Nhiều diễn biến tích cực được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang nghiên cứu tái khởi động dự án điện hạt nhân với cam kết sử dụng công nghệ tiên tiến nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối và đáp ứng nhu cầu an ninh năng lượng trong tương lai.
Tập đoàn điện hạt nhân Nga muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam
Nội dung quan trọng về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, điện hạt nhân được nêu trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với ông Alexey Likhachev, Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng ở Kazan, Liên bang Nga.
Phát biểu tại buổi tiếp, Tổng Giám đốc Rosatom Alexey Likhachev bày tỏ vui mừng được gặp lại người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Ông Likhachev kỳ vọng, với nền tảng tốt đẹp, kinh nghiệm hợp tác lâu năm, Rosatom mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam.
Rosatom cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực về điện hạt nhân, năng lượng nguyên tử cho Việt Nam.
Rosatom tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, đào tạo nhân lực
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác toàn diện với Liên bang Nga.
Thủ tướng cũng trao đổi về tiềm năng và khả năng ứng dụng năng lượng nguyên tử hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Trao đổi với ông Likhachev, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự hợp tác, hỗ trợ của Liên bang Nga trong việc thiết kế, vận hành Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, phát triển Trung tâm nhiệt đới Việt – Nga, những đóng góp cho phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ nhất trí Tập đoàn Rosatom tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm cả chuyên gia, kỹ sư và công nhân lành nghề trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
Việt Nam tính quay lại phát triển các dự án điện hạt nhân
Như Sputnik đưa tin, ở Việt Nam hiện đang tích cực thảo luận về vấn đề quay lại phát triển các dự án điện hạt nhân.
Kể từ năm 2009, Việt Nam đã nghiên cứu triển khai dự án ở Ninh Thuận với sự hỗ trợ của Nga nhưng do nhiều yếu tố đặc biệt là vấn đề nhân lực, tài chính có nhiều khó khăn, do đó Quốc hội đã quyết định tạm dừng nghiên cứu triển khai vào năm 2016.
Tuy nhiên, hiện tình hình của đất nước và thế giới có chuyển biến tích cực nên Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu kinh nghiệm phát triển điện hạt nhân trên thế giới.
Bộ Công Thương Việt Nam đánh giá việc phát triển điện hạt nhân thời gian tới là rất cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng mục tiêu Net Zero cho Việt Nam.
Tuy nhiên, việc phát triển thế nào cần được nghiên cứu kỹ và đánh giá toàn diện mới đề xuất trong Quy hoạch điện VIII để rà soát điều chỉnh.
Mới hôm qua, phát biểu tại cuộc họp báo ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng khẳng định, sẽ lựa chọn công nghệ tiên tiến, thế hệ mới nhằm đảm bảo tối đa an toàn, đưa rủi ro về bằng 0. Bộ cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế ở nhiều nước và khoanh vùng, chọn được một vài phương án.
Mặc dù chưa có thời điểm cụ thể để bắt đầu triển khai nhưng Bộ Công Thương đang xin chủ trương từ Chính phủ dựa trên các nghiên cứu thực tế của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ. Thời gian qua, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt và đại diện Bộ Công nghệ Việt Nam cũng thường xuyên làm việc, trao đổi với phía Nga về các dự án hợp tác trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Tại dự thảo Luật Điện lực sửa đổi, Chính phủ cũng đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.