Trước đó, cơ quan báo chí của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đưa tin Iran đã bắn khoảng 180 tên lửa vào Israel, đa số đã bị đánh chặn. Trong khi đó những video lan truyền trên mạng xã hội lại quay được cảnh tên lửa bắn trúng các khu vực khác nhau của Israel. Hậu quả cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel làm một người thiệt mạng, đó là người nhập cư bất hợp pháp từ Dải Gaza. Dịch vụ cấp cứu thông báo có một số trường hợp mảnh đạn nhỏ găm phải và bị thương trên đường đến nơi trú ẩn. Tổng tham mưu trưởng IDF Herzi Halevi cho biết quyền quyết định tiến hành các cuộc tấn công trả đũa hiện thuộc về Israel. Iran cảnh cáo Israel không nên gây hấn thêm nữa, đồng thời đe rằng nếu Israel còn lặp lại các hành động khiêu khích thì phản ứng của Iran sẽ còn mạnh mẽ hơn.
Cuộc xung đột được đoán định từ trước
Tờ The Guardian nhận xét các cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel là dấu hiệu cho thấy cuộc xung đột khu vực đáng sợ được đoán định từ lâu cuối cùng đã "bùng cháy". Báo New York Times nhấn mạnh lúc này có lẽ là “thời điểm nguy hiểm nhất trong lịch sử hiện đại của Trung Đông” - “cuộc chiến tên lửa đạn đạo” giữa Iran và Israel có thể dẫn đến một cuộc đối đầu toàn diện không chỉ liên quan đến hai nước này, mà còn cả Hoa Kỳ.
Tờ Daily Mail gọi cuộc tấn công tên lửa của Iran vào Israel là “thời điểm kịch tính nhất trong cuộc xung đột” giữa hai nước và có thể là “chất xúc tác cho một cuộc chiến tổng lực” ở Trung Đông. Báo Le Figaro của Pháp cũng cho rằng cuộc tấn công tên lửa của Iran có thể đánh dấu một "bước ngoặt trong cuộc xung đột", lưu ý rằng khi đưa ra quyết định này, nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei đang cố gắng gửi đến Israel một số biện pháp răn đe.
Tên lửa và hệ thống phòng không
Tờ báo phát hành toàn khối Ả Rập Al-Quds Al-Arabi gọi cuộc tấn công của Iran là “chưa từng có” đối với Israel và lưu ý rằng nó chứng tỏ sự bất lực của “tất cả các loại hệ thống phòng không của phương Tây”, đặc biệt là của Mỹ, trong việc đẩy lùi một số lượng lớn tên lửa đạn đạo và tên lửa siêu thanh.
Theo tờ báo, các tên lửa được sử dụng trong cuộc tấn công có thể là một trong những loại tên lửa hiện đại nhất mà Iran có: ví dụ, Cộng hòa Hồi giáo được cho là đã sử dụng tên lửa siêu thanh Fattah trong cuộc tấn công vừa rồi.
Ngày càng ít yếu tố ngăn chặn
Tờ New York Times nhận thấy có một số mối liên hệ giữa các sự kiện ở Trung Đông và cuộc bầu cử ở Mỹ, đồng thời lưu ý rằng uy tín của các quan chức Mỹ trong mắt chính quyền Israel hiện nay thấp hơn hồi tháng 4 khi diễn ra cuộc tấn công trước đó của Iran vào Israel do cuộc bầu cử sắp tới và khả năng thay đổi lãnh đạo ở Mỹ.
Tờ báo nhấn mạnh rằng các yếu tố ngăn chặn leo thang ở Trung Đông mỗi ngày một ít đi. Tờ báo cho rằng diễn biến leo thang tiếp theo sẽ phụ thuộc vào chính các bước trả đũa của Israel.
Duy trì sự cân bằng
Theo tờ Guardian, bằng cách tấn công Israel, Iran muốn chứng tỏ mình vẫn là một nước đóng vai trò quan trọng trong khu vực và là “thủ lĩnh của cuộc kháng chiến”. Tờ British Independent viết rằng do tính chất các cuộc tấn công tên lửa mới của Iran, Israel vẫn có cơ hội không đáp trả một cách triệt để và cố gắng “duy trì thế cân bằng”. Tuy nhiên, theo báo này, nếu xét đến chiến dịch của Israel tại Lebanon, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dường như muốn "đẩy các ranh giới đi xa nhất có thể".
Theo tác giả bài báo trên tờ Al-Quds Al-Arabi, nếu Israel đáp trả thì Iran có thể tấn công nhà nước Do Thái bằng tên lửa siêu thanh với số lượng đầu nổ nhiều hơn hôm thứ Ba vừa rồi. Do đó, tờ Independent kết luận rằng một cuộc chiến tên lửa đạn đạo có thể gây ra thiệt hại to lớn cho cơ sở hạ tầng của Israel trừ khi tất cả các tên lửa bắn sang đều bị đánh chặn, nhưng thực tế ra sao thì phải chờ “thời gian cho thấy”.