Trước đó, hồi cuối tháng 9, vụ việc cô Trương Phương Hạnh xin tiền phụ huynh hỗ trợ mua laptop gây dậy sóng dư luận. Đáng nói, sau khi không được phụ huynh đồng ý, cô giáo này còn nhắn tin thông báo “không soạn đề cương ôn tập, phụ huynh tự ôn cho con”.
Dừng đứng lớp đến hết năm học
Chiều 19/10, ông Võ Cao Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1 (TP.HCM), cho biết cô Trương Phương Hạnh, chủ nhiệm lớp 4A3 trường Tiểu học Chương Dương, bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Cô giáo này sẽ được chuyển sang làm công tác giáo vụ từ ngày 21/10 cho đến hết năm học 2024-2025.
"Phòng sẽ phân công nhân sự theo dõi, nắm bắt thông tin ở các trường để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cũng như xử lý các vấn đề phát sinh một cách kiên quyết, không bao che", báo Vnexpress dẫn lời ông Võ Cao Long.
Lãnh đạo ngành thông tin về việc cô giáo xin phụ huynh hỗ trợ mua laptop
© Ảnh : TTXVN - Lý Thu Hoài
Được biết, theo quy định hiện nay, có 4 hình thức kỷ luật đối với viên chức theo mức độ tăng dần là: Khiển trách, Cảnh cáo, Cách chức, Buộc thôi việc.
Trước đó, cô Trương Phương Hạnh đã bị trường Tiểu học Chương Dương đình chỉ giảng dạy 2 tuần sau vụ việc phụ huynh tố cô này xin hỗ trợ tiền mua laptop. Sau đó, nhà trường đã cử cô Đinh Thị Kim Thoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường, phụ trách việc giảng dạy lớp 4A3. Cô Thoa là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền ở đơn vị.
Vụ cô giáo “xin laptop”
Như Sputnik đã đưa tin, nhiều phụ huynh trường Tiểu học Chương Dương phản ánh việc cô Hạnh xin tài trợ 5-6 triệu đồng để mua máy, mỗi gia đình đã đóng 200.000-500.000 đồng. Nhưng sau đó, cô báo mua laptop 11 triệu đồng, tự bù 5 triệu và cho biết "laptop này là của cô", khiến phụ huynh bức xúc.
Đỉnh điểm, sau khi một số phụ huynh không đồng ý hỗ trợ, cô Trương Phương Hạnh đã nhắn tin cho phụ huynh, cho biết sẽ không soạn đề cương, đề nghị phụ huynh tự ôn tập cho con:
"Tối qua và sáng nay cô đã nhận nhiều tin nhắn và điện thoại của phụ huynh năn nỉ cô nhận phần hỗ trợ của lớp. Cô xin nói rõ quan điểm của cô là cô không nhận nha phụ huynh. Và cô cũng không phải soạn đề cương ôn tập cho các con. Cô thống nhất bài ôn và phụ huynh tự ôn ạ...".
Sau vụ việc, nhiều học sinh của lớp 4/3 về kể lại việc các con phải học qua tivi quá nhiều. Theo các cháu, cô giáo cho học sinh xem Youtube ở hầu hết các bộ môn, mở lời giải trên tivi cho các con chép lại. Học sinh nào không chép kịp thì phải bỏ.
Với môn Toán, cô Hạnh cho chép câu hỏi trên tivi và sách rồi tự làm theo; có lúc cô mở Powerpoint lên cho học sinh chép lời giải chứ không giảng bài. Đặc biệt, cô dạy rất nhanh môn Toán, bạn nào không hiểu đặt câu hỏi thì cô la.
Ngay sau biết tình hình học tập của con em, một số phụ huynh trong lớp đã ký đơn xin đổi giáo viên chủ nhiệm, hoặc chuyển lớp cho các con. Ngoài ra, phụ huynh cũng có đơn gửi đến Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM để tìm hướng giải quyết vụ việc.
Ngày 30/9, có đến 24 gia đình cho con nghỉ học, nhiều người nói không muốn sự việc ảnh hưởng tới tâm lý của con.
Trả lời báo chí, cô Trương Phương Hạnh cho biết, cô nhận sai vì vận động tài trợ không đúng và tự giữ tiền quỹ lớp, nguyên nhân là do không hiểu rõ quy định xã hội hóa giáo dục. Theo cô giáo này, có nhiều thiết bị trong trường được phụ huynh tài trợ nên cô cho như vậy là bình thường.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường, giáo viên không được vận động tài trợ để chi trả thù lao hoặc các khoản liên quan trực tiếp cho giáo viên, nhân viên. Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh do sẽ ban quản lý, sử dụng và chỉ được phục vụ cho các hoạt động trực tiếp của phụ huynh.