Theo danh sách vũ khí được thanh lý để chuyển giao từ kho của quân đội Mỹ do Bộ Ngoại giao trình bày, LLVT Ukraina sẽ nhận được “mìn chống bộ binh không bền vững”. Tài liệu không nêu số lượng mìn.
“Là một phần trong kế hoạch tăng cường hỗ trợ an ninh do Tổng thống Joe Biden công bố vào ngày 26 tháng 9, Hoa Kỳ đang cung cấp một gói viện trợ quan trọng khác bao gồm vũ khí và thiết bị cực kỳ cần thiết cho các đối tác Ukraina của chúng tôi”, - Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết trong một tuyên bố.
Hôm thứ Tư, Lầu Năm Góc thông báo rằng Hoa Kỳ đang cung cấp cho Ukraina một đợt viện trợ quân sự mới trị giá 275 triệu USD. Theo thông cáo do Bộ Quốc phòng công bố, gói hàng mới này sẽ bao gồm đạn cho hệ thống tên lửa phóng loạt HIMARS, đạn pháo 155 mm và 105 mm, đạn súng cối 60 mm và 81 mm, tên lửa chống tăng TOW, Javelin và AT-4. cũng như các loại máy bay không người lái, vũ khí cá nhân, thiết bị kỹ thuật và thiết bị bảo vệ chống lại các mối đe dọa hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân.
Lầu Năm Góc không thông báo về việc chuyển giao mìn sát thương chống bộ binh trong thành phần cụ thể của gói viện trợ quân sự cho Kiev.
Các ban ngành cũng có những dữ liệu khác nhau về các loại trang thiết bị khác được chuyển giao. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ukraina sẽ nhận được thiết bị điện hỗ trợ cho máy bay chiến đấu F-16 trong gói viện trợ mới, mặc dù nó không nằm trong danh sách của Lầu Năm Góc.
Trước đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin xác nhận Mỹ đã bắt đầu cung cấp mìn sát thương cho Ukraina, đồng thời cho biết động thái này được thực hiện nhằm đối phó với việc quân đội Nga thay đổi chiến thuật là ngày càng mở rộng các cuộc tấn công bằng bộ binh.
Theo ông, Ukraina đã tự sản xuất được mìn sát thương. Người đứng đầu Lầu Năm Góc đảm bảo rằng các loại mìn do Mỹ cung cấp “có chức năng tự hủy có kiểm soát, giúp chúng an toàn hơn nhiều khi sử dụng trong tương lai”.
Ông Austin nhấn mạnh rằng Washington đã thảo luận với Kiev về việc sử dụng có trách nhiệm những loại vũ khí như vậy, bao gồm cả việc bắt buộc phải đăng ký các địa điểm có mìn và kích hoạt các đặc tính tự hủy của chúng. Austin cũng cho biết Mỹ đã cung cấp mìn chống tăng cho Ukraina ngay từ khi bắt đầu xung đột. Theo ông, yêu cầu của Kiev đã thay đổi do những thay đổi trong chiến thuật của LLVT Nga.
Ukraina đã phê chuẩn Công ước Ottawa năm 2005 cấm sử dụng, tàng trữ và sản xuất mìn sát thương. Trước đó, Mark Hizney, thành viên của Viện Nghiên cứu Giải trừ quân bị của Liên hợp quốc (UNIDIR), nói với các phóng viên trong buổi trình bày báo cáo Landmine Monitor 2023 rằng Ukraina đã từng vi phạm Công ước Ottawa cấm sử dụng mìn sát thương trong thời kỳ giao tranh ở thành phố Izyum, tỉnh Kharkov.