Trong ba ngày liên tiếp, Viện Trung Quốc và Châu Á đương đại (ICCA) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga và trường đại học ngoại giao hàng đầu của Nga - Đại học Quan hệ Quốc tế Matxcova MGIMO đã tổ chức các hội thảo khoa học về chính trị quốc tế và các vấn đề đương đại, về lịch sử và kinh tế, văn hóa và văn học của Việt Nam.
Sự quan tâm đến Việt Nam ngày càng tăng
Lần này, Hội thảo khoa học quốc tế "Những vấn đề thời sự trong nghiên cứu Việt Nam" do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc ICCA RAS tổ chức, có quy mô đặc biệt lớn. Mặc dù hội thảo lần này hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên Xô, nhưng các đại biểu đề cập đến nhiều chủ đề rộng hơn. Điều này được chứng minh bằng số lượng báo cáo được trình bày - 32 báo cáo được phân nhóm thành các hướng nghiên cứu như chính sách đối ngoại, chính trị trong nước, kinh tế, lịch sử và khảo cổ học, văn hóa, tôn giáo và nghệ thuật, ngữ văn. Hội thảo được tổ chức theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trong suốt hai ngày, từ sáng đến tối, các nhà khoa học Nga và Việt Nam, đại diện cho các tổ chức khoa học và cơ sở giáo dục hàng đầu của hai nước, đã chia sẻ kết quả nghiên cứu của mình. Về phía Nga, tham dự Hội thảo có Đại học Tổng hợp Quốc gia Mátxcơva (MSU), Đại học quốc gia St. Petersburg và Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông, Học viện Hành chính Công và Kinh tế Quốc dân Nga (RANEPA), Đại học RUDN và Viện các nước phương Đông, Học viện Ngoại giao và Đại học Quân sự, ICCA, Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Viện Pháp luật và Luật so sánh trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga, Viện Khảo cổ học và Dân tộc học thuộc Chi nhánh Siberia của Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Thư viện thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Về phía Việt Nam có sự tham dự của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Văn hoá Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và Học viện Múa Việt Nam.
“Hội thảo thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng của giới khoa học Nga đối với Việt Nam và sự xuất hiện của các chuyên gia trẻ ở nhiều cơ sở khoa học và giáo dục sẵn sàng chia sẻ nghiên cứu của họ về một đất nước đang tăng trưởng nhanh chóng”, - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN - Tiến sĩ kinh tế Vladimir Mazyrin lưu ý.
Trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, các đại biểu rất chú trọng đến các nội dung như quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ trên nhiều khía cạnh khác nhau, sự hợp tác của Việt Nam với các nước chủ chốt ở Nam bán cầu, một số báo cáo nói về “cây” quyền lực mềm của Việt Nam.
Giáo sư Vladimir Kolotov, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg, đã đọc báo cáo rất thú vị về vai trò của các mưu kế truyền thống trong xây dựng chính sách đối nội và đối ngoại hiện đại của Việt Nam. Trong phần chính sách đối nội, các đại biểu đã thảo luận về vai trò của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa đất nước, những thay đổi kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới và nhu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật, các thành phố thông minh ở Việt Nam và những cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số.
Đương nhiên, nhiều báo cáo của các nhà khoa học Nga và Việt Nam nói về quan hệ Nga-Việt. Khía cạnh kinh tế của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, trong lĩnh vực tài chính, nghiên cứu tiếng Nga tại Việt Nam, hợp tác năng lượng - đây là những chủ đề của hai bên. Kết luận được rút ra sau khi trình bày những báo cáo này không mấy lạc quan. Các nhà khoa học ghi nhận sự thua thiệt của Nga trước các nền kinh tế lớn khác trên thị trường Việt Nam do một số nguyên nhân: thiếu thông tin về năng lực của nhau, áp lực trừng phạt, tác động của hạn chế và việc chậm trễ tiến độ thực thi hiệp định FTA Việt Nam - EAEU. Một số báo cáo lưu ý rằng, sự quan tâm của người Việt Nam đến Nga trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học, văn hóa và giáo dục đã suy giảm, và đề xuất nhiều biện pháp nhằm khắc phục tình trạng này.
Chủ đề của các báo cáo về kinh tế bao gồm cả những vấn đề chung và phân tích từng lĩnh vực riêng lẻ của nền kinh tế Việt Nam. Giáo sư Vladimir Mazyrin lưu ý đến mức độ phụ thuộc cao của nền kinh tế Việt Nam vào các nước phương Tây thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Theo ông, đây là nguy cơ đe dọa mất ít nhất một phần chủ quyền kinh tế của Việt Nam, dẫn đến việc áp đặt các quyết định chính trị từ bên ngoài, làm xói mòn lợi ích cơ bản của đất nước và tạo ra nguy cơ phong tỏa thực sự nếu Mỹ hoặc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Việt Nam.
Hội thảo khoa học quốc tế "Những vấn đề thời sự trong nghiên cứu Việt Nam" do Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc ICCA RAS tổ chức
Các báo cáo về lịch sử, khảo cổ học, văn hóa, ngôn ngữ cũng thu hút sự chú ý và đã được thảo luận sôi nổi. Nếu đa số cuộc thảo luận nhóm đề cập đến những vấn đề đương đại thì ở đây các thạc sĩ và các nhà khoa học trẻ chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ tập trung vào Việt Nam trong quá khứ. Kim En Un, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đề cập đến bi kịch trong lịch sử gần đây, ông nói về mục tiêu và hậu quả của việc khoảng 300.000 binh lính Hàn Quốc đã được điều động đến tham chiến tại Việt Nam. Báo cáo của nhà khảo cổ học Alexander Kandyba từ Viện Khảo cổ học và Dân tộc học tại chi nhánh Siberia của Viện Hàn lâm Khoa học Nga về các cuộc khai quật ở hang Màn (miền Bắc Việt Nam) rất thú vị, ông biểu diễn dữ liệu theo cách trực quan. Còn PGS.TS Anatoly Sokolov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông phương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nói về người thầy đầu tiên dạy tiếng Việt ở Liên Xô - Vladimir Rebane. Các đại biểu tham dự Hội thảo rất thích thú lắng nghe các báo cáo về hệ giá trị dân tộc ở Việt Nam, về những vị thần có bộ mặt hung ác ở Đông Nam Á, về những tiểu thuyết lịch sử truyền thống Việt Nam và về Phật giáo và nhân sinh quan của vua Trần Thái Tông, về hình ảnh vị tướng Trần Hưng Đạo trong các đền thờ cũng như về kinh nghiệm của Nga trong việc huấn luyện vũ đạo cho các vận động viên khiêu vũ Việt Nam.
Phát biểu trước những người tham gia Hội thảo, Giám đốc Trung tâm ASEAN thuộc Đại học Quan hệ quốc tế Bộ Ngoại giao Nga (MGIMO) Ekaterina Koldunova nói: “Bây giờ, điều rất quan trọng là nghiên cứu sự phát triển chính trị của Việt Nam, không chỉ những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế, mà còn những thách thức cơ cấu nghiêm trọng mà thành công này đặt ra cho đất nước, những thay đổi trong xã hội Việt Nam. Nhiệm vụ của giới nghiên cứu Việt Nam hiện nay là phân tích và hiểu được những quá trình đó ở Việt Nam, phục vụ cho lĩnh vực chính sách cũng như nghiên cứu khoa học”.
Tương lai của ngành Việt Nam học ở Nga
Năm thứ hai liên tiếp, Khoa tiếng Trung, tiếng Việt, tiếng Miến Điện, tiếng Thái, tiếng Lào và tiếng Khmer tại Đại học MGIMO thuộc Bộ Ngoại giao Nga tổ chức hội thảo và cuộc thi dành cho sinh viên về chủ đề “Ngôn ngữ, văn hóa và chính sách ngôn ngữ của các nước Đông Nam Á”. Sinh viên và giáo viên của các cơ sở giáo dục trong ngành Đông phương học ở Nga cũng như nhân viên của các tổ chức khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu về những khía cạnh thú vị nhất trong cuộc sống ở khu vực họ nghiên cứu. Phóng viên Sputnik, từng là thành viên ban giám khảo cuộc thi sinh viên, vui mừng lưu ý rằng, các bạn trẻ thể hiện sự quan tâm và tình yêu thực sự đối với đất nước mà họ đang nghiên cứu cũng như sự tự tin làm chủ các phương pháp nghiên cứu khoa học, các bạn sinh viên đều có những phẩm chất quan trọng như trí tưởng tượng và lòng can đảm sáng tạo.
Cuộc thi báo cáo sinh viên tại MGIMO. Trao giải cho người chiến thắng
Trong phần dành cho ngôn ngữ và văn học các nước Đông Nam Á chỉ có hai báo cáo liên quan đến Việt Nam. Các sinh viên MSLU so sánh hình ảnh người thầy trong văn hóa dân gian Việt Nam và Nga và khám phá chủ đề ẩm thực Việt Nam qua ca dao, tục ngữ. Nhưng phần dành riêng cho văn hóa, xã hội của các nước Đông Nam Á hóa ra rất thuận lợi cho các nhà Việt Nam học trẻ. Sinh viên các trường MGIMO, MSLU, FEFU, ISAA MSU, HSE, Học viện Ngoại giao đã đọc báo cáo về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các sinh viên nghiên cứu Việt Nam đoạt 4 trong 5 giải. Năm nay cũng như năm ngoái, người dẫn đầu không thể tranh cãi là sinh viên MGIMO Pavel Bolshakov, anh đã trình bày kết quả nghiên cứu thực địa của mình. Trong thời gian thực tập tại Việt Nam, anh đã đến thăm những làng nghề nổi danh bậc nhất và chứng kiến công nghệ hiện đại ảnh hưởng như thế nào đến nghề thủ công truyền thống của Việt Nam. Vị trí thứ hai thuộc về nữ sinh viên cùng trường Polina Serpukhova. Cô đã kể lại một câu chuyện rất thú vị về họa sĩ nổi tiếng Tô Ngọc Vân, tác giả của một số bức tranh tiêu biểu cho nền mỹ thuật Việt Nam, và ảnh hưởng của ông đối với hội họa thời kỳ kháng chiến lần thứ nhất. Giải chủ đề độc đáo nhất thuộc về nữ sinh viên MSLU Sofya Bakhtina, cô đã đọc báo cáo về hình ảnh chú mèo trong mỹ thuật truyền thống và hiện đại của Việt Nam. Và giải dành cho chủ đề mang tính cấp bách nhất thuộc về Ekaterina Korosteleva, nữ sinh viên Học viện Ngoại giao, cô nghiên cứu về tinh thần khởi nghiệp trong văn hóa Việt Nam. Tất cả các báo cáo đã được thảo luận sôi nổi, có nhiều câu hỏi, lời khuyên và ý kiến có giá trị được bổ sung từ ban giám khảo.
Cuộc thi sinh viên tại MGIMO vừa là nơi đào tạo tốt các nhà khoa học trẻ, vừa là dấu hiệu cho thấy trường phái Đông phương học của Nga hướng tới tương lai tươi sáng.