Bảo vệ dự trữ
Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đồng USD mất 0,7 điểm phần trăm trong quý 2 và 1,2 điểm phần trăm trong cả năm. Bây giờ tỷ trọng đồng USD trong dự trữ toàn cầu ở mức 58,22%, điều này chưa từng xảy ra kể từ năm 1995.
Các ngân hàng trung ương bắt đầu loại bỏ đồng USD vì nhiều lý do. Thứ nhất, nhà phát hành – Hoa Kỳ – đang ngày càng sử dụng tiền tệ như một công cụ gây áp lực lên những nước mà họ không thích.
Cựu đại diện của Brazil tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Paulo Nogueira Batista cho biết: “Đồng đô la rất nguy hiểm. Sau các lệnh trừng phạt tài chính chưa từng có đối với Nga, ngày càng có nhiều quốc gia tìm kiếm một giải pháp thay thế cho nó”.
Kết quả là, các ngân hàng trung ương đang tăng tỷ trọng của các đơn vị tiền tệ ít “độc hại” hơn và chuyển tài sản sang vàng để giảm thiểu rủi ro.
“Phi đô la hóa kỹ thuật”
Các nhà phân tích lưu ý đến một yếu tố khác thường bị bỏ qua.
Số liệu thống kê chính thức của IMF không phản ánh bức tranh đầy đủ do vai trò ngày càng tăng của tiền mã hóa stablecoin, đặc biệt là USDT, - nhà phân tích tài chính Vladislav Antonov của BitRiver lưu ý.
Ông giải thích: “Việc giảm tỷ trọng của đồng đô la trong dự trữ chính thức có thể được bù đắp bằng các stablecoin gắn liền với nó. Điều này tạo ra một loại “phi đô la hóa kỹ thuật” thông qua thị trường tiền điện tử.
Có tiền không?
Việc nợ công của Mỹ không ngừng tăng mạnh cũng không tạo thêm niềm tin: nợ công Mỹ đã vượt mốc 35 nghìn tỷ USD. Chỉ riêng chi phí lãi vay chiếm khoảng 2% GDP. Và thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ là 5% GDP. Các nhà đầu tư nghi ngờ sự ổn định tài chính của Hoa Kỳ.
“Sự thống trị của đồng USD là di sản của thỏa thuận Bretton Woods. Vào thời điểm đó, đồng tiền của Mỹ thực sự được hỗ trợ bởi vàng. Giờ đây, lợi thế chính của đồng USD là tính phổ biến của nó. Trong nhiều thập kỷ qua, đồng USD đã thống trị thương mại và dòng vốn toàn cầu. Không có đồng đô la, hầu hết các khoản thanh toán trên thế giới sẽ bị tê liệt. Đồng USD không còn được bảo đảm mệnh giá bằng vàng, chứng tỏ về điều đó là nợ công đang tăng với tốc độ "chóng mặt", chính phủ buộc phải thường xuyên nâng trần nợ công để tránh vỡ nợ kỹ thuật”, - ông Alexander Shneiderman, trưởng bộ phận bán hàng và hỗ trợ khách hàng tại Alfa-Forex cho biết.
Thanh toán bằng tiền tệ quốc gia
Đồng USD tiếp tục giữ vị trí là đồng tiền chủ chốt trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang chuyển sang cơ chế thanh toán mới không dùng đồng đô la.
Chuyên gia Evgeny Shatov, đối tác từ Capital Lab, cho biết: “Trước hết, đây là Trung Quốc, quốc gia đang nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Nga cũng đang cố gắng chuyển sang thanh toán chủ yếu bằng đồng Rúp”.
Matxcơva đã giảm gần một nửa tỷ trọng của đồng đô la trong các giao dịch quốc tế, xuống còn 17%. Đồng Rúp chiếm 67% thanh toán xuất khẩu sang châu Âu, đây là mức tối đa tuyệt đối. Trong giao dịch với Châu Á và Châu Phi, Nga chuyển sang thanh toán bằng tiền tệ quốc gia – đồng tiền Nga - 80% và đồng tiền của các đối tác - 84%.
Đây không chỉ là một biện pháp bắt buộc mà còn là quyết định chiến lược mang lại những lợi ích nhất định.
Nhà phân tích tài chính Vladislav Antonov của BitRiver cho biết: “Thứ nhất, biện pháp này giúp giảm rủi ro tiền tệ và sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính của Mỹ. Thứ hai, mối quan hệ trực tiếp giữa các ngân hàng với các đối tác được hình thành. Thứ ba, biện pháp này kích thích sự phát triển của cơ sở hạ tầng tài chính trong nước”.
Ở những quốc gia với đồng tiền quốc gia không ổn định, thanh toán bằng đồng rúp là đáng tin cậy hơn vì đây là đơn vị tiền tệ có thể chuyển đổi một phần, điều này rất quan trọng đối với các đối tác, ông Ruslan Pichugin cho biết thêm. Ngoài ra, chi phí chuyển đổi cũng giảm.
Không chỉ các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đặt cược vào đồng tiền quốc gia.
Ở châu Âu, ý tưởng phi USD hóa được thúc đẩy từ lâu, chẳng hạn như ở Thụy Sĩ. Chuyên gia Evgeny Shatov làm rõ thêm, các quốc gia Nam Bán cầu và một số quốc gia quân chủ Ả Rập trên vịnh Ba Tư (ví dụ, Ả Rập Saudi) cũng đang ngày càng đa dạng hóa các phương thức thanh toán của họ.
Tiếp theo là gì
Washington lo ngại về điều này. Vào tháng 10 năm 2022, nhà kinh tế tài chính quốc tế của Hệ thống Dự trữ Liên bang (FRB) Colin Weiss đã xem xét các kịch bản địa chính trị khác nhau. Theo một kịch bản, đồng đô la sẽ mất vị trí thống trị nếu Trung Quốc, Hồng Kông, cũng như một số quốc gia ở Châu Phi, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Trung Đông bắt đầu sử dụng nhân dân tệ trong các thỏa thuận với các quốc gia do Hoa Kỳ kiểm soát.
Colin Weiss cho rằng, kịch bản này khó có thể xảy ra trong những năm tới. Tuy nhiên, về lâu dài, nhiều điều phụ thuộc vào sự thành công của các hệ thống thanh toán mới đang được phát triển trong BRICS và các hiệp hội quốc tế khác, chuyên gia Vladislav Antonov lưu ý.
BRICS có kế hoạch tạo ra một hệ thống thanh toán độc lập - BRICS Pay- dựa trên các công nghệ hiện đại nhất, bao gồm cả blockchain. Hệ thống tiền điện tử phi tập trung sẽ cho phép bạn giao dịch không dùng đồng đô la và giao dịch với Nga mà không sợ bị trừng phạt thứ cấp.
Một báo cáo về nội dung này sẽ được trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 10. Trong mọi trường hợp, xu hướng phi USD hóa sẽ tăng tốc - đây là quá trình không thể đảo ngược. Và đây là tiến hóa tự nhiên của hệ thống tài chính toàn cầu theo hướng đa cực.