Ký ức về vị Chủ tịch đầu tiên của Hà Nội và nước Nga Xô viết

Trong trí nhớ của người dân Hà Nội những ngày kháng chiến gian khổ, hình ảnh Bác sĩ (BS.) Trần Duy Hưng - Chủ tịch đầu tiên của Thủ đô hiện lên với lòng tự hào, cảm phục và yêu mến. Còn trong trí nhớ của ông Trần Tiến Đức - con trai thứ hai của vị Chủ tịch, hình ảnh về người cha giản dị, ân cần, luôn vì nhân dân vẫn còn đó.
Sputnik
Sputnik may mắn có dịp được gặp gỡ, trò chuyện với ông Trần Tiến Đức, 83 tuổi. Ở tuổi thất thập cổ lai hy, những ký ức về cha mình, BS. Trần Duy Hưng vẫn hiện lên rõ nét sau hàng chục năm.
Chân dung ông Trần Tiến Đức - người con thứ hai của bác sĩ Trần Duy Hưng

Vị Chủ tịch được đích thân bác Hồ lựa chọn

Sputnik: Hôm nay là ngày 10/10 - ngày lịch sử trọng đại không chỉ riêng người dân thủ đô, mà còn có ý nghĩa to lớn với ông cùng gia đình. 70 năm trôi qua, chắc hẳn những ký ức về cha ông - vị Chủ tịch đầu tiên của TP Hà Nội vẫn in đậm. Trong ký ức của mình, cha ông là người như thế nào? Chúng tôi rất muốn lắng nghe chia sẻ câu chuyện này.
Ông Trần Tiến Đức - con trai BS. Trần Duy Hưng:
Năm nay là tròn 70 năm tiếp quản Hà Nội. Vì theo đúng tinh thần của Hiệp định Genève, quân Pháp rút khỏi Hà Nội và các vùng ở miền Bắc, các TP miền Bắc họ chiếm đóng trao trả lại cho chính quyền Việt Nam. Còn tại các thành phố miền Nam, miền Trung, quân Việt Nam rút đi và trao trả điều hành cho quân đội Pháp.
Bác sĩ Trần Duy Hưng ngày 10/10/1954
Cha tôi, ông được bổ nhiệm làm Thị trưởng Hà Nội theo sắc lệnh ngày 30/8/145 của cụ Võ Nguyên Giáp. Tôi còn nhớ, trước đó vài hôm, cha tôi có lên chữa bệnh cho cụ Hồ ở phố Hàng Ngang. Khi ấy, cụ Hồ ngỏ lời, mời bác sĩ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch TP Hà Nội.
Đáp lại, cha tôi có nói rằng: “Thưa cụ chủ tịch, tôi là một bác sĩ. Tôi chỉ quen chữa bệnh cứu người chứ chưa làm quản lý nhà nước bao giờ”.
Cụ Hồ có nói: “Tôi cũng đã bao giờ làm Chủ tịch nước đâu. Chúng ta cùng học thôi”.
Tôi xin nhắc lại chi tiết, thời đó không ai gọi là Bác - cháu, mà xưng Chủ tịch - tôi. Đó là phân định trong cách xưng hô rất rõ ràng.
Tôi sinh năm 1941, những năm 1946, tôi còn nhỏ tuổi lắm. Khi tầm khoảng 4-5 tuổi, tôi thường được cha cho đi theo, kể cả những lần lên gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên tôi gặp cụ, là Tết Trung thu. Tôi gặp bác tại Phủ Chủ tịch. Cụ Hồ thấy tôi đứng nép sau cha, liền vẫy ra hỏi tên. Tôi giới thiệu mình là con của bác sĩ Trần Duy Hưng và cụ Hồ dặn dò cha tôi, thường xuyên đưa các cháu lên chơi với cụ.
Gia đình bác sĩ Trần Duy Hưng. Ông Trần Tiến Đức đứng ngoài cùng bên trái
Về sau, khi toàn quốc kháng chiến, cha tôi làm Chủ tịch một liên khu. Đến đầu năm 1947, được bầu làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Khi ấy, thứ trưởng là cụ Phan Kế Toại - Khâm sai đại thần Bắc Bộ.
Tôi nhấn mạnh rằng, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, mô hình Chính phủ gần như dập khuôn theo mô hình Chính phủ của Pháp. Khi ấy Chủ tịch nước thống lĩnh toàn bộ quân đội, điều hành toàn bộ công việc đất nước, kiêm Thủ tướng.
Thời gian này, cha tôi có mối quan hệ công tác chặt chẽ với cụ Hồ. Đồng thời, trong kháng chiến bộ máy chăm sóc sức khỏe cán bộ chưa hoàn thiện. Cha tôi được giao luôn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cụ Hồ. Vì thế, chúng tôi hay được đến thăm cụ Hồ. Được ngủ cùng, ăn cơm cùng. Cụ là người rất yêu trẻ con.
Các thầy cô cùng 20 thiếu nhi (gồm Trần Tiến Đức) đến thăm Bác Hồ
Một câu chuyện khác tôi vẫn nhớ, đó là trong những lần nước Hà Nội dâng cao, tôi được cha cho đi theo kiểm tra các điếm canh để xem có ai trực không, tình hình nước ra sao. Đi quanh các đê trọng yếu kiểm tra từ 12h đêm đến 2h sáng. Mỗi lần như vậy, ông đều tự lái xe vì không muốn làm phiền mọi người ngoài giờ làm việc.

Vị chủ tịch vì dân

Sputnik: Trong số 3 người con, có vẻ ông là người được theo chân cụ Trần Duy Hưng nhiều nhất. Với tính cách khiêm nhường, hết lòng vì nhân dân, chắc hẳn những tính cách này phần nào thấm đượm vào con người ông? Ông học hỏi được gì từ những phẩm chất cao đẹp của cụ?
Ông Trần Tiến Đức - con trai BS. Trần Duy Hưng:
Nói để học được những gì cũng hơi khó. Trước hết, bản thân tôi luôn tâm niệm, lấy cha mình làm tấm gương để noi theo. Sống khiêm tốn, giản dị. Đối với mọi người quý mến, thân thiện. Chúng tôi chưa bao giờ coi mình là con của lãnh đạo TP, chỉ đơn thuần coi mình là người dân bình thường. Trong các mối quan hệ từ hàng xóm, cơ quan, trong quan hệ xã hội, mọi người đều coi chúng tôi là những người bạn.
Cha tôi luôn luôn có tinh thần ham học hỏi, muốn tiến bộ. Trong nhiệm kỳ làm Thị trưởng từ sau năm 1954, cha tôi tự nhận thấy rằng, với kiến thức từ ngành y chưa đủ kiến thức để làm lãnh đạo TP. Bởi vậy, tối đến ông đi học ở trường Đại học Bách khoa về điện và quy hoạch kiến trúc TP. Học để ứng dụng trong công việc mà ông cần sử dụng đến. Tấm gương tự học, hiếu học của cha, tôi noi theo suốt đời.
Bác sĩ Trần Duy Hưng cùng vợ (bà Nhữ Thị Tý) và con trai út sau ngày tiếp quản Hà Nội
Trong suốt quá trình học tập và làm việc, tôi luôn học hỏi, tìm kiếm sự đổi mới. Trong công việc, tôi nghĩ rằng việc mình làm được hôm nay, ngày mai phải làm tốt hơn, làm khác đi nhằm tạo dấu ấn, không phải làm rạng danh cá nhân. Mà bởi, công việc đòi hỏi vậy.
Năm 1954, đối với chúng tôi có ý nghĩa rất lớn. Khi cha tôi tiếp quản Hà Nội với tư cách Phó chủ tịch Ủy ban Quân quản. Sau đó được bổ nhiệm Chủ tịch Uỷ ban hành chính TP Hà Nội. Toàn bộ công việc điều hành TP được giao cho bác sĩ Trần Duy Hưng.
Đến thời chiến tranh phá hoại (1965), tôi đi sơ tán. Nhưng mỗi lần về Hà Nội, tôi đã chứng kiến nhiều lần Mỹ ném bom. Lần đầu tiên, bom rơi trúng phố Huế. Khi ấy, cha kéo tôi đi theo cùng đồng chí Trung úy Công an làm sĩ quan cận vệ. Đến đó, cụ thăm hỏi những người dân còn sống sót và cứu chữa cho những người bị thương sau vụ ném bom.
Bác sĩ Trần Duy Hưng (bên phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong năm 1972, Mỹ đánh bom dữ dội trong chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm, tôi có may mắn được biết những công việc của cụ. Khi ấy, tôi từ nơi sơ tán trở về thấy nhà cửa cháy, khói bốc lên. Tôi phóng xe về nhà, thấy cha cũng đang về. Đồng chí công an đi theo thốt lên, nhà cửa tan nát, xác người nằm la liệt. Mảnh chân, mảnh tay rơi vãi. Thấy cảnh tượng đầy máu me rợn người, anh công an rùng mình buồn nôn. Nhưng bác sĩ Trần Duy Hưng đi thu nhặt từng mảnh xương, mảnh tay chân đưa vào quan tài xếp lại cùng mọi người. Đó là những kỷ niệm mà tôi thấy, ông là người thị trưởng luôn gần gũi dân, đồng cảm với dân.
Sau khi trở về từ chuyến đi thực địa (sau mỗi lần rải bom), đồng nghiệp ở Thành ủy phê bình cha tôi rằng, là chủ tịch, phải ngồi hầm chỉ huy. Cụ nói, tôi là chủ tịch, trước hết là bác sĩ. Bác sĩ cần phải cứu người. Đó là tinh thần của cha tôi mà tôi được tiếp nhận và chứng kiến qua nhiều giai đoạn.
Hà Nội sơ tán dân, Quân đội hủy nổ thành công quả bom 340kg sót lại từ thời chiến tranh
Năm 1972, khi tròn 60 tuổi, cụ làm đơn xin nghỉ hưu. Tuy nhiên, Trung ương chỉ đạo, chỉ khi nào thống nhất đất nước, khi đó mới hoàn thành nhiệm vụ. Năm 1975, cụ tham gia đoàn Hiệp thương thống nhất hai miền Nam - Bắc. Hết năm 1976, sau khi thống nhất Quốc hội khóa đầu tiên, cụ cũng là đại biểu Quốc hội. Ông sinh năm 16/1/1912, đến năm 1977 cha tôi chính thức nghỉ hưu.
Là người con trong gia đình chúng tôi cảm nhận tất cả những gì tinh túy từ ông, bởi ông được giáo dục từ thời Pháp. Ông học trường Bưởi đỗ hai bằng tú tài. Ông có chia sẻ, sở dĩ chọn nghề y vì đây là nghề nhân đạo, cứu người. Đi học trường Luật ra làm quan, ông nói không thích. Ông cũng là người có văn hóa và năng khiếu âm nhạc. Ông chơi đàn violon, thậm chí mang đàn ra kháng chiến, sau đó tặng lại cho Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trăn trở về quy hoạch đô thị

Sputnik: BS. Trần Duy Hưng là thị trưởng đầu tiên và lâu năm nhất của Hà Nội. Trong suốt hơn 20 năm làm Chủ tịch, ông đã có nhiều cải cách từ quy hoạch, văn hóa, xã hội… Xin ông chia sẻ, có những trăn trở nào của cha mình khi làm Chủ tịch mà chưa được thực hiện? Ký ức của ông về Hà Nội xưa và góc nhìn của ông về Hà Nội ngày nay?
Ông Trần Tiến Đức - con trai BS. Trần Duy Hưng:
Ông Trần Tiến Đức trong quá trình công tác tại Đài Truyền hình
Đến năm 1958, sau 7 năm đi nước ngoài tôi được về thăm nhà. Lúc đó, Hà Nội đã ổn định. So với Mạc Tư Khoa (Moskva) rộng lớn, đông đúc, Hà Nội theo cảm nhận của tôi khi ấy là thành phố yên bình. Với kiến trúc đặc biệt, đan xen giữa khu phố cổ và phố mới (phố Tây, nơi có kiến trúc Pháp). Đường xá thông thoáng vì không có nhiều ô tô mấy. Người dân chủ yếu đi xe đạp, còn số ít đi xe máy. Phải nói TP. khi ấy rất xanh và đẹp.
Tôi còn nhớ, năm 1962 khi còn là sinh viên, tôi có về Hà Nội, cha tôi có tiếp đoàn kiến trúc sư của TP Leningrad sang tham khảo ý kiến quy hoạch TP Hà Nội. Điều tôi ấn tượng nhất, các kiến trúc sư Leningrad rất trân trọng di sản kiến trúc Hà Nội. Họ muốn khai thác triệt để ao hồ của Hà Nội, chứ không hề có ý tưởng lấp ao hồ, nhằm đảm bảo không khí trong lành, cảnh quan cho việc thoát nước. Trong quy hoạch, họ đề xuất nối các hồ bằng những con kênh. Họ muốn cố gắng đưa cảnh quan Hà Nội như Leningrad thứ hai, như Venice. Nếu ý tưởng đó được tôn trọng và thực thi, tôi nghĩ Hà Nội sẽ không phải đối mặt với ô nhiễm và ngập lụt.
Hà Nội sẽ sớm có 10 cây cầu bắc qua sông Hồng
Cha tôi, bác sĩ Trần Duy Hưng lúc nào cũng có mong muốn to lớn là có được thành phố Hà Nội xanh - sạch - đẹp. Tôi nhớ, có lần đi với chúng tôi lên hồ Tây, khi ngồi ngắm hồ, cụ nói rất muốn sau này sẽ làm vành đai vườn cây xung quanh hồ Tây. Sát hồ là đường đi bộ, sau đó là đường vành đai cây rộng khoảng 100m. Nếu giữ được cảnh quan đó, tôi nghĩ hồ Tây đẹp lên, xanh hơn rất nhiều. Khi đó, người Hà Nội sẽ có công viên để nghỉ ngơi.
Cụ rất trăn trở văn hóa Hà Nội. Làm Chủ tịch TP nhưng trực tiếp theo dõi phong trào Bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, bổ túc văn hóa. Cụ cũng rất quan tâm đến vấn đề văn hóa, nghệ thuật. Như nhà hát kịch, đoàn ca múa Hà Nội, cụ đã cố gắng nhiều để xây dựng đơn vị nghệ thuật tiêu biểu. Hay ngày thành lập đoàn xiếc Hà Nội trùng ngày sinh cha tôi, năm nào các anh chị cũng đến tặng hoa, mời cụ xem đoàn biểu diễn. Còn về thể thao, có thể coi cha tôi là người đỡ đầu của một số đội bóng như Công an Hà Nội, Bưu điện, Đường sắt. Các trận đấu của các đội bao giờ cụ cũng có mặt.
Bác sĩ Trần Duy Hưng tặng hoa cho các vận động viên
Tôi nghĩ một chủ tịch TP. đến với người dân bình thường, đến với văn nghệ sĩ, vận động viên họ thấy sự gần gũi, sự chăm lo, trăn trở của lãnh đạo TP. đối với những hoạt động văn hóa thể thao.

Nước Nga - Tổ quốc thứ hai

Sputnik: Được ra nước ngoài sinh sống và học tập từ nhỏ. Trong đó, suốt chặng đường học tập và trưởng thành đều gắn liền với nước Nga. Vậy trong suốt năm tháng đó, nước Nga có ý nghĩa thế nào đối với ông?
Ông Trần Tiến Đức - con trai BS. Trần Duy Hưng:
Năm 10 tuổi tôi rời gia đình đi học Thiếu sinh quân. Do địa điểm học Thiếu sinh quân ở Thái Nguyên bị ném bom, Nhà nước chủ trương đưa toàn bộ Thiếu sinh quân sang Trung Quốc để đảm bảo an toàn.
Đến năm 1954, sau Hiệp định Genève, cụ Hồ và Trung ương có quyết định chọn các học sinh đại diện đủ các thành phần (từ cán bộ cách mạng, tri thức, đến con em cấp xã) đều nằm trong số 100 người được cử sang Liên Xô.
Người dạy tiếng Nga cho 100 'hạt giống đỏ' Việt Nam đầu tiên sang Liên Xô học tập
Ngày 3/10/1054, chúng tôi lần đầu tiên tôi đặt chân lên đất nước Nga, sau hành trình từ Trung Quốc. Chúng tôi có mặt ở ga Yaroslav (Moskva), rồi về ngôi nhà số 28 phố Kachalov - ngôi nhà Nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Phó thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ an ninh Liên Xô từng ở. Tôi tốt nghiệp PTTH tại đây với bằng xuất sắc, tất cả các môn đều bằng tiếng Nga. Tôi cùng 7 bạn khác có tên trong danh sách bảng vàng của trường Trung học số 115 (Moskva).
Những năm tháng này, chúng tôi luôn được các thầy cô chăm lo, yêu quý, coi như con em trong gia đình. Các bạn Liên Xô rất quý chúng tôi. Có thể nói, đến bây giờ, tôi vẫn coi nước Nga là Tổ quốc thứ hai của mình. Chúng tôi không chỉ được học văn hóa, tiếp xúc với văn hóa Nga, văn hóa thế giới. Được xem những vở ba lê như Hồ thiên nga do nghệ sĩ nổi tiếng Ulyanova biểu diễn trong vai chính; các vở kịch ở Nhà hát kịch Gorky, các tác phẩm hội họa tại bảo tàng tranh của Nga và thế giới… Chúng tôi đi thăm Kiev, đi thăm Crưm, đi thăm những danh lam thắng cảnh - nơi đẹp nhất, nơi có giá trị văn hóa lớn nhất của thế giới và nước Nga.
Những trang sử vàng
Chiến sĩ Liên Xô và Việt Nam cứu sống lẫn nhau
Nước Nga đã để lại trong tôi những dấu ấn sâu sắc, bởi con người tốt bụng. Họ từng trải qua chiến tranh nên họ cảm thông, chia sẻ với chúng tôi, đến từ đất nước chiến tranh khi ấy.
Phải nói thêm rằng, Liên Xô và nước Nga đã có đóng góp to lớn cho Hà Nội, như cơ sở công nghiệp nặng đầu tiên của Hà Nội - nhà máy cơ khí Hà Nội. Hay các thầy thuốc Nga đến Hà Nội sang làm việc và giúp đỡ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô những năm đầu. Sau này, bác tôi - giám đốc bệnh viện khi ấy - sang Nga và cùng dẫn tôi đến thăm các giáo sư, chuyên gia này.
Riêng trong cuộc chiến tranh phá hoại, sự giúp đỡ này là vô cùng to lớn. Và tôi nghĩ, sự giúp đỡ này có tính chất quyết định chiến thắng Việt Nam trước không lực Hoa Kỳ.
Sputnik: Được biết, ông cũng từng công tác trong ngành báo chí tại Việt Nam? Có kỷ niệm nào về nước Nga mà ông thấy thú vị trong quá trình làm việc?
Ông Trần Tiến Đức - con trai BS. Trần Duy Hưng:
Ông Trần Tiến Đức tại hậu trường của một chương trình truyền hình
Đến năm 1964, khi học xong ở Liên Xô, tôi về công tác ở Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, làm ở Viện Thông tin khoa học. Cơ duyên đến với nghề truyền hình từ đây.
Sau này, làm truyền hình, tôi được làm nhiều phim, nhiều chương trình với Đài Truyền hình Liên Xô ở Ostankino. Và từng dẫn chương trình ở chuyến bay vũ trụ của phi công Phạm Tuân và nhà du hành vũ trụ Gorbatko. Làm tường thuật trực tiếp Olympic Moskva năm 1980, Liên hoan Thanh niên và sinh viên thế giới 1985.
Đạo diễn Trần Tiến Đức
Tôi cũng từng làm phóng viên đặc biệt tại Đại hội Đảng Cộng sản Nga 1986. Năm 1987, tôi trực tiếp viết kịch bản, làm đạo diễn cũng như dẫn chương trình chính của cầu truyền hình Hà Nội - Moskva. Đó là những dấu ấn không thể quên. Nước Nga đã giúp tôi trở thành con người toàn diện, có văn hóa, kiến thức, có sự am hiểu về văn hóa nghệ thuật.
Cuộc sống hiện tại của con trai Bác sĩ Trần Duy Hưng - ông Trần Tiến Đức
Ngoài những nhà văn lớn như Pushkin, Lermontov, Lev Tolstoy, Dostoevsky có tác phẩm tôi thường xuyên đọc. Trong số đó, tôi yêu thích hơn cả là Sergey Exenin. Tôi nghĩ, nếu ai muốn hiểu tâm hồn Nga, phải đọc và hiểu được thơ của Exenin.
Năm 2005, tôi cùng nhà tôi đã quay trở lại Nga, thăm lại di tích, thành phố vành đai vàng, St. Peterburg... Lần đầu đến nước Nga, vợ tôi thốt lên vì vẻ đẹp của nước Nga, vì lòng nhân hậu của người Nga. Sau nhiều năm trở lại, tôi thấy nước Nga vẫn giữ được truyền thống, tôn trọng lịch sử, nhất là những người đã hy sinh trong Thế chiến thứ II. Bản thân tôi rất tự hào rằng, trong số hàng vạn người đã ngã xuống để bảo vệ TP. Moskva có hơn 10 người Việt Nam.
Ông Trần Tiến Đức (thứ hai từ phải) bên hai cháu nội
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi và chia sẻ những câu chuyện lịch sử cùng Sputnik!
Thảo luận