể thao giữa binh sĩ Việt Nam và Liên Xô và các buổi hòa nhạc chung biểu diễn nghiệp dư đều mang tính truyền thống. Bài thơ “Đợi anh về” của Konstantin Simonov đã vang lên bằng tiếng Nga và tiếng Việt tại các cuộc gặp này. Tại một buổi biểu diễn văn nghệ, thiếu tướng Anatoly Pozdeev đã đọc bài thơ về người anh hùng trẻ tuổi Zoya Kosmodemyanskaya, cô đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản (Komsomol).
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông nói: “Đối với tôi, có vẻ như những người lính Việt Nam hiểu bài thơ ngay cả khi không có bản dịch. Bài thơ này khiến nhiều người rưng rưng nước mắt".

Và khi buổi biểu diễn kết thúc, một chính ủy Việt Nam nói: “Khi bước vào trận chiến mới với kẻ thù, chúng tôi hứa sẽ chiến đấu dũng cảm và kiên cường như cô gái Liên Xô Zoya đã làm!”.

Những trang sử vàng
Tình báo Liên Xô đã giúp tiêu diệt máy bay Mỹ trên bầu trời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như thế nào
Ngay cả các liên hoan phim Liên Xô và Việt Nam cũng được tổ chức ở những nơi các chuyên gia quân sự Liên Xô đóng quân. Như các nhà tổ chức Nga hồi tưởng lại, các sĩ quan và binh sĩ Việt Nam biết rõ các anh hùng Liên Xô Chapaev, Alexei Maresyev, Alexander Matrosov và Đội cận vệ thanh niên qua sách và phim. Khi tổ chức các nghi lễ chung, người Việt Nam luôn yêu cầu kết thúc bằng việc chiếu bộ phim về những người anh hùng trong cuộc nội chiến và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô. Ví dụ, bộ phim Chapaev đã được xem vài chục lần.
Các sĩ quan Việt Nam cho biết: “Trong bộ phim này có nhiều điều trùng hợp với suy nghĩ, nguyện vọng của chúng tôi. Chapaev và những người lính Hồng quân dạy chúng tôi cách đánh bại kẻ thù”.
Trong nhóm chuyên gia tên lửa Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam có Yuri Demchenko, 27 tuổi. Tại Việt Nam, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy bệ phóng trong Trung đoàn Tên lửa Phòng không số 2 của quân đội Việt Nam.

Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông cho biết: "Ở Việt Nam, tất cả chúng tôi đều trải qua những khó khăn giống nhau: độ ẩm cao bất thường trong khí hậu nhiệt đới, khát nước liên tục, thiếu sản phẩm vệ sinh cá nhân, không có chỗ tắm. Đây là nguyên nhân khiến nhiều chuyên gia mắc bệnh. Tuy nhiên, so với nhiệm vụ chính của chúng tôi - hỗ trợ các đồng chí Việt Nam - thì tất cả những khó khăn này đã lùi xa. Phục vụ tại Việt Nam là một trong những giai đoạn quan trọng và không thể quên trong cuộc đời quân ngũ của tôi, mà tôi đã hoàn thành với cấp bậc Thiếu tướng. Còn lại từ thời đó có cả những kỷ niệm vui. Khi đến Bệnh viện Trung ương Quân đội ở Hà Nội, tôi vô cùng ngạc nhiên trước khả năng của chú đười ươi bị trói bằng xích vào cột kim loại. Khi người ta mang cho nó ăn, chú đười ươi đứng lên hết cỡ và nói to: "Chào đồng chí!". Và sau khi ăn những thứ người ta mang theo, nó đặt cái bát rỗng lên đầu, vươn chân phải về phía trước và hét lên: "Đi Sài Gòn!" Tôi vui mừng biết bao khi vào tháng 4 năm 1975 những lời này đã trở thành hiện thực!”.

Những trang sử vàng
Tình báo Liên Xô trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Thảo luận