Được tuyên bồi thường oan sai hơn 303 triệu, lão nông kháng cáo đòi 22 tỷ

Liên quan vụ yêu cầu bồi thường oan sai của vợ chồng ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng (ở Đắc Nông), ông Võ cho biết đã kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đắk Nông.
Sputnik
Trong đơn, ông Nguyễn Văn Võ kháng cáo đề nghị toà cấp cao hủy án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện gia đình ông, buộc TAND huyện Tuy Đức bồi thường số tiền hơn 22 tỷ đồng.
Trước đó, TAND tỉnh Đắk Nông xử sơ thẩm đã tuyên buộc TAND huyện Tuy Đức bồi thường cho vợ chồng ông Võ hơn 303 triệu đồng.

Kháng cáo mức bồi thường của TAND huyện

Ngày 13/12, ông Nguyễn Văn Võ cho biết đã gửi đơn tới TAND Cấp cao tại TP.HCM về việc kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đắk Nông, liên quan vụ yêu cầu bồi thường oan của ông Võ và vợ là bà Nguyễn Thị Thưởng (ngụ xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông).
Trước đó, ngày 18/11, TAND tỉnh Đắk Nông đã xét xử sơ thẩm, buộc TAND huyện Tuy Đức bồi thường cho vợ chồng ông Võ hơn 303 triệu đồng.
Không đồng ý với bản án, ông Nguyễn Văn Võ kháng cáo đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM hủy án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện gia đình ông, buộc TAND huyện Tuy Đức bồi thường số tiền hơn 22 tỉ đồng.
Ông Trần Đình Triển phạm tội gì?
Theo ông Võ, việc ông bị bắt oan dẫn đến việc gia đình phải bỏ hoang 6 ha nương rẫy. Vào mùa khô, do không có người tưới nước, làm cỏ, phun thuốc trừ sâu khiến cho hoa màu, cây cối bị sâu đục thân chết khô, chết đứng, đổ rạp hàng loạt, những cây khác còi cọc chậm phát triển.
Sau khi được trả tự do, ông Nguyễn Văn Võ đổ bệnh, đau xương đa khớp, rối loạn tiền đình, sức khỏe yếu, không còn khả năng lao động, chăm sóc vườn cây.
Ông Võ cho biết, ông từng nhiều lần đề nghị các cơ quan chuyên môn vào cuộc, kiểm đếm số cây, xác minh và giám định thiệt hại, định giá vườn cây của ông nhưng không được chấp nhận. Cũng vì vậy mà gia đình ông hiện không có căn cứ tính bồi thường thiệt hại về tài sản.
Tuy nhiên, ông đã nộp nhiều hóa đơn, chứng cứ để chứng minh thiệt hại của gia đình trong thời gian bị bắt giam oan.
“Tòa sơ thẩm chưa đánh giá toàn diện các chứng cứ trong hồ sơ vụ án và diễn biến tranh tụng tại phiên toà. Vì vậy, tôi nhận thấy bản án sơ thẩm không khách quan, ảnh hưởng đến lợi ích của chúng tôi”, ông Võ nói với báo PLO.

Vụ oan sai của vợ chồng ông Nguyễn Văn Võ

Năm 2008, vợ chồng ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng có chuyển nhượng quyền sử dụng 400m2 đất cho 2 người dân ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, với giá 100 triệu đồng.
Tìm cơ hội sống, bà Trương Mỹ Lan mong SCB ‘thông cảm’ trả lại 5.000 tỷ
Đến năm 2016, hai người này yêu cầu vợ chồng ông đến UBND xã để làm thủ tục sang tên diện tích đất trên cho ông Nguyễn Văn C., vì hai người này trước đó đã chuyển nhượng diện tích đất này lại cho ông C.
Tuy nhiên, vợ chồng ông Võ không đồng ý vì cho rằng không biết ông C. là ai và không đến UBND xã làm thủ tục. Hai người này sau đó đã làm đơn khởi kiện bằng một vụ án dân sự tại TAND huyện Tuy Đức.
Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, TAND huyện Tuy Đức nhận thấy ông Võ, bà Thưởng có dấu hiệu tội hình sự nên đã đình chỉ vụ án dân sự, đề nghị khởi tố vụ án.
Ngày 11/4/2018, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy Đức đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng về tội lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản, ra lệnh bắt tạm giam ông Võ. Các quyết định đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn và ra cáo trạng truy tố.
Tháng 10/2018, TAND huyện Tuy Đức đưa vụ án ra xét xử, qua đó tuyên phạt Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng mỗi người 24 tháng tù, nhưng cho bà Thưởng được hưởng án treo.
Sau phiên sơ thẩm, cả hai vợ chồng có đơn kháng cáo kêu oan. Ngày 4/1/2019, TAND tỉnh Đắk Nông đã tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra lại vụ án.
Do hết thời gian điều tra nhưng không chứng minh được hành vi phạm tội, đến ngày 21/9/2019, Cơ quan CSĐT Công an huyện đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng.
Không có chuyện bà chủ Đại Nam Nguyễn Phương Hằng đã ra tù
Tháng 6/2020, TAND huyện Tuy Đức đã tổ chức buổi xin lỗi, cải chính công khai đối với ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Nhiều lần thương lượng

Ngày 6/6/2023, vợ chồng ông Nguyễn Văn Võ và bà Nguyễn Thị Thưởng đã có văn bản yêu cầu bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với tổng số tiền gần 31 tỉ đồng.
Hai tháng sau, TAND huyện Tuy Đức thông báo không chấp nhận định giá tài sản và bồi thường theo yêu của ông Võ, mà đề xuất chỉ chấp nhận bồi thường cho vợ chồng người bị oan sai số tiền thuê người làm thay trong thời gian bị tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú là 63 triệu đồng/người. Tổng số tiền được đề xuất bồi thường là 270 triệu đồng.
Ngày 10/10/2023, TAND huyện Tuy Đức đã tổ chức buổi thương lượng bồi thường cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Võ. Tại đây, ông Võ cho biết kể từ khi bị bắt giam oan đến nay đã bước sang năm thứ sáu, nên đề nghị giải quyết dứt khoát.
Ông Nguyễn Văn Võ cũng phản bác nhiều nội dung trong báo cáo xác minh thiệt hại ngày 28/8 của TAND huyện Tuy Đức.
Theo đó, việc tòa không chấp nhận định giá tài sản và bồi thường là vi phạm Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Bởi lẽ, thiệt hại về tài sản của gia đình ông từ việc vợ chồng bị oan, bị bắt giam là một thực tế rõ ràng, được thể hiện qua Biên bản xác minh ngày 7/10/2020 do TAND huyện Tuy Đức lập.
Ông Võ cho rằng, việc đưa ra mức bồi thường thiệt hại về tinh thần do bị oan sai không dựa vào điều luật của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mà áp dụng Bộ luật Dân sự để tính mức bồi thường không quá 10 tháng lương cơ sở là nhầm lẫn tai hại, gây thiệt hại nghiêm trọng cho vợ chồng ông.
Một cán bộ Toà cấp cao tại Đà Nẵng bị bắt
Tại buổi làm việc này, vợ chồng ông Nguyễn Văn Võ đồng ý giảm số tiền yêu cầu bồi thường xuống còn tổng cộng hơn 28,6 tỉ đồng.
Sang buổi thương lượng ngày 10/11/2023, đại diện cho người bị kết án oan tiếp tục yêu cầu cơ quan chức năng huyện Tuy Đức bồi thường hơn 28 tỉ đồng.
Qua làm việc, đại diện TAND huyện Tuy Đức đề xuất bồi thường gần 400 triệu đồng cho vợ chồng ông Võ. Vì vậy, việc thương lượng giải quyết bồi thường tiếp tục không thành.
Theo ông Võ, gia đình có khoảng 6ha đất ở huyện Tuy Đức. Gia đình ông trồng đủ loại cây trên diện tích đất trên, bao gồm cà phê, gỗ sưa đỏ, hồ tiêu, xoài, sầu riêng…, các loại cây cảnh và nhiều tài sản khác.
Thời gian bị kết án oan, cây cối ở nhà gần như bị chết hoặc kém phát triển như: 2.000 gốc cà phê bị chết, thiệt hại 4 tỷ đồng. Có 4.600 cây gỗ sưa đỏ (8 năm tuổi) bị chết, không thể hồi phục, trong đó có hóa đơn chứng từ 4.000 cây với giá 5 triệu đồng/cây; 600 cây ươm trồng, thiệt hại gần 21 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều cây trồng khác có giá trị bị chết như: Hồ tiêu 1000 trụ; 300 các loại cây (xoài, sầu riêng, bơ, bưởi, mận, cam, quýt); 550 cây mắc ca bị chết và mất trộm…
"Tôi bị tạm giam. Sau đó, cả hai vợ chồng cùng chịu án oan ức. Dù chúng tôi đã nhiều lần kêu oan. Vì vậy, chúng tôi ngoài việc bị tổn thương về tinh thần, còn tốn nhiều chi phí thuê luật sư đi lại, bào chữa, con cái phải tạm nghỉ công việc. Với mức bồi thường này của TAND huyện Tuy Đức, thì không thể đi đến tiếng nói chung được", ông Võ nói.
Vu khống chánh án huyện, Trần Minh Lợi bị tuyên 5 năm tù
Liên quan đến vụ án oan sai nói trên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Nông đã kỷ luật cảnh cáo Thượng tá Dương Thanh Quế, nguyên Trưởng phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh Đắk Nông), nguyên Trưởng Công an huyện Tuy Đức.
Năm 2020, TAND tỉnh Đắk Nông kỷ luật khiển trách ông Nguyễn Hồng Chương, đồng thời cho ông này thôi giữ chức vụ Chánh án TAND huyện Tuy Đức. Ông Chương sau đó đã bị điều chuyển công tác đến đơn vị khác.
Ngoài ra, ông Phạm Văn Quân, Thẩm phán TAND huyện Tuy Đức cũng bị cảnh cáo và bố trí công tác khác.
Thảo luận