Những trang sử vàng

Nhà địa chất Matxcơva trong chiến tranh Việt Nam

Những bài mạn đàm trước đây trong loạt bài “Những trang sử vàng” bắt đầu nói về các chuyên gia dân sự Liên Xô từng công tác tại Việt Nam trong cuộc kháng chiến lần thứ hai.
Sputnik
Trong số đó có nhà địa chất Vladimir Shimanovsky, người đã được tặng thưởng Huân chương Lao động và Huân chương Hữu nghị của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vì các thành tích xuất sắc trong quá trình làm việc. Ông là một trong những chuyên gia Liên Xô đầu tiên đến Việt Nam: chuyến công tác đầu tiên của ông kéo dài từ năm 1955 đến năm 1957. Vào những năm đó, ông làm quản đốc khoan cấp cao của đoàn thám hiểm địa chất Liên Xô tại mỏ apatit Lào Cai. Ông nhớ rõ ấn tượng đầu tiên của mình khi vào một buổi sáng ông phát hiện những dấu chân hổ và vết móng hổ cào vào đá trên sân bóng chuyền - trong thời bình đó không có mối nguy hiểm nào khác.
Những trang sử vàng
Năm 1966: Cuộc giải cứu vụ mùa ở tỉnh Hà Nam Ninh
Chuyến công tác thứ hai lại là chuyện khác. Ông đã làm việc ở Việt Nam trong những năm chiến tranh 1966-1968. Suốt thời gian đó, ông thường xuyên viết nhật ký về những điều xảy ra hàng ngày, mô tả những gì ông, các đồng nghiệp Việt Nam và toàn bộ đất nước Việt Nam đã trải qua.
Chuyến công tác thứ hai bắt đầu vào ngày 9 tháng 12 năm 1966, và bốn ngày sau, khi đang ở Hà Nội, nơi ông điều phối chương trình làm việc với lãnh đạo khoa địa chất, Vladimir Shimanovsky đã “lần đầu ra trận ở Việt Nam”, như ông viết trong nhật ký. Không quân Mỹ đã cho máy bay B52 đến ném bom Hà Nội, thực hiện bốn vụ không kích mỗi ngày. Một quả bom đã rơi vào khu vực Hồ Gươm. Và nhà địa chất Liên Xô đã thấy con rùa bị thương bò vào bờ. Những giọt nước mắt rơi trên gương mặt những người nhìn thấy cụ Rùa bị thương.
Đối với nhà địa chất Matxcơva, “việc ra trận” ở Việt Nam” không phải là lần đầu tiên trong đời ông. Năm 18 tuổi, ông gia nhập Hồng quân, ông đã tham gia cuộc chiến chống Đức Quốc xã. Ông được trao tặng Huân chương Chiến thắng, Huy chương Dũng đảm, Huy chương "vì sự Công chiếm Viên", Huy chương "Chiến thắng Đức trong chiến thắng Vệ quốc vĩ đại 1941–1945".
Những trang sử vàng
Liên Xô và Việt Nam: tài liệu giải mật về thời chiến
Ở Việt Nam, ông Shimanovsky đã trải qua hàng chục vụ không kích. Có một ngày, một quả bom rơi xuống khu nhà tập thể của các chuyên gia Liên Xô ở Kim Liên, cách một tòa nhà dân cư năm trăm mét. Ông Shimanovsky đã chứng kiến trận ném bom của máy bay Mỹ phá hủy Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí, mà ông đã tham gia các công việc chuẩn bị xây dựng cơ sở đó trong chuyến công tác đầu tiên. Còn vào tháng 1 năm 1967, ông thoát chết chỉ vì quyết định đi đến phòng thí nghiệm.
“Tôi lái xe vừa ra khỏi căn cứ thì một quả bom rơi xuống đó. Khi quay lại, tôi thấy 12 người thiệt mạng và 20 người bị thương”.
Trong hai năm, nhà địa chất Matxcơva đã làm việc ở khu vực Lào Cai - Cẩm Phả - Hải Phòng, tại căn cứ của các đoàn thăm dò điạ chất số 35 và số 36, tại nhiều giếng khoan khác nhau. Ông đã giúp dựng tháp khoan, lắp ráp và sửa chữa thiết bị sau các cuộc đột kích. Ông là giáo viên dạy nghề tại các lớp học buổi tối dành cho thợ khoan Việt Nam, nói với họ về các loại và phương pháp khoan mới, hướng dẫn kỹ thuật khoan, đào giếng sâu. Tại các cuộc gặp với Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, ông báo cáo về các công việc đã thực hiện, đưa ra các đề xuất nhằm khắc phục những thiếu sót, xây dựng kế hoạch cho các hoạt động trong thời gian tới.
Đã hơn một lần ông gặp lại những người quen từ chuyến công tác đầu tiên. Ví dụ, vào năm 1956, ở Lào Cai, chàng trai trẻ Xuân đã không có một chút hiểu biết nào về công nghệ. Bây giờ anh Xuân, người tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, cơ sở giáo đục được xây dựng với sự giúp đỡ của Liên Xô, phụ trách công việc khoan giếng. Anh Lâm, người học nghề thợ khoan vào năm 1956, cũng đã tốt nghiệp đại học và trở thành trưởng phòng sản xuất và kỹ thuật của đoàn thám hiểm địa chất số 9.
Những trang sử vàng
Chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam DCCH: kiến thức và kinh nghiệm góp phần làm nên chiến thắng
Trong nhật ký Việt Nam, ông Vladimir Shimanovsky mô tả những đau thương, mất mát mà cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ để lại trên đất nước Việt Nam. Ông ngưỡng mộ chủ nghĩa anh hùng của nhân dân Việt Nam khi bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ đã đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Trở về Matxcơva vào năm 1968, ông giữ vững niềm tin vào chiến thắng của nhân dân Việt Nam và tỏ ý sẵn sàng lại đến giúp đỡ bạn bè nếu cần thiết.
Thảo luận