Hàn Quốc gác lại việc bảo trì tên lửa Taurus do Ukraina

Hàn Quốc có kế hoạch lui lại việc bảo trì tên lửa Taurus của Đức 5 năm do thiếu phụ tùng thay thế từ công ty sản xuất đang cung cấp chúng cho Ukraina, hãng Yonhap đưa tin.
Sputnik
“Lực lượng không quân lui lại kế hoạch bảo dưỡng kỹ thuật tổng thể đối với tên lửa không-đối- đất tầm xa Taurus KEPD 350K, dự kiến được thực hiện vào năm tới, sang khoảng năm 2030 – tức là chậm lại 5 năm sau... Bên Không quân đã sẵn sàng tiến hành bảo trì vào năm tới, 10 năm sau khi đưa vũ khí vào biên chế phục vụ, nhưng nhà sản xuất không chấp thuận việc này do nguồn cung không ổn định về một số chi tiết liên quan đến động cơ", - hãng tin viết.
Hàn Quốc mua tên lửa Taurus vào năm 2015 và thỏa thuận với nhà sản xuất loại tên lửa này là công ty Taurus Systems của Đức thực hiện công tác bảo trì tổng thể 10 năm một lần. Việc bảo trì bao gồm các công đoạn tháo rời hoàn toàn tên lửa, kiểm tra tình trạng tất cả các bộ phận bên trong và lắp ráp lại sau đó. Do gặp khó khăn trong việc cung ứng các bộ phận này, các bên đã thảo luận về kế hoạch tiến hành bảo trì tổng thể vào năm tới, còn đối với các bộ phận có vấn đề - 5 năm sau. Tuy nhiên, với lo ngại khả năng sẵn sàng chiến đấu sẽ giảm sút do phải sửa chữa thường xuyên nên đã thuyết phục quân đội Hàn Quốc lên kế hoạch tiến hành công tác kiểm tra tổng thể không phải theo chu kỳ 10 năm mà là 15 năm sau khi đưa vũ khi vào biên chế phục vụ.
Yonhap lưu ý rằng, “theo các nhà quan sát”, tình hình hiện tại bị ảnh hưởng bởi “sự kéo dài” của cuộc xung đột Ukraina. Hãng tin nhắc lại rằng Taurus Systems là liên doanh giữa MBDA, công ty hợp nhất các đơn vị ngành tên lửa của một số công ty quốc phòng châu Âu và Saab Bofors của Thụy Điển. Đồng thời, các nước châu Âu hiện đang cung cấp cho Ukraina nhiều hệ thống vũ khí khác nhau, bao gồm cả tên lửa mà một phần đáng kể các thành phần trong đó trùng lặp với những hệ thống được lắp ráp trong tên lửa Taurus, vì vậy các nhà sản xuất thật ra là không có đủ các bộ phận để bảo trì tên lửa cho Hàn Quốc.
Hàn Quốc thử tên lửa đạn đạo mới: 'tên lửa quái vật'
Theo Yonhap, điều này đã gây ra mối lo ngại đáng kể ở Seoul, vì tên lửa Taurus là nền tảng của chương trình Kill Chain của Hàn Quốc được đề ra nhằm mục tiêu phá hủy các cơ sở quan trọng ở CHDCND Triều Tiên trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Theo kế hoạch, hơn 200 tên lửa hành trình Taurus, được phóng từ máy bay chiến đấu F-15K từ những vùng hậu phương mà hệ thống phòng không Bắc Triều Tiên không thể theo dõi, sẽ có khả năng tiến hành các cuộc tấn công nhắm đích trên khắp CHDCND Triều Tiên, loại bỏ mối đe dọa tấn công vào Hàn Quốc.
Hãng tin cũng chỉ ra rằng tình hình xảy ra với tên lửa Taurus cho thấy trong điều kiện khi nền quốc phòng của Hàn Quốc có thể bị đặt dấu hỏi, thì Seoul sẽ “không dễ dàng cung cấp viện trợ vũ khí cho Ukraina”. Hãng tin cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Ukraina Rustem Umerov, người đến thăm Hàn Quốc một ngày trước đó, “đã nêu ra với phía Hàn Quốc mong muốn được (nhận) viện trợ vũ khí”, nhưng các quan chức chính phủ Hàn Quốc khi kết thúc chuyến thăm cho biết Seoul “đang ở trong tình thế chỉ có thể trả lời rằng sẽ cố gắng xem xét vấn đề này”.
Sau khi Thỏa thuận Đối tác chiến lược toàn diện giữa Liên bang Nga và CHDCND Triều Tiên được ký kết vào tháng 6 năm nay, Seoul đã đe dọa Moskva sẽ xem xét lại chính sách không cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev. Tổng thống Nga Vladimir Putin đáp trả bằng cách gọi khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraina là một “sai lầm lớn” và nói rằng trong trường hợp này Liên bang Nga có thể đưa ra những quyết định mà giới lãnh đạo Hàn Quốc chưa chắc đã hài lòng. Ông nói thêm rằng Nga có “quyền cung cấp vũ khí cho các khu vực khác”, không loại trừ cả cho CHDCND Triều Tiên. LB Nga trước đây đã lưu ý đến thực tế là phương Tây không có bằng chứng nào xác nhận việc các quân nhân Triều Tiên được cho là có mặt tại khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt. CHDCND Triều Tiên gọi những cáo buộc liên quan chống lại Bình Nhưỡng là “hành động bẩn thỉu” của Mỹ và các đồng minh.
Theo một cuộc thăm dò dư luận do công ty nghiên cứu xã hội Gallup Korea thực hiện vào ngày 22-24 tháng 10, 82% người dân Hàn Quốc phản đối việc cung cấp vũ khí cho Kiev. 66% số người được hỏi trả lời rằng chính phủ chỉ nên hỗ trợ Kiev thông qua các biện pháp phi quân sự và 16% cho rằng Hàn Quốc nên hạn chế mọi hình thức hỗ trợ cho Ukraina. Cuộc thăm dò dư luận của NBS do 4 công ty hàng đầu về lĩnh vực này ở Hàn Quốc thực hiện trong các ngày 4-6 tháng 11 cũng cho thấy chỉ có 33% người Hàn Quốc ủng hộ ý tưởng cử nhóm quan sát viên quân sự tới Ukraine, trong khi 61% số người được hỏi phản đối việc này
Thảo luận